Bình Dương: Xây dựng đô thị thông minh, bền vững (29/03/2022)
Đô thị thông minh đang là trở thành một xu hướng phát triển đô thị nhận được sự quan tâm của nhiều quốc gia và các đô thị như một cách thức hội nhập quốc tế, bắt kịp với kỷ nguyên phát triển công nghệ 4.0 vũ bão và đặc biệt còn được kỳ vọng như một xu hướng tất yếu có thể giúp các đô thị chống lại các vấn đề về phát triển đô thị ngày nay như là tăng trưởng dân số nhanh, ô nhiễm, suy thoái môi trường, những nguy cơ toàn cầu trong đó có cả vấn đề tội phạm, ùn tắc giao thông, dịch vụ kém hiệu quả và đình trệ phát triển kinh tế… Đây cũng là giải pháp hướng đến giá trị bền vững, tạo ra cách tiếp cận nhanh hơn cho các đô thị trước sức ép phát triển đòi hỏi đặt ra một chiến lược lâu dài hài hòa dựa trên lợi ích chung. Với cách tiếp cận này, dựa trên kết quả sự sáng tạo của chính quyền, doanh nghiệp, các nhà khoa học nhằm xây dựng thành phố đáng sống trong tương lai cũng tận dụng tốt những tiềm năng, lợi thế của địa phương, tỉnh Bình Dương có nhiều điểm thuận lợi, thích hợp để tập trung xây dựng thành phố thông minh ít tốn kém và hiệu quả.
Trong giai đoạn 2015-2020, chương trình phát triển đô thị toàn tỉnh và các chương trình phát triển 05 đô thị đã được UBND tỉnh phê duyệt làm cơ sở để quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch được duyệt, lập đến án nâng loại đô thị, xác định khu vực phát triển đô thị, khu vực chỉnh trang… để lập kế hoạch huy động vốn đầu tư phát triển đô thị. Tính đến năm 2020, các quy hoạch chung xây dựng, quy hoạch phân khu, quy hoạch xây dựng nông thôn mới được phủ kín, tỷ lệ đạt 100%; các chỉ tiêu về kinh tế, xã hội tính đến năm 2020, về tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) tăng bình quân 9,35%/năm; cơ cấu kinh tế (GRDP) công nghiệp – dịch vụ - nông nghiệp – thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tương ứng đạt 66,53% - 22,78% - 2,51% - 8,18%; GRDP bình quân đầu người đạt 155,7 triệu đồng; tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh đạt 82%; thu hút đầu tư nước ngoài đạt trên 11,51 tỷ đô la Mỹ; diện tích nhà ở bình quân đạt 30m2/người; tổng vốn đầu tư xã hội chiếm 35% GRDP; thu ngân sách tăng 11,2%/năm.
Bên cạnh đó, tỉnh đã huy động nhiều nguồn lực đầu tư các công trình xã hội, phúc lợi công cộng phục vụ tốt hơn nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tinh thần cho người dân. Các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị mới, khu nhà ở có hệ thống hạ tầng kỹ thuật được triển khai đồng bộ, tạo nên một bộ mặt khang trang của đô thị và đem lại sự tiện ích cho người dân. Nhiều công trình kiến trúc, cảnh quan đô thị đã được đầu tư, hình thành những không gian đô thị theo hướng hiện đại văn minh.
Đề án thành phố thông minh được triển khai gắn với phát triển đô thị, Tỉnh đã từng bước xây dựng và phát triển đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tại các đô thị, cũng như trong liên kết Vùng. Mô hình Ba nhà được vận dụng linh hoạt, sáng tạo, có hiệu quả trong giải quyết các nhiệm vụ xây dựng thành phố thông minh nói chung và phát triển đô thị nói riêng. Hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh bước đầu được hình thành và phát triển với nhiều dự án về trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, vườn ươm doanh nghiệp, các phòng thí nghiệm chế tạo.
Đề án thành phố thông minh Bình Dương đã và đang có những đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Đề án đã đưa ra những định hướng chiến lược trong việc xây dựng, phát triển đô thị theo hướng thông minh, bền vững giai đoạn 2016-2021, tạo tiền đề quan trọng cho việc xây dựng và triển khai đề án “Vùng đổi mới sáng tạo” trong giai đoạn tiếp theo; tạo lợi thế cạnh tranh mới cho tỉnh trong việc thu hút đầu tư trong giai đoạn mới, đồng thời khẳng định việc phát triển một đô thị không chỉ là việc phát triển cơ sở hạ tầng, mà còn liên quan mật thiết đến chiến lược phát triển nhiều lĩnh vực của đô thị Bình Dương, Đến nay, dự án Vùng thông minh Bình Dương được ICF vinh danh là một trong 7 cộng đồng có chiến lược phát triển thành phố thông minh tiêu biểu trên thế giới năm 2021.
Hơn 6 năm thiết lập mối quan hệ hữu nghị, tỉnh Bình Dương và thành phố Eindhoven, Becamex IDC cùng tổ chức Brainport, EIPO đã tích cực triển khai nhiều hoạt động hợp tác, mà nổi bật là phát triển Đề án thành phố thông minh Bình Dương. Đề án đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, tạo đòn bẩy rất lớn cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội Bình Dương thời gian qua. Nhờ những quyết sách hết sức cởi mở và khoa học, phù hợp với xu thế thời đại, mà thu hút đầu tư của tỉnh Bình Dương đã thu được kết quả khá ấn tượng. Có thể nói, thành phố thông minh Bình Dương là đề án mong muốn xây dựng một hình ảnh Bình Dương mới được quy hoạch bài bản theo mô hình TOD - mô hình phát triển chuỗi đô thị dọc theo các tuyến giao thông công cộng. Đó là thành phố của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, là điểm đến của giao thương quốc tế, cũng là nơi đào tạo và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao không chỉ của riêng tỉnh Bình Dương, mà còn là của khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, của cả nước và cộng đồng thông minh thế giới.
Mai Đỗ Thy Diễm