Hệ sinh thái khởi nghiệp trong ngành giáo dục và đào tạo (11/04/2019)
Với mục tiêu đến năm 2020, 100% các đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng và trường trung cấp có kế hoạch triển khai công tác hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp; ít nhất 90% học sinh, sinh viên của các đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng… được tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thực, được trang bị kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp trước khi tốt nghiệp; 100% các đại học, học viện, trường đại học, 50% các trường cao đẳng, trường trung cấp có ít nhất 02 ý tưởng, dự án khởi nghiệp của học sinh, sinh viên được hỗ trợ đầu tư từ nguồn kinh phí phù hợp hoặc kết nối với các doanh nghiệp, các quỹ đầu tư mạo hiểm trong Đề án hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ ban hành vào tháng 10/2017, hệ thống giáo dục từ đại học, cao đẳng, trung cấp đến các cơ sở giáo dục đã có nhiều hoạt động được triển khai mạnh mẽ đến nay đã đem lại nhiều hiệu quả tích cực.
Đến tháng 5/2018, Trường Đại học Xây dựng miền Trung ban hành Kế hoạch số 32 triển khai thực hiện Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”, Kế hoạch đã đưa ra một số nhiệm vụ, chương trình dự kiến thực hiện nhằm hình thành đội ngũ cán bộ làm công tác tư vấn, hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp, cũng như các động thiết thực để đạt mục tiêu đề ra.
Hưởng ứng phong trào khởi nghiệp quốc gia, Trường Đại học Thủ Dầu Một đã tổ chức cuộc thi “Khởi nghiệp cùng sinh viên đại học Thủ Dầu Một” năm 2018. Cuộc thi mang sứ mệnh tìm kiếm và hỗ trợ cho những ý tưởng khởi nghiệp “thực chất” và tiềm năng có thể phát triển vào thị trường. Kết quả, cuộc thi đã chọn ra 05 dự án nổi bật bước vào vòng chung kết. Cuộc thi đã cổ vũ, khuyến khích và xây dựng tinh thần khởi nghiệp, lập nghiệp, tham gia phát triển kinh tế của tuổi trẻ; tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ sinh viên trong quá trình khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo trong tất cả các lĩnh vực; ươm mầm cho các ý tưởng kinh doanh với những giải pháp tiềm năng bước ra thị trường. Bên cạnh đó, hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp, lập nghiệp, thu hút hỗ trợ, đầu tư của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đối với các ý tưởng, đề án khởi nghiệp của sinh viên.
Vào tháng 10/2018, Trường Đại học Cần thơ tổ chức Hội thảo khoa học chủ đề “Hành trang khởi nghiệp cho sinh viên” nhằm góp phần tăng cường kiến thức, tạo động lực cho sinh viên trong việc tham gia khởi nghiệp, góp phần phát triển doanh nghiệp và xây dựng quốc gia hưng thịnh. Bên cạnh đó, với mong muốn là nơi gặp gỡ giữa các nhà nghiên cứu, học thuật, các nhà đầu tư, doanh nghiệp và sinh viên để chia sẻ kinh nghiệm, ý tưởng về khởi nghiệp trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư thu hút hơn 400 sinh viên tham dự.
Trường Đại học Công nghệ thành phố Hồ Chí Minh cũng đã phối hợp cùng Hội tin học Thành phố tổ chức Hội thảo chuyên đề “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong kỷ nguyên số”, thu hút hơn 500 bạn sinh viên đang ấp ủ các dự định khởi nghiệp và có mong muốn hiện thực hóa ý tưởng, hoài bão của mình, xây dựng thương hiệu của bản thân.
Vào tháng 12/2018, Trường Đại học An Giang đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức Hội thảo khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năm 2018 với chủ đề “Chia sẻ nguồn lực - Kết nối thông tin” nhằm tạo môi trường kết nối giữa thanh niên, doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ để cùng trao đổi định hướng khởi nghiệp, lập nghiệp, chia sẻ các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn trong kinh doanh và tiếp cận thị trường và đã thu hút gần 300 đại biểu đến dự.
Và mới đây, Bộ Giáo dục và đào tạo cũng đã tổ chức Tọa đàm “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong ngành giáo dục và đào tạo” nhằm xác định vai trò của các trường đại học trong việc tiên phong thực hiện hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp, nếu làm tốt sẽ tạo nên thương hiệu nhà trường. Các trường cũng cần xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp với các thành tố như: Cơ chế chính sách, dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp và hình thành văn hóa khởi nghiệp cho sinh viên. Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa cho rằng, trách nhiệm của chúng ta là thay đổi nhận thức từ lãnh đạo nhà trường đến các phòng ban. Đồng thời đẩy mạnh truyền thông nhằm thúc đẩy tinh thần và khát vọng khởi nghiệp cho sinh viên.
Đồng hành với học sinh, sinh viên khởi nghiệp, một số tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu trong cả nước đã ký kết với Bộ Giáo dục và Đào tạo thỏa thuận hợp tác triển khai đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp” trong thời gian 4 năm từ năm 2018 - 2021. Điển hình như, Công ty cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên Legend sẽ hợp tác tổ chức các hoạt động như: Chương trình giao lưu, tọa đàm “Hành trình từ trái tim – Hành trình lập chí vĩ đại - Khởi nghiệp kiến quốc cho 30 triệu thanh niên Việt” dự kiến tiếp cận đến 2,5 triệu sinh viên tại 10.878 trường đại học, cao đẳng sư phạm, trung cấp sư phạm, đến 1,7 triệu học sinh tại 3,203 trường trung học phổ thông và các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên trên toàn quốc… Ngoài ra, đồng hành với Bộ Giáo dục và Đào tạo còn có Công ty cổ phần Tập đoàn Giáo dục Egroup, Ngân hàng Thương Mại cổ phần Bắc Á, Ngân hàng cổ phần bưu điện Liên Việt , Công ty cổ phần dịch vụ quốc tế IWork…
Có thể nói, phong trào hỗ trợ khởi nghiệp trong ngành giáo dục ngày càng được quan tâm, thúc đẩy phát triển. Quyết định số 1665/QĐ-TTg ra đời đã mang lại làn gió mới cho hoạt động khởi nghiệp trong ngành giáo dục. Tuy nhiên, để phát huy được sức mạnh cần có sự phát triển đồng bộ cả về chính sách, nguồn vốn lẫn nâng cao năng lực và có thêm nhiều sự hỗ trợ cho những doanh nhân khởi nghiệp tạo tác động xã hội trong lĩnh vực này.
Quốc Khánh