Chẩn đoán người mắc tiểu đường trong 10 giây nhờ giọng nói (09/10/2023)
Theo trang Daily Mail, nhóm nghiên cứu tại Klick Labs (Mỹ) đã đạt được thành tựu trên sau khi mô hình học máy AI của họ xác định được 14 đặc điểm âm thanh khác biệt giữa những người không mắc bệnh và những người mắc bệnh tiểu đường tuýp 2.
Để tiến hành thử nghiệm, công trình được thực hiện trên 267 người mắc và không mắc bệnh. Thiết bị ghi lại các cụm từ nghe được trên điện thoại thông minh của họ 6 lần một ngày trong hai tuần. Sau đó, AI phân tích 18.000 bản ghi âm và tìm ra hơn 14 điểm khác biệt về âm thanh giữa người mắc bệnh và khỏe mạnh. Tình nguyện viên cũng được yêu cầu cung cấp dữ liệu sức khỏe cơ bản như chiều cao, độ tuổi và cân nặng.
AI đã tập trung vào một tập hợp các đặc điểm của giọng nói, trong đó có những thay đổi nhỏ về cao độ và cường độ giọng nói mà tai người không thể nghe thấy. Sau đó, ghép dữ liệu đó với thông tin sức khỏe cơ bản, bao gồm tuổi, giới tính, chiều cao và cân nặng của người tham gia nghiên cứu.
Các nhà nghiên cứu nhận thấy giới tính đóng vai trò quyết định: AI có thể chẩn đoán bệnh chính xác với tỷ lệ 89% đối với phụ nữ, nhưng kém chính xác hơn một chút là 86% đối với nam giới.
Công nghệ xử lý tín hiệu có thể cảm nhận một số nốt cao độ trong giọng nói mà tai người không nghe được. Theo tiến sĩ Kaufman - tác giả nghiên cứu, những âm thanh ẩn giấu đó cung cấp manh mối cần thiết để chẩn đoán bệnh.
Theo nhóm nghiên cứu cho biết, họ tin tưởng rằng sản phẩm công nghệ giọng nói của họ mang tiềm năng to lớn trong việc xác định bệnh tiểu đường tuýp 2 và các tình trạng sức khỏe khác. Bên cạnh đó, công nghệ giọng nói có thể cách mạng hóa các hoạt động chăm sóc sức khỏe, cung cấp thêm dụng cụ sàng lọc kỹ thuật số, dễ tiếp cận, giá cả phải chăng.
Mô hình AI này hứa hẹn sẽ giúp giảm đáng kể chi phí để thăm khám bệnh. Nhóm nghiên cứu cho biết mô hình của Klick Labs sẽ chính xác hơn khi được nhập thêm dữ liệu độ tuổi và chỉ số khối cơ thể (BMI) của người bệnh.
Bước tiếp theo của nghiên cứu là nhân rộng nghiên cứu và mở rộng tìm kiếm giọng nói, sàng lọc bệnh nhân tiểu đường và huyết áp.
Xét nghiệm đường huyết lúc đói (FPG) được sử dụng để tầm soát bệnh tiểu đường, tương đối đơn giản, chính xác và chi phí thấp, giúp quản lý các vấn đề về hoạt động của insulin. Tuy nhiên, cần nhịn ăn 8-12 giờ trước khi xét nghiệm, đồng thời phải lấy máu, chờ đợi,... để quá trình xét nghiệm đường huyết diễn ra thuận lợi.
Hy vọng phương pháp chẩn đoán bằng AI không xâm lấn và dễ tiếp cận của Klick có thể tạo điều kiện để chẩn đoán bệnh thông qua một ứng dụng điện thoại đơn giản. Điều đó sẽ giúp xác định và hỗ trợ hàng triệu người bị mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 mà chưa có điều kiện đi khám sàng lọc. Klick cũng bày tỏ hy vọng sẽ nhân rộng nghiên cứu mới này sang các lĩnh vực y tế khác, như tiền tiểu đường, sức khỏe phụ nữ và tăng huyết áp.
Yến Nhi
Nguồn tổng hợp