ĐƯỜNG LẠC LONG QUÂN (15/07/2014)
Tiểu dẩn: Từ đường Nguyễn Văn Tiết đi 430 m đến nhà Chung (Nhà thờ thiên chúa giáo) phận Phú Cường. Tên đường Lạc Long Quân có từ năm 2003 trước đó là đường Tiểu Chủng Viện ghi trong bản đồ làng Phú Cường, quận Châu Thành, tỉnh Bình Dương của thời kỳ Mỹ- Ngụy.
Tiểu sử: Các truyền thuyết về Lạc Long Quân:
1/- “Kinh Dương Vương làm vua nước Xích Quỷ vào khoảng năm Nhâm Tuất (2879 trước công nguyên ?) lấy con gái Động Đình Quân là Long Nữ đẻ ra Sùng Lãm. Nối ngôi làm vua, Sùng Lãm xưng là Lạc Long Quân.
Lạc Long Quân lấy con gái vua Đế Lai tên là Âu Cơ, sinh ra một lần được 100 người con trai. Lạc Long Quân bảo Âu Cơ rằng: “ Ta là dòng dõi Long Quân, nàng là dòng dõi thần tiên, ăn ở lâu với nhau không được; nay được 100 đứa con thì nàng đem 50 đứa lên núi, còn 50 đứa ta đem xuống biển Nam Hải”. Theo Trần Trọng Kim Việt Nam sử lược Q1, NXB TP HCM, 1997, trang 12.
2/- “Lạc Long Quân (Rồng) gặp Âu Cơ (Tiên) ở động Lăng Xương (vùng Tam Thanh ngày nay) hai người kết làm vợ chồng, rồi Âu Cơ sinh ra một bọc trăm trứng nở trăm con trai ở núi Nghĩa Lĩnh (đền Hùng ngày nay). Sau đó 50 người theo mẹ lên núi, 49 người theo cha xuống biển, để lại 01 người con cả ở lại làm vua, xưng là Hùng Vương, đóng đô ở thành Văn Lang (Phong Châu, Việt Trì) ngày nay. Truyền thuyết này nhằm giải thích nguồn gốc các dân tộc sống trên lãnh thổ Việt Nam là cùng chung một giống nòi từ một bọc mà ra”. Theo Lê Tượng-Vũ Kim Biên, lịch sử Vĩnh Phú, Ty Văn hóa và thông tin Vĩnh Phú, 1980, trang 24.
3/- “Lạc Long Quân tên là Nguyễn Lâm, niên hiệu Sùng Lâm, thụy là Hùng Hiền Vương, tức là Phúc Thọ. Lạc Long Quân lấy tiên nữ Âu Cơ sinh ra một bọc trăm trứng. Ấp ủ lâu ngày trứng nở ra 100 người con.
Lạc Long Quân mất ( ngày 28/2) được an táng tại Ba Gò, Đồng Thượng. Hiện nay vẫn còn di tích tại Bình Đà, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây”.
- Lạc Long Quân là vua cha của vua con trụ lại đã lập ra cơ nghiệp xưng vua Hùng sau này. Dân gian có câu: “Công cha như núi Thái Sơn”. Theo Thạch Phương-Phạm Ngô Minh Đường Phố Đà Nẵng, NXB Đà Nẵng, năm 2002, trang 90.
Nguyễn Minh Đức ( CBHT)