Hội thảo Sáng tạo khoa học và công nghệ Việt Nam với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước (17/08/2016)
Hội thảo Sáng tạo khoa học và công nghệ Việt Nam với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước
Từ ngày 10 đến 12 tháng 8 năm 2016, tại khu du lịch Hải Tiến, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương và UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội thảo Khoa học “Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.
Tham dự Hội thảo có đồng chí Mai Văn Ninh, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương; GS. TSKH. Đặng Vũ Minh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam; TS. Phạm Văn Tân, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam; đồng chí Nguyễn Đức Quyền, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa; các đồng chí Lãnh đạo Vụ thuộc Văn phòng Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ; các đồng chí Lãnh đạo đại diện Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Khoa học và Công nghệ, các Doanh nghiệp của tỉnh Thanh Hóa; TS. Lê Đình Sơn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thanh Hóa; đồng chí Trương Tuấn An, Phó Bí thư thường trực Huyện ủy huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa; các đồng chí Lãnh đạo Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật các tỉnh, thành phố trong cả nước; các nhà khoa học thuộc Hội đồng Giám khảo Giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam; các nhà khoa học, các tác giả, đồng tác giả đoạt giải tại Hội thi Sáng tạo Khoa học Kỹ thuật Việt Nam và phóng viên báo, đài ở Trung ương và ở tỉnh đến dự và đưa tin.
Toàn cảnh Hội thảo Khoa học “Sáng tạo Khoa học Công nghệ
Việt Nam với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước
Trong bài phát biểu của GS. TSKH. Đặng Vũ Minh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã nêu: Hội thảo khoa học “Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” được tổ chức hàng năm nhằm thúc đẩy việc áp dụng các công trình đoạt giải vào sản xuất và đời sống. Hội thảo đã thu hút được sự quan tâm của các tổ chức khoa học công nghệ, các doanh nghiệp và các nhà khoa học, các nhà sáng tạo trong cả nước; hội thảo cũng là nơi gặp gỡ, giao lưu và trao đổi kinh nghiệm về việc áp dụng rộng rãi các kết quả nghiên cứu vào sản xuất và đời sống.
Các đại biểu tham dự Hội thảo khoa học
Theo báo cáo tổng kết Giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam và Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật toàn quốc: Năm 2015, Giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam có 15 tỉnh, thành phố, 01 Bộ/ngành và 02 Tập đoàn kinh tế và một số tác giả gửi trực tiếp hồ sơ tham gia dự cho Ban tổ chức giải thưởng, với tổng số 96 công trình, giải pháp thuộc 6 lĩnh vực:
- Cơ khí tự động hóa: 12 công trình.
- Công nghệ vật liệu: 04 công trình.
- Công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông: 12 công trình.
- Sinh học phục vụ sản xuất và đời sống: 58 công trình.
- Công nghệ nhằm BVMT và sử dụng hợp lý tài nguyên: 07 công trình.
- Công nghệ nhằm tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng mới: 03 công trình.
Ban Tổ chức giải thưởng đã lựa chọn được 30 công trình để trao giải cấp toàn quốc, bao gồm: 04 giải nhất, 08 giải nhì, 09 giải ba và 09 giải khuyến khích. Trong đó có những công trình đã được áp dụng vào thực tiễn đem lại giá trị cao như: Công trình “Nghiên cứu cải tiến, thiết kế, chế tạo, đồng bộ hóa chuỗi dây chuyền chiết lon và đóng hộp tự động công suất 50.000 lon/giờ” của ThS. Trần Văn Trà và cộng sự thuộc Công ty Cổ phần Tập đoàn Hương Sen, Thái Bình; Công trình “Nghiên cứu quy trình kỹ thuật nuôi chim yến và xây dựng nhà yến phù hợp với từng vùng, miền, địa phương phục vụ phát triển bền vững nghề nuôi chim yến” tại Việt Nam của ThS. Lê Hữu Hoàng và cộng sự thuộc Công ty TNHH nhà nước MTV Yến sào Khánh Hòa; Công trình “Nghiên cứu triển khai sản xuất búa răng siêu bền thay thế hàng nhập khẩu và nghiên cứu triển khai sản xuất búa hai lớp thay thế hàng nhập khẩu” của KS. Đàm Quang Tuân và cộng sự thuộc Công ty Cổ phần cơ khí Đông Anh LICOGI Hà Nội; Công trình “Nghiên cứu ứng dụng năng lượng xanh cho nhà máy xử lý nước” của ThS. Trương Công Nam và cộng sự thuộc Công ty TNHH nhà nước MTV xây dựng và cấp nước Thừa Thiên Huế.
Đối với Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật toàn quốc lần thứ 13 (2014-2015) đã có 52 tỉnh, thành phố và 01 Bộ/ngành gửi hồ sơ tham dự Hội thi, trong đó có 45 Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật, 07 Sở Khoa học và Công nghệ và Bộ Quốc phòng (còn 11 tỉnh, thành phố không có giải pháp tham dự Hội thi toàn quốc) với 550 giải pháp tham dự Hội thi toàn quốc thuộc các lĩnh vực:
- Công nghệ thông tin điện tử viễn thông: 90 giải pháp.
- Cơ khí tự động hóa, xây dựng, giao thông vận tải: 128 giải pháp.
- Vật liệu, hóa chất, năng lượng: 46 giải pháp.
- Nông, lâm, ngư nghiệp, tài nguyên môi trường: 120 giải pháp.
- Y dược: 70 giải pháp.
- Giáo dục, đào tạo và các lĩnh vực khác: 96 giải pháp.
Các tỉnh có nhiều giải pháp dự thi như thành phố Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Thừa Thiên Huế, Thanh Hóa, Bà Rịa Vũng Tàu, Thái Bình, Quảng Ninh, Bình Dương, An Giang, Phú Yên, Cần Thơ, Bình Phước.
Ban tổ chức Hội thi toàn quốc đã lựa chọn 90 giải pháp để trao giải cấp toàn quốc gồm: 06 giải nhất, 12 giải nhì, 24 giải ba và 48 giải khuyến khích. Trong số 53 tỉnh, thành phố, Bộ tham dự Hội thi có 31 tỉnh, thành phố và 01 Bộ có giải pháp đoạt giải, có 21 tỉnh, thành phố không có giải pháp đoạt giải. Các tỉnh, thành, Bộ ngành có nhiều giải pháp đoạt giải là: Thành phố Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Thái Bình, Thanh Hóa, Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa Vũng Tàu, Quảng Ninh, Bộ Quốc phòng, Tây Ninh, có thể kể đến: Giải pháp “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, lắp đặt và chuyển giao máy phân cỡ tôm điện tử phục vụ trong công nghiệp chế biến thủy sản thay thế máy nhập ngoại” của tác giả Nguyễn Thành Chương, Công ty Cổ phần Công nghệ QCM Đà Nẵng; Giải pháp phần mềm theo dõi và đánh giá thi đua trong các cơ sở giáo dục” của tác giả Mai Thị Bích Nguyệt, Trường THCS An Vũ Thái Bình; Giải pháp “Nghiên cứu chế tạo và hoàn thiện công nghệ sản xuất lốp máy bay bom hơi không có săm” của TS. Nguyễn Hữu Đoàn, Viện Kỹ thuật phòng không không quân, Bộ Quốc phòng; Giải pháp chế tạo khối điều khiển đo lường và hiển thị cho thiết bị hiệu chỉnh EOP2 + 031CE273PE của ThS. Hà Trung Hữu, Nhà máy Z181 Tổng cục Công nghiệp quốc phòng, Bộ Quốc phòng; Giải pháp “Kỹ thuật phẫu thuật nội soi qua lỗ tự nhiên (hậu môn và âm đạo điều trị ung thư đại trực tràng” của PGS. TS. Phạm Như Hiệp, Khoa ngoại nhi, cấp cứu bụng, Bệnh viện Trung ương Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế; Giải pháp “Nghiên cứu sản xuất vắc xin nhược độc đông khô phòng bệnh tụ huyết trùng và đóng dấu ở lợn” của TS. Nguyễn Đức Tân, phân viện Thú y Miền trung, Khánh Hòa.
Phát biểu tại Hội thảo GS.TSKH. Đặng Vũ Minh nhấn mạnh cần làm tốt công tác tuyên truyền, động viên khích lệ phong trào lao động sáng tạo, giải thưởng, hội thi đến đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia; tuyên truyền phổ biến thành quả khoa học công nghệ đến các tầng lớp nhân dân, ứng dụng các giải pháp đoạt giải thưởng vào phục vụ sản xuất và đời sống để mang lại hiệu quả thiết thực; đẩy mạnh việc thực hiện xã hội hóa, làm cho giá trị sáng tạo khoa học công nghệ là tài sản có giá trị cao để khoa học công nghệ đi vào cuộc sống thực tiễn, để đưa đất nước phát triển bền vững, thực hiện thắng lợi mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Kết thúc Hội thảo Liên hiệp hội Việt Nam đã tặng Cờ thi đua cho một số tổ chức, Liên hiệp hội địa phương đã làm tốt công tác tuyên truyền về Hội thi và trao Kỷ niệm chương của Vifotec cho các đồng chí Lãnh đạo tỉnh, Liên hiệp hội Thanh Hóa đã có nhiều công sức đóng góp cho hoạt động của Vifotec.
Tại Hội thảo, đồng chí Chủ tịch Liên hiệp hội tỉnh Thanh Hóa đã trao cờ luân lưu đăng cai Hội thảo Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước năm 2017 cho Liên hiệp hội thành phố Đà Nẵng. Ngày 12 tháng 8 năm 2016, đại biểu tham quan công trình đoạt Giải thưởng Sáng tạo KHCN Việt Nam, Công ty Cổ phần dụng cụ thể thao DENTAL tỉnh Thanh Hóa.
Kiều Nga tổng hợp