Định hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở Bình Dương (10/02/2022)
Nước ta là một nước nông nghiệp, do đó sản xuất nông nghiệp là nhân tố chủ lực đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế. Tuy nhiên, việc dân số già hóa cùng cơ cấu lao động dần chuyển dịch sang công nghiệp đã làm giảm sút nguồn nhân lực tham gia vào sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra, do quá trình đô thị hóa, đất nông nghiệp dần thu hẹp, cùng với đó là sản lượng và chất lượng sản phẩm nông nghiệp ngày càng sụt giảm do tác động của biến đổi khí hậu cũng như kỹ thuật công nghệ lạc hậu. Do đó, việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp sẽ là chìa khóa để giải quyết những thách thức này.
Ý tưởng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp là ý tưởng về phát triển nông nghiệp bền vững giúp giải quyết thách thức trong phát triển nông nghiệp bằng các tính năng ưu việt của công nghệ như công nghệ nhà kính, công nghệ tự động hóa, công nghệ cảm biến, công nghệ AI… từ đó giúp tiết kiệm chi phí, tưng năng suất, hạ giá thành và nâng cao chất lượng nông sản, bảo vệ môi trường, đồng thời giúp giảm bớt sự phụ thuộc của quá trình sản xuất vào các yếu tố tự nhiên như thời tiết, khí hậu.
Khi Luật số Công nghệ cao số 21/2008/QH12 được ban hành, Bình Dương đã mời gọi các nhà đầu tư thành lập các khu vực sản xuất nông nghiệp với quy mô lớn. Tiếp theo đó là thực hiện, khuyến khích đẩy mạnh các hoạt động sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo các văn bản trong lĩnh vực nông nghiệp được ban hành như: Quyết định số 1895/QĐ-TTg ngày 17/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ thuộc Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020; Quyết định số 66/2014/QĐ-TTg ngày 25/11/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển và Danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển; Quyết định số 738/QĐ-BNN-KHCN ngày 14/3/2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định tiêu chí xác định chương trình, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, danh mục công nghệ cao ứng dụng trong nông nghiệp; Quyết định số 813/NHNN ngày 24/4/2017 của Ngân hàng Nhà nước về Chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo Nghị quyết 30/NQ-CP ngày 07/3/2017 của Chính phủ.
Tại địa phương, gần đây nhất là vào ngày 23/11/2020, tỉnh Bình Dương đã ban hành Quyết định số 3485/QĐ-UBND phê duyệt Kế hoạch Cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 nhằm phát triển nông nghiệp với nhiều thành phần kinh tế; xây dựng nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, ứng phó tốt với biến đổi khí hậu; tiếp tục đẩy mạnh sự chuyển đổi cơ cấu nội bộ ngành nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái. Tập trung phát triển các loại câu trồng, vật nuôi chủ lực theo hướng sản xuất hàng hóa lớn đạt năng suất chất lượng cao, an toàn, hiệu quả và có khả năng cạnh tranh, tăng giá trị, lợi nhuận trên một đơn vị điện tích đất nông nghiệp, gắn sản xuất với thị trường tiêu thụ, công nghệp chế biến và quá trình đô thị hóa.
Ngày 10/12/2020, Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 09/2020/NQ-HĐND quy định chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Bình Dương cho các đối tượng là các tổ chức, cá nhân sử dụng đất trên địa bàn tỉnh và có phương án, đề án, dự án đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, ký kết hợp đồng sản xuất tiêu thị sản phẩm nông nghiệp; thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh; sơ chế, bảo quản, chế biến các sản phẩm nông nghiệp, lâm nhiệp, thủy sản, đầu tư sản xuất giống cây trồng, giống vật nuôi chất lượng cao phục vụ cho sản xuất không gây ô nhiêm môi trường phù hợp với mục tiêu cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững và quy hoạch phát triển ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản tỉnh Bình Dương.
Từ những chủ trương, chính sách của ngành nông nghiệp, trong thời gian tới, Bình Dương đã xây dựng định hướng cơ cấu lại ngành nông nghiệp cụ thể cho các lĩnh vực. Trong lĩnh vực trồng trọt sẽ tổ chức sản uất theo chuỗi đối với các sản phẩm chủ lực của ngành, ứng cộng công nghệ 4.0 vào sản xuất, tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm trên 30% vào năm 2030; trong chăn nuôi, mở rộng quy mô đàn heo ngoại theo hướng an toàn sinh học, đảm bảo an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường. Chăn nuôi gia cầm phát triển theo hướng trang trại an toàn sinh học và nuôi gà ta thả vườn có kiểm soát dịch bệnh. Chăn nuôi gia súc tập trung…
Trong lâm nghiệp, đầu tư các trang thiết bị, dụng cụ hỗ trợ để đáp ứng với yêu cầu thực tiễn phục vụ công tác Bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học. Thực hiện trồng rừng tập trung khi có quỹ đất trống, trồng tái canh sau khi khai thác chính kịp thời và đúng thời vụ…; trong lĩnh vực thủy sản, tiếp tục duy trì thực hiện chương trình hỗ trợ và phát triển nguồn lợi thủy sản tại khu vực hồ Cần Nôm và đập Phước Hòa.
Trong công nghiệp chế biến, cơ giới hóa, bảo quản sau thu hoạch và phát triển thị trường, kêu gọi, khuyến khích đầu tư phát triển công nghiệp chế tạo máy và thiết bị cho ngành nông nghiệp theo hướng chuyên sâu. Hình thành và phát triển hệ thống logistics đồng bộ nhằm nâng cao giá trị hàng nông sản…; huy động mọi nguồn lực để thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai; cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với nông thôn mới đảm bảo theo hướng toàn diện, đi vào chiều sâu, cải hiện trực tiếp đến điều kiện sống, thay đổi tư duy, nếp sống của người dân nông thôn.
Bàn về vấn đề này, PGS.TS. Ngô Thị Phương Lan và Ths. Dương Trường Phúc – Trường Đại học khoa học xã hội và nhân văn cũng đưa ra một số định hướng cho tỉnh Bình Dương như: (1) Phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với kinh tế tuần hoàn nhằm mang đến những triển vọng trong việc giảm thiểu ô nhiễm, giảm phát thải khí nhà kính, giảm nguyên vật liệu sơ cấp, bảo tồn, tái tạo nguồn tài nguyên thiên nhiên, nâng cao hiệu quả cạnh tranh, tạo các thị trường mới, tạo việc làm và gia tăng giá trị xã hội; (2) Phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với chuỗi giá trị nông nghiệp tạo điều kiện cho sản xuất theo quy trình chặt chẽ, liên kết sâu các tác nhân nhằm ứng phó tốt với các ngoại tác bên ngoài như biến động thị trường, thiên tai… bên cạnh đó, còn tạo điều kiện cho việc ứng dụng và kiểm soát công nghệ một cách toàn diện trong các khâu sản xuất từ cung ứng đầu vào, đến sản xuất, chế biến và phân phối; (3) Phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với phát triển du lịch nhằm thu hút, phục vụ và thỏa mãn nhu cầu du khách đến tham quan, học tập, trải nghiệm và mua sắm sản phẩm sạch chất lượng cao từ mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Nguyễn Thị Mỹ Linh