CÂY TỔ KÉN CÁI . (14/07/2014)
Tên khoa học Helicteres hirtuta Lour. Sterculiaceae
Tổ kén cái còn có tên gọi là Dó lông. Tên gọi khác tại Lộc Ninh là An Xoa (theo ông Hòa, 51 tuổi, ngụ tại thị trấn Lộc Ninh); tại Tân Uyên các lương y địa phương gọi là cây Xà lĩa, theo đặc điểm sống ven bờ sông suối nên còn có tên Xà lỉa biền.
Các lương y ở Tân Uyên dùng cây này trị bệnh ung, bướu và chứng đau nhức. Trong đó đặc biệt đối với bệnh thuộc phổi. Cây Xà lĩa biền chặt về thái phiến cả lá, thân và rể, phơi khô hoặc sao vàng (nếu dùng tươi) nấu nước uống. Kinh nghiệm của các lương y Lộc Ninh hướng về điều trị giải độc, trị bệnh gan. Cách dùng và liều lượng cả hai nơi đều giống nhau.
Theo Từ điển cây thuốc Việt Nam của tác giả Võ Văn Chi cây Tổ kén cái dùng làm thuốc chữa ung nhọt. Rể dùng làm dịu đau, dùng chữa kiết lỵ, đậu sởi, cảm cúm và làm thuốc tiêu độc, còn dùng chữa đái dắt.
Cây Tổ kén cái mọc hoang từ Bắc vào Nam, mọc phổ biến trong rừng thưa, ven rừng, trên các bãi hoang, đồi cỏ, ở độ cao từ thấp lên đến 1.500 m. Ra hoa kết trái gần như quanh năm.
Qua khảo sát thực địa tại Lộc Ninh và Tân Uyên cho thấy cây mọc vùng đất cát, đất xám. Sống dưới tán cây rừng, rừng khộp, rừng bụi, vùng ven suối, trên đất hoang. Mùa khô mọc ít lá, hoa nở nhiều từ tháng 4-5 (đầu mưa). Do toàn cây (thân và lá) trái đều có lông nên dễ gây ngứa.
Tổ kén cái- Xà lĩa biền- (ảnh chụp tháng 3/2014)
Tại Tân Uyên các lương y gia truyền đã di thực và trồng tại vườn nhà cây Tổ kén, còn gọi là Dó hẹp (địa phương vẫn gọi là Xà lĩa biền). Cây này có là hình giáo hẹp hay hình dãi thuôn, mặt trên nhẵn, màu lục sẫm, mặt dưới màu hung, phủ lông hình sao. Tổ kén có vị đắng, hơi ngọt, tính hàn; có tác dụng thanh nhiệt giải độc, tiêu viêm, chống ngứa. Thường dùng chữa sốt rét, cảm mạo nhiệt độ cao không giảm, viêm họng, viêm tuyến mang tai, sởi, ỉa chảy, lỵ, viêm ruột, lỡ ngứa ngoài da, trĩ, tràng nhạc, đau đầu, miệng khát. Cũng được dùng trị rắn độc cắn. Trong dân gian người ta dùng làm thuốc giải trừ ban sởi, giải nhiệt độc và rửa loại mụn đóng vẩy nến.
Mỗi lần dùng 10 đến 15g sắc uống. Không nên dùng quá liều vì sẽ gây nôn và ỉa chảy. Tránh dùng cho phụ nữ có thai và người cơ thể suy nhược.
Dùng ngoài: rễ Tổ kén nghiền nát, thêm rượu và dùng nước bôi lên chỗ đau trị Quai bị, vết thương, rắn cắn.
Cây Tổ kén Helicteres angustifolia L. Sterculiaceae
Tuy nhiên cả hai cây trên vẫn chưa có nghiên cứu về thành phần hoạt chất và thực nghiệm nên chỉ dừng lại ở phạm vi kinh nghiệm dân gian.
Trần Đình Hợp