Tại Hội thảo "Phát triển năng lượng tái tạo (NLTT) ở Việt Nam và vai trò của các tổ chức phi chính phủ" diễn ra ở Hà Nội mới đây, ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng Hợp tác quốc tế (Viện Năng lượng) cho biết: Hiện, nhu cầu về năng lượng (NL) của Việt Nam đang tăng từ 13-15%/năm, dự báo đến năm 2030, tổng nhu cầu dự kiến lên tới khoảng 167 triệu tấn dầu quy chuẩn, trong khi đó, khả năng cung cấp của nước ta dự kiến tối đa chỉ đạt 96-121 triệu tấn (NL từ than khoảng 50-62 triệu tấn dầu quy chuẩn; dầu từ 20 -22 triệu tấn; gió 22 tỷ kWh, tương đương 2 triệu tấn dầu; thủy điện nhỏ 9-20 triệu tấn).
"Do đó, chúng ta cần tích cực đẩy mạnh nghiên cứu những nguồn NL mới để bổ sung. Hiện, nước ta mới khai thác được khoảng 55MW từ NL gió, trong khi tiềm năng tới 3.000-6.000MW; NL mặt trời cũng đang được sử dụng nhưng không đáng kể, duy chỉ có NL từ biogas và thủy điện nhỏ là đã được sử dụng tương đối tốt", ông Tuấn cho biết.
Theo bà Lê Kim Thái, chuyên gia tư vấn độc lập, hiện cả nước có khoảng 500.000 hầm biogas, chủ yếu có quy mô dưới 10m3 do hộ gia đình xây dựng. Riêng Chương trình khí sinh học cho ngành chăn nuôi Việt Nam do Hà Lan tài trợ, tính đến năm 2011 đã xây được 15.678 hầm. Trong tổng số hầm biogas được xây dựng thì chỉ có gần 100 hầm biogas thương mại, dung tích khoảng 100 - 200m3 ở các trang trại nuôi lợn lớn, trong khi cả nước có tới 17.000 trang trại chăn nuôi lợn, nghĩa là mới có khoảng 0,3% trang trại có hầm biogas.
Trên thực tế, nhiều nông dân đã sớm biết sử dụng khí biogas cho đun nấu, đơn cử như gia đình ông Nguyễn Văn Sanh ở xã Tây Hòa (Trảng Bom - Đồng Nai). Với trang trại gần 1.000 con lợn, ông đã quyết định làm hầm biogas dung tích 50m3 để xử lý môi trường và tận dụng nguồn khí làm chất đốt. Ngoài dùng gas cho việc nấu nướng, thắp sáng, đến nay, ông Sanh đã dùng nguồn khí biogas chạy 3 máy phát điện, 1 máy xay xát thức ăn chăn nuôi. Sau 2 năm sử dụng, gia đình ông đã tiết kiệm được vài chục triệu đồng tiền điện, đồng thời còn giảm ô nhiễm môi trường.
Trên thực tế, nguồn năng lượng từ các hầm biogas là rất dồi dào, thậm chí nhiều hộ không sử dụng hết phải xả bớt (và việc xả bớt khí này cũng gây ô nhiễm môi trường). Đáng tiếc là cho đến nay, chưa có hệ thống sản xuất điện biogas nào được hòa vào lưới điện quốc gia mà mới chỉ có 3/67 dự án điện gió đã đưa vào hệ thống điện lưới.
Ông Tuấn cho biết thêm, sở dĩ chưa có nhiều dự án hòa vào điện lưới là vì chúng ta đang gặp khó khăn về nguồn vốn, công cụ để thực hiện còn nhiều hạn chế bởi chưa có Luật NLTT, chưa có kế hoạch và đầu tư thỏa đáng cho các dạng NLTT.
Ông Phan Thanh Tùng, chuyên viên của Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) nhấn mạnh: "Thực tế là chúng ta có thể dùng chất thải từ chăn nuôi, nông nghiệp, từ các nhà máy đường để tái tạo nguồn điện. Nhưng rào cản lớn nhất hiện nay là thiếu khung pháp lý phù hợp cho một số dạng NLTT, do đó các nhà đầu tư chưa thực sự mặn mà với việc xây dựng các nhà máy NLTT".
Tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng, trong bối cảnh chúng ta vừa thực hiện tiết kiệm NL, vừa phát triển nguồn NLTT thì mô hình biogas tỏ ra có nhiều ưu điểm bởi có thiết kế đơn giản, dễ vận hành, vừa góp phần xử lý hiệu quả tình trạng ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra nguồn NL dồi dào. Dự báo, nhu cầu sử dụng biogas cho đun nấu và chiếu sáng sẽ ngày càng tăng cao ở khu vực nông thôn.
Ông Phạm Văn Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cộng đồng nông thôn (CCRD) thuộc Hội Làm vườn Việt Nam cho biết: Sau khi áp dụng thí điểm các mô hình biogas của thế giới, năm 2000, CCRD đã thiết kế mô hình "Biogas VACVINA" để phù hợp hơn với điều kiện nông thôn Việt Nam và được Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn cho áp dụng rộng rãi.
Đến nay, mô hình biogas VACVINA đã được sử dụng phổ biến ở trên 30 tỉnh, thành phố, chủ yếu ở những gia đình nuôi từ 5-7 con heo trở lên hoặc trâu/bò tương đương, trung bình 1 hầm dung tích 7m3 chi phí xây dựng khoảng 7-8 triệu đồng.. Ngoài ra, mô hình này đã được chuyển giao cho Campuchia, Tanzania.
Các chuyên gia đánh giá, hầm biogas VACVINA có nhiều ưu điểm hơn một số mô hình khí sinh học khác bởi có thiết kế đơn giản, phù hợp với hầu hết các vùng nông thôn, vận hành ổn định, lâu dài. Trên hầm biogas, bà con có thể dựng chuồng trại, hoặc kết hợp xây nhà vệ sinh nên vừa tiết kiệm chi phí làm bể xí tự hoại, vừa tiết kiệm diện tích đất xây dựng. Ngoài ra, bã thải của hầm có thể kết hợp với phế thải nông nghiệp để làm phân bón sinh học, giúp nông dân giảm 50% lượng phân hóa học, góp phần giảm NO2 (cũng là một loại khí nhà kính).
Thời gian tới, nhu cầu tiềm năng ở Việt Nam sẽ là một hệ thống biogas tích hợp, bao gồm thu gom rác thải, các thiết bị sản xuất khí, máy phát điện hoặc máy sản xuất phân bón. Trong đó, khách hàng tiềm năng sẽ là các trang trại chăn nuôi lớn, các nhà máy chế biến nông sản như sắn, đường… Do đó, Nhà nước cần tạo điều kiện để các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn rẻ, nhằm đầu tư cho các công trình này.
Theo Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, hiện nay, hầu hết các hầm biogas nhỏ, quy mô hộ gia đình được tài trợ bởi các tổ chức phi chính phủ, còn các dự án quy mô lớn thì đang được một số nhà tài trợ như Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Thế giới (WB)… cấp vốn.
Hiện, WB đang xem xét cấp vốn thử nghiệm cho 8 cơ sở sản xuất biogas cho các trang trại lớn ở 8 tỉnh; còn ADB cũng đang làm việc với Chính phủ nhằm phát triển một chương trình cho sản xuất biogas và hỗ trợ ngành nông nghiệp ít cácbon, với nguồn vốn dự kiến khoảng 150 triệu USD, trong đó một phần vốn sẽ được dùng để xây dựng 600 trạm sản xuất biogas cho 600 trang trại vừa và nhỏ.
Kinh tế nông thôn 1/7/201