Biến rác thải nhựa thành xà phòng (25/09/2023)
Tính đến nay, khoảng 60% nhựa thải loại sẽ được đưa đến các bãi chôn lấp hoặc xả ra môi trường. Chỉ khoảng 1/10 rác thải nhựa được tái chế và phần lớn trong số đó được tái sử dụng.
Theo Nasati, các nhà hóa học tại Đại học Công nghệ Virginia, Hoa Kỳ đã tìm cách “tái chế” nhựa thành nguyên liệu thô có giá trị hơn bằng cách biến chúng thành chất hoạt động bề mặt.
Các nhà khoa học tại Đại học Công nghệ Virginia, Hoa Kỳ đã sử dụng phương pháp chuyển đổi nhựa khó phân hủy thành thành phần axit béo, tương tự như trong xà phòng. Nhựa có cấu trúc hóa học tương tự axit béo, một thành phần chính trong xà phòng. Nhóm nghiên cứu đã sử dụng phản ứng đốt nhựa tương tự việc cháy củi gỗ để phá vỡ chuỗi polymer trong nhựa thành các chuỗi ngắn hơn, sau đó chế biến chúng thành xà phòng.
Để biến nhựa thành chất hoạt động bề mặt, nhóm nghiên cứu đã phát triển một lò phản ứng đặc biệt làm nóng và ngưng tụ nhựa thành sáp có chuỗi cacbon ngắn. Bằng cách bọc chuỗi sáp bằng các nhóm nguyên tử oxy và xử lý chúng bằng dung dịch kiềm, các nhà nghiên cứu đã biến sáp thành chất hoạt động bề mặt. Kết hợp chất hoạt động bề mặt với một ít thuốc nhuộm và hương thơm sẽ tạo ra những bánh xà phòng nhỏ.
Theo nhóm nghiên cứu, phương pháp này hoạt động hiệu quả đối với polyetylen và polypropylen, hai loại nhựa phổ biến nhất. Phế liệu của hai loại nhựa này chiếm khoảng một nửa tổng số rác thải nhựa, gần 200 triệu tấn mỗi năm. Hơn 80% chất thải nhựa bị đưa đến bãi chôn lấp, chưa đến 10% được tái chế. Một ưu điểm quan trọng của phương pháp này là quy trình hoạt động trên những loại nhựa “hết hạn sử dụng”, không thể tái chế bằng các phương pháp thông thường. Phương pháp này cũng được thiết kế để có thể sử dụng trong môi trường công nghiệp.
Có thể thấy, nghiên cứu trên có thể giúp giảm thiểu vấn đề rác thải nhựa, một trong những mối đe dọa toàn cầu. Mặc dù phương pháp tái chế này hứa hẹn, nhưng các nhà khoa học cũng nhấn mạnh rằng giải pháp tốt nhất là giảm thiểu sử dụng nhựa để tránh ô nhiễm môi trường.
Quế Trâm