Rác thải nhựa: Nguồn ô nhiễm mức báo động (30/06/2019)
Hiện nay các sản phẩm nhựa và túi nilon là những vật dụng phổ biến trở nên quen thuộc trong đời sống sinh hoạt của con người. Sự ra đời của các sản phẩm từ nhựa và nilon mang lại các tiện ích, nhưng nó cũng chính là tác nhân gây ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe con người.
Việt Nam được nhận định là 1 trong 5 quốc gia xả rác thải nhựa nhiều nhất, với khoảng 1,8 triệu tấn ra môi trường mỗi năm. Cùng với các quốc gia trên thế giới, Việt Nam đang nỗ lực để loại bỏ ô nhiễm từ rác thải nhựa. Năm 2013, Chính phủ đã đặt ra mục tiêu đến năm 2020 sẽ giảm 65% số lượng túi nilon phân hủy dùng tại các siêu thị và các trung tâm thương mại lớn.
Vào ngày 11/4/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 582/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường do túi nilon khó phân hủy trong sinh hoạt đến năm 2020, đặt mục tiêu đến năm 2015 giảm 40% khối lượng túi nilon khó phân hủy sử dụng tại các siêu thị, trung tâm thương mại và đến năm 2020 là giảm 65% so với năm 2010…
Tuy nhiên, Chỉ số tiêu thụ nhựa trên đầu người ngày càng tăng nhanh từ 3,8kg/năm/người năm 1990 lên 41kg/năm/người vào năm 2015. Đáng nói, việc nhập khẩu phế liệu nhựa vẫn tăng theo cấp số nhân, năm 2016 là 18,548 tấn, năm 2017 là 90,839 tấn và 9 tháng năm 2018 là 175.000 tấn.
Trên thực tế, đa số người dân đều biết việc sử dụng túi nylon là có hại cho môi trường nhưng họ vẫn dùng và việc sử dụng này ngày càng nhiều. Chỉ một phần nhỏ trong số rác thải nhựa nói trên được thu gom, tái chế, còn lại được chôn lấp cùng với rác thải hoặc vứt bỏ ở khắp nơi. Một trong những nguyên nhân chủ yếu là do việc sử dụng túi nilon đã thành thói quen của mỗi người dân vì tính tiện lợi và chi phí - giá thành lại khá rẻ.
Trong sinh hoạt hàng ngày, chúng ta sẽ thấy rất nhiều cốc, đĩa, thìa, ống hút… bằng đồ nhựa thay thế cho đồ sứ, thủy tinh tại các quán giải khát, nhà hàng; các túi nylong ở của hàng thực phẩm thay thế cho những chiếc giỏ xách…sau khi sử dụng, chúng được quẳng tất cả ra thúng rác, không tốn nước, không tốn nhân công cọ rửa...
Trong nông nghiệp, Các chất thải là bao bì, vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật tồn tại ở dạng chai, lọ thủy tinh, chai nhựa, túi nilon, túi nhựa tráng kẽm khó phân hủy và được xếp vào danh mục chất thải nguy hại. Theo Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT), mỗi năm, hoạt động sản xuất nông nghiệp phát sinh khoảng 9.000 tấn chất thải nông nghiệp nguy hại, chủ yếu là thuốc bảo vệ thực vật, trong đó không ít loại thuốc có độc tố cao bị cấm sử dụng. Ngoài ra, cả nước còn khoảng 50 tấn thuốc bảo vệ thực vật tồn lưu tại hàng chục kho bãi; 37.000 tấn hóa chất dùng trong nông nghiệp bị tịch thu đang được lưu giữ chờ xử lý.
Với hệ sinh thái biển, tại Hội nghị Davos, Thụy Sĩ đã có báo cáo ước tính lượng rác thải nhựa thải xuống biển cho đến năm 2050 sẽ nhiều hơn lượng cá (tính theo trọng lượng). Nhưng phải mất hàng trăm, thậm chí hàng ngàn năm, các chất thải từ nhựa và nylon mới bị phân hủy.
Vấn nạn “ô nhiễm trắng” tại các điểm địa du lịch nổi tiếng về sự ô nhiễm môi trường tăng lên ở mức báo động. Phần lớn do khách du lịch chưa có ý thức trong hành trình đi du lịch của mình và người dân sinh sống ven biển chưa có nhận thức rõ về mức độ nguy hiểm của ô nhiễm rác thải nhựa sẽ tác động tới vùng biển như thế nào. Đây cũng là tình trạng chung của tất cả các bãi biển hiện nay ở Việt Nam. Chính sự thiếu ý thức của con người đã biến những địa điểm du lịch tuyệt đẹp trở thành “điểm đen” về môi trường sống.
Hồng Vân