Bệnh sỏi thận: Một số nghiên cứu về tán sỏi qua da (30/06/2019)
Bệnh sỏi thận là hiện tượng bị lắng cặn muối và khoáng chất bên trong thận. Bệnh do nhiều nguyên nhân gây ra và có thể thấy trong đường tiểu từ thận đến niệu quản và ở bàng quang.
Nguyên nhân
Trong quá trình hoạt động, thay vì thải các chất độc hòa tan và nước tiểu ra ngoài thì lại để lắng đọng lại và tạo thành các viên sỏi trong thận. Với chức năng là cơ quan giữ cân bằng nước cho cơ thể đồng thời loại bỏ và đào thải các chất độc hại cho cơ thể qua đường nước tiểu, khi bị sỏi thận, chức năng đó không được thực hiện hiệu quả. Tùy từng thời gian, vị trí và độ lắng đọng mà các viên sỏi có kích thước khác nhau.
Sỏi thận hình thành, di chuyển đến bất kỳ vị trí nào trên đường đi của nước tiểu. Có thể kể đến một số nguyên nhân sỏi thận như: Uống nước không đủ dẫn đến tình trạng nước tiểu bị cô đặc, nồng độ các tinh thể bão hòa trong nước tiểu; dị dạng bẩm sinh hoặc do nước tiểu không thể thoát ra bị tích trữ lại lâu dần tạo thành sỏi; bệnh nhân bị phì đại tiền liệt tuyến, u xơ, túi thừa trong bàng quang làm cho nước tiểu bị đọng lại ở khe kẽ; nằm một chỗ một thời gian dài; nhiễm trùng vùng sinh dục tái đi tái lại; chế độ ăn uống chưa khoa học, sử dụng nhiều oxalate, canxi, dùng lâu dài một số loại thuốc như acetazolamide, thuốc lợi tiểu quai, thiazide, glucocorticoids, theophyline, vitamin D, vitamin C...
Một số nghiên cứu về tán sỏi thận qua da
Ở nước ta, phẫu thuật nội soi lấy sỏi qua da hiện đã được thực hiện tại nhiều bệnh viện. Đây là là kỹ thuật điều trị phẫu thuật sỏi ít xâm lấn nay đã trở thành phương tiện điều trị thường quy tại các bệnh viện.
Trong nghiên cứu “Lấy sỏi thận qua da trong điều trị sỏi thận phức tạp: kinh nghiệm ban đầu tại bệnh viện 115” của Võ Phước Khương (2010) đã tiến hành lấy sỏi qua da 6 trường hợp sỏi thận phức tạp (3 trường hợp sỏi san hô, 1 trường hợp sỏi có nhánh và 2 trường hợp nhiều sỏi ở các đài thận với kích thước sỏi thay đổi từ 35mm đến 78mm. Tuy tỷ lệ sạch sỏi của 6 trường hợp đầu tiên này là 50%, nhưng tai biến, biến chứng nhẹ, không có trường hợp tử vong. Nhóm tác giả cho rằng, lấy sỏi qua da là phương pháp an toàn và hiệu quả trong điều trị sỏi thận phức tạp.
Bác sĩ Nguyễn Phúc Cẩm Hoàng, Bệnh viện Bình Dân và các cộng sự (2014) đã nghiên cứu thành công tán sỏi thận qua da dùng đường vào đài trên hay đài giữa thận với kỹ thuật nong đường hầm biến đổi cho những trường hợp sỏi phức tạp. Kết quả mang lại rất khả quan và kỹ thuật tạo đường vào biến đổi của nhóm nghiên cứu có thể làm giảm các biến chứng nặng do đường vào trên thận.
Trong Tạp chí Y học thành phố Hồ Chí Minh, Tập 18, Số 1 của Nguyễn Phúc Cẩm Hoàng, Nguyễn Đình Nguyên Đức với đề tài “Tám sỏi qua da trong sỏi thận tái phát”. Ở nghiên cứu này, nhóm tác giả đã sử dụng tư liệu Hồi cứu hồ sơ bệnh nhân sỏi thận tái phát được tán sỏi thận qua da từ 01/01/2017 đến 31/12/2011 tại các Khoa niệu A, B, C bệnh viện Bình Dân. Kết quả cho thấy, tán sỏi qua da trong sỏi thận tái phát phát huy được lợi ích ít xâm hại trong khi vẫn duy trì được kết quả điều trị sỏi khả quan, tỉ lệ biến chứng không khác biệt. Các kỹ thuật nội soi phối hợp trong mổ giúp giải quyết di chứng bế tắc đường tiểu trên, hạn chế sạn tái phát.
Cùng trong Tạp chí này, tác giả Võ Phước Khang, Vũ Lê Chuyên với đề tài “Lấy sỏi qua da với đường vào thận đơn giản” đã mô tả từng trường hợp lâm sàng của 62 trường hợp sỏi thận có độ tuổi từ 26 đến 83 tuổi được thực hiện lấy sỏi qua da với cùng một kỹ thuật đường hầm vào thận đơn giản. Kết quả, nhóm tác giả đã thiết lập thành công đường hầm vào thận để tán sỏi qua da với thời gian ngắn và không có tai biến, biến chứng.
Lê Sĩ Trung (2013) đã đánh giá hiệu quả, độ an toàn qua những kinh nghiệm đầu tiên về nội soi thận qua da tối thiểu và nội soi thận qua da cải tiến trong điều trị sỏi thận và sỏi niệu quản 1/3 trên tại bệnh viện Việt Pháp. Kết quả cho thấy, nội soi thận qua da tối thiểu và nội soi thận qua da cải tiến là an toàn, hiệu quả trong điều trị sỏi thận và sỏi niệu quản 1/3 trên có kích thước từ 10-25mm. Phương pháp này có thể áp dụng tại Việt Nam bằng việc sử dụng các dụng cụ nội soi sẵn có. Hai phương pháp nội soi thận qua da có kích thước nhỏ này không thể thay thế được cho nội soi thận qua da chuẩn thức. Đây là hai phương pháp có chỉ định tốt trong những bệnh cảnh lâm sàng đặc biệt hay gặp hiện nay là thất bại sau tán sỏi ngoài cơ thể hoặc nội soi niệu quản.
Tại Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất Đồng Nai, dưới sự giúp đỡ của bác sĩ CKII. Vũ Văn Ty và KTV Lê Quang Huân - bệnh viện Bình Dân, bác sĩ CKII. Nguyễn Văn Truyện và các cộng sự đã tiến hành nghiên cứu đánh giá kết quả phẫu thuật nội soi lấy sỏi qua da và các yếu tố liên quan. Kết quả, qua nghiên cứu 106 trường hợp phẫu thuật nọi soi lấy sỏi qua da, nhóm nghiên cứu nhận thấy đây là một phương pháp ít xâm hại, an toàn, hiệu quả và thẩm mỹ, đang dần thay thế mổ mở đối với sỏi thận >20mm, sỏi niệu quản đoạn lưng >15mm và đặc biệt sỏi thận tái phát. Tỷ lệ sạch sỏi chung 72,64%. Giới tính, vị trí sỏi trong thận, kích thước sỏi có ảnh hưởng đến kết quả sạch sỏi.
Nguyễn Hoàng Đức và Lê Mạnh Hùng với đề tài “Đánh giá kết quả sớm của phẫu thuật lấy sỏi thận qua da với đường vào tối thiểu” (2016) nghiên cứu trên 70 trường hợp sỏi thận được lấy sỏi qua da với đường vào tối thiểu tại bệnh viện Pháp Việt và bệnh viện Đại học Y Dược từ tháng 01/2014 đến 6/2016. Kết quả cho thấy, đây là phương pháp an toàn, ít xâm lấn và hiệu quả trong điều trị sỏi thận. Tuy nhiên, ở sỏi san hô, phải cân nhắc chi phí phẫu thuật khi áp dụng vì phẫu thuật phải thực hiện hai thì.
Nhóm tác giả Trương Thanh Tùng, Lê Huy Ngọc, Lê Ngọc Bằng và Hồ Trường Thắng với đề tài “Tán sỏi thận qua da bằng đường hầm nhỏ (mini PCNL): nghiên cứu tại hai bệnh viện tuyến tỉnh (2017) thực hiện trên 45 bệnh nhân cho thấy, sỏi bể thận đơn thuần hay sỏi bể thận có nhánh ở nhóm đài dưới chiếm 82,2%, kích thước sỏi trung bình 1,8cm. Tỷ lệ thành công 95,6%, tỷ lệ sạch sỏi 80%, chọc do đài thận dưới hướng dẫn của C-arm 29 trường hợp, siêu âm 16 trường hợp. Chọc dò vào nhóm đài trên 12 trường hợp, nhóm đài giữa 8 trường hợp, nhóm đài dưới 25 trường hợp. Thời gian mổ trung bình 91,4 phút. Thời gian nằm viện trung bình 6,4 ngày. Biến chứng sau mổ 11,1%. Chuyển mổ hở 4,4%. Như vậy, tán sỏi thận qua da bằng đường hầm nhỏ là một phương pháp điều trị ít xâm lấn, an toàn, hiệu quả, phù hợp với những trường hợp sỏi thận ≤ 2cm và có thể áp dụng được ở các bệnh viện tuyến tỉnh.
Nghiên cứu kết quả kết hợp phương pháp lấy sỏi thận qua da với tán sỏi ngoài cơ thể trong điều trị sỏi san hô thận của nhóm tác giả Kiều Đức Vinh, Trần Các, Nguyễn Phú Việt (2017) cho thấy, phương pháp kết hợp lấy sỏi thận qua da với tán sỏi ngoài cơ thể là sự kết hợp của các phương pháp điều trị ít xâm hại, tính thẩm mỹ cao, ứng dụng trong điều trị sỏi thận san hô thay thế cho mổ hở, an toàn, hiệu quả, với tỷ lệ sạch sỏi là 62,8%; tỷ lệ tai biến, biến chứng chung 21,4%, không có tai biến chứng nặng, ít ảnh hưởng đến chức năng thận sau điều trị. Đây là một trong những lựa chọn tốt nhất trong điều trị sỏi san hô.
Có thể thấy, điều trị sỏi thận bằng phương pháp tán sỏi qua da ở nước ta đã được các bác sĩ, bệnh viện quan tâm nghiên cứu và triển khai kết quả đến bệnh viện tuyến tỉnh, giúp bệnh nhân có nhiều cơ hội điều trị, giảm biến chứng và an toàn cho sức khỏe.
Thy Diễm