Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Bình Dương - kết nối và phát triển (24/10/2021)
Trong những năm qua, tỉnh Bình Dương rất quan tâm đầu tư và phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng cũng như triển khai các hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST) trên địa bàn nhằm chuẩn cho một hệ sinh thái KNĐMST năng động, phát triển tầm khu vực.
Cơ sở hạ tầng hiện đại đã và đang hình thành
Trung tâm Sáng kiến cộng đồng và Hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh Bình Dương - BIIC: không gian mở phục vụ tất cả cá nhân, cộng đồng, người dân và doanh nghiệp tỉnh Bình Dương. Trung tâm hiện có rất nhiều không gian chức năng như không gian làm việc chung (Co-working space), các phòng họp, phòng làm việc nhóm, phòng thư giãn, phòng họp trực tuyến, không gian giáo dục STEM/STEAM, không gian đào tạo, tổ chức sự kiện, phòng thí nghiệm chế tạo FabLab… Trung tâm có thể được xem là “hạt nhân” kết nối nguồn lực giữa khối công – tư trên địa bàn tỉnh bởi mối quan hệ hợp tác và việc thực hiện vai trò hỗ trợ từ chính sách nhà nước cho việc phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp.
Khu công nghiệp khoa học và công nghệ: Bình Dương nâng giá trị gia tăng của nền kinh tế, vượt qua bẫy thu nhập trung bình. Mục tiêu của KCN KHCN là phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ, tri thức, ý tưởng đổi mới, áp dụng vào trong sản xuất, và đặc biệt là thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, các nhà khoa học, kỹ sư. Với tầm quan trọng và qui mô trên, KCN KHCN sớm hoàn thành trình Chính Phủ thông qua.
Đẩy mạnh hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, đặc biệt tại Thủ Dầu Một mà trái tim là Thành phố mới Bình Dương - Trung tâm Vùng Đổi mới Sáng tạo: Đây là yếu tố quyết định để xây dựng TP thông minh và cũng là 1 trong 6 tiêu chí lớn của ICF. Vườn ươm Doanh nghiệp Becamex và FabLab tiêu chuẩn quốc tế tại EIU đang hoạt động rất hiệu quả, kết nối với Xưởng thực nghiệm khởi nghiệp diện tích 16000 m2 và tòa nhà cao tầng A9 tại vòng xoay trung tâm với nhiều phân khu văn phòng thiết kế đặc biệt cho doanh nghiệp ĐMST, mở ra trung tâm ươm tạo doanh nghiệp Block71 đặt tại TP. HCM, hình thành cầu nối để Bình Dương gắn kết nguồn lực với TP HCM và hòa nhập vào chuỗi khởi nghiệp toàn cầu.
Khu Trung tâm Thương mại Thế giới Thành phố mới Bình Dương: Bao gồm vòng xoay A1 và tòa nhà A9, và Trung tâm Hội nghị triển lãm WTC Expo là những công trình trọng điểm kỳ vọng đóng góp vào việc phát triển thương mại dịch vụ cho Bình Dương.
Khu thử nghiệm Thương mại điện tử xuyên biên giới: Công trình nhằm thúc đẩy phát triển thương mại và dịch vụ, tập trung vào hậu cần cho thương mại điện tự tại Bình Dương, đồng thời để thu hút nguồn nhân lực và chất xám trong lĩnh vực thương mại điện tử về Bình Dương, là một trong những trụ cột trong việc đẩy mạnh và phát triển thương mại điện tử và phát triển kinh tế số cho các quốc gia.
Trung tâm sản xuất thông minh 4.0: Trung tâm sẽ trở thành nơi đặt ra đề bài nghiên cứu, chuyển giao công nghệ phù hợp với nhu cầu thực tiễn để thu hút các chuyên gia trong nước và quốc tế, hỗ trợ Doanh nghiệp tại Bình Dương sản xuất hiệu quả hơn.
Mô hình điển hình
Với xu thế phát triển của thế giới, hệ thống các doanh nghiệp, trường đại học trên địa bàn tỉnh đã từng bước thay đổi mô hình phát triển của mình để xây dựng Bình Dương trở thành một địa phương năng động, sáng tạo:
1. Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp - CTCP (Becamex IDC Corp) được xem như là một trong những doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực phát triển đô thị, đẩy mạnh thương mại dịch vụ quốc tế, gia nhập và tích hợp vào các hiệp hội với những điểm nhấn mang tính đổi mới sáng tạo:
- Năm 2019, Bình Dương gia nhập Hiệp hội Trung tâm thương mại thế giới, lấy thương hiệu Trung tâm thương mại Thành phố mới Bình Dương (World Trade Center Binh Duong New City), bắt đầu mối xây dựng các mô hình hợp tác với các tập đoàn đa quốc gia về công nghệ có nhu cầu phát triển hoạt động nghiên cứu và đổi mới sáng tạo về khoa học công nghệ, cung cấp những dịch vụ gắn liền với nhu cầu tiếp cận thị trường, hợp tác hiệp hội nhiều ngành nghề (kinh doanh, triển lãm, hội nghị, hội thảo, ….), thúc đẩy cung cấp nhiều dịch vụ chất lượng cao cho doanh nghiệp và lực lượng lao động.
- Hình thành Trung tâm dữ liệu (Data Center) quy mô lớn với hệ thống internet cáp quang rộng khắp, hình thành Trung tâm Data Center “đầu não” một cách chuyên nghiệp theo chuẩn quốc tế về hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông để phát triển Vùng đổi mới sáng tạo. Đây được xem là một giải pháp đột phá đặc trưng nổi bật: liên ngành; nhiều lớp; xây dựng nền tảng đi từ quy hoạch đô thị đến phát huy văn hóa đổi mới sáng tạo; phát triển kinh tế, chuyển đổi số, phát triển công nghiệp 4.0; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
- Trường Đại học Quốc tế Miền Đông (EIU) với Vườn ươm doanh nghiệp Becamex (BBI), Fablab EIU và Phòng thí nghiệm chiếu sáng Philips EIU, Khu nhà xưởng chế tạo phục vụ cho nhu cầu của các doanh nghiệp khởi nghiệp được ươm tạo tại BBI;
- Dự án BLOCK71 hợp tác với đại học quốc gia Singapore đặt tại TP. HCM nhằm hình thành cầu nối để Bình Dương gắn kết nguồn lực với TP HCM và hòa nhập vào chuỗi khởi nghiệp toàn cầu;
- Các dự án Vùng đổi mới sáng tạo, Khu Công nghiệp Khoa học Công nghệ, Trung tâm thương mại thế giới tại Bình Dương đang trong quá trình xúc tiến triển khai, trong đó chú trọng yếu tố khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm tạo thành một hệ sinh thái toàn diện, thúc đẩy văn hóa khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo đối với doanh nghiệp, thu hút các dự án đầu tư mang lại giá trị gia tăng cao.
2. Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Bcons đã tài trợ 1 triệu USD để Tp. Dĩ An, Bình Dương có thêm nguồn lực triển khai các hoạt động phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và đang xúc tiến thành lập Quỹ khởi nghiệp Bcons với quy mô ban đầu là 40 triệu USD.
3. Công ty VNTT (công ty về công nghệ thông tin và truyền thông) đã kết hợp với tập đoàn Wus Tech của Đài Loan triển khai phòng nghiên cứu và phát triển chung, tạo điều kiện cho các giảng viên, sinh viên, kĩ sư cùng trao đổi, hợp tác.
4. Trường Đại học Thủ Dầu Một: Trong thời gian qua, Trường ĐH Thủ Dầu Một triển khai các hoạt động hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp, tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo... Trường còn thành lập Trung tâm Thị trường lao động và khởi nghiệp nhằm kết nối doanh nghiệp trong các hoạt động đào tạo và điều phối hoạt động khởi nghiệp trong toàn trường, tham mưu chính sách, tổ chức các hoạt động lan tỏa tinh thần khởi nghiệp trong sinh viên. Trường đã thành lập Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp cho sinh viên nhằm tạo thêm nhiều động lực thúc đẩy triển khai các hoạt động khởi nghiệp của trường. Nhà trường dành không gian trên 500m2 để tổ chức các hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Nhà trường đang tiếp tục triển khai xây dựng và kiện toàn hệ sinh thái khởi nghiệp trường thành một hệ sinh thái bền vững kết nối vào hệ sinh thái khởi nghiệp của tỉnh, của vùng Đông Nam bộ và cả nước.
5. Trường Đại học Việt Đức: Trường Đại học Việt Đức hiện đang tọa lạc trên địa bàn tỉnh Bình Dương và đang chuẩn bị chuyển về cơ sở mới tại Bến Cát, Bình Dương. Trường đã xây dựng định hướng chiến lược trong việc phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo đô thị - đại học tại Bến Cát, theo đó, Trường Đại học Việt Đức kỳ vọng sẽ trở thành hạt nhân đổi mới sáng tạo trong mô hình đô thị - đại học ở Bến Cát và thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của Bình Dương và vùng lân cận. Với mục tiêu cung cấp nhân lực chất lượng cao, sáng tạo và phát triển tri thức khoa học kỹ nghệ cho vùng công nghiệp hóa trình độ cao, trường Đại học Việt Đức không chỉ thu hút chất xám và nhân lực tài năng đến học tập mà còn tạo ra hệ sinh thái dịch vụ gắn với định cư đô thị, đóng góp vào gia tăng nguồn thu và sản phẩm dịch vụ cho kinh tế địa phương cũng như cung cấp các dịch vụ gắn với kinh tế tri thức cho cộng đồng.
Nguồn: Sở KH&CN Bình Dương.
Mỹ Hoa