Một số giải pháp, sáng chế ứng dụng công nghệ chuyển đổi số trong ngành y tế ở Việt Nam (29/03/2022)
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư là một xu thế lớn hội tụ nhiều công nghệ mang tính đột phá như internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo, xử lý dữ liệu lớn, điện toán đám mây… để thực hiện siêu kết nối giữa thế giới thực và không gian số, tác động sâu sắc đến mọi mặt của đời sống kinh tế xã hội. Vì thế, chuyển đổi số để đáp ứng yêu cầu của thời đại đang là nhu cầu cấp thiết của từng ngành nghề, lĩnh vực, đặc biệt là ngành y tế.
Theo báo cáo của Bộ Y tế tại Hội nghị chuyển đổi số quốc gia năm 2021, trong thời gian qua, ngành y tế đã tích cực đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số và đã dạt được nhiều kết quả nổi bật, đột phá. Như trong quản lý và phòng chống dịch bệnh, các bệnh viện đã ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin để triển khai các hệ thống thông tin quản lý bệnh viện, bệnh án điện tử, hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh; khám chữa bệnh từ xa, các hệ thống khai báo và thống kê y tế trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Trong công tác điều trị bệnh, đã triển khai ứng dụng trí tuệ nhân tạo với hệ thống robot phẫu thuật tại các bệnh viện và các ứng dụng hỗ trợ điều trị bệnh. Tuy nhiên, con đường chuyển đổi số của ngành y tế còn rất dài và nhiều khó khăn, cần thêm nguồn lực công nghệ, đặc biệt là công nghệ trí tuệ nhân tạo. sự vào cuộc của nhiều hơn nữa các doanh nghiệp công nghệ sẽ đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi số của ngành y tế.
Theo CESTI, có 16 tài liệu sáng chế về ứng dụng công nghệ chuyển đổi số trong ngành y tế được công bố, bảo hộ tại Việt Nam (6 sáng chế và 10 đơn đăng ký sáng chế), có nguồn gốc từ Đài Loan, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Ý và Việt Nam. Hầu hết các tài liệu sáng chế này được đề cập đến ứng dụng công nghệ chuyển đổi số trong công tác quản trị y tế với hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh y khoa; hệ thống theo dõi, giám sát sức khỏe từ xa và hệ thống thông tin quản lý bệnh viện. Trong công tác khám chữa bệnh, các sáng chế này tập trung vào nghiên cứu ứng dụng công nghệ trong phân tích chẩn đoán (hệ thống hỗ trợ chẩn đoán tự động, chấn đoán hình ảnh, đo điện tâm đồ…). Các sáng chế có nguồn gốc ở Việt Nam như:
- Hệ thống hỗ trợ chẩn đoán tự động, lưu trữ, chia sẻ kết quả dịch vụ thăm dò chức năng và chần đoán hình ảnh cho hệ thống quản lý thông tin y tế của tác giả Bùi Mỹ Hạnh. Giải pháp đề xuất hệ thống hỗ trợ chẩn đoán tự động, lưu trữ, chia sẻ kết quả dịch vụ thăm dò chức năng và chẩn đoán hình ảnh cho hệ thống quản lý thông tin y tế (HIS). Hệ thống theo giải pháp được thiết kế để tạo ra phiếu kết quả dịch vụ dưới dạng tệp tin HTML, liên kết với thư viện JavaScript để hỗ trợ tự động tính toán, so sánh từ số đo các chỉ số đầu vào, và hỗ trợ tự động sinh ra nội dung chẩn đoán kết luận; thư viện hàm hỗ trợ tự động hóa chẩn đoán bao gồm các file JavaScript chứa các hàm hỗ trợ bác sĩ cận lâm sàng trong quá trình sử dụng phiếu kết quả để nhập số liệu, tự động tính toán so sánh theo công thức chuyên môn và tự sinh ra nội dung kết luận chẩn đoán; thư viện hàm trao đổi, lưu trữ thông tin: bao gồm các hàm API được xây dựng bằng ngôn ngữ lập trình Java thực hiện các chức năng kết nối thông tin và trao đổi dữ liệu với hệ thống HIS và dữ liệu lưu trữ kết quả thực hiện dịch vụ. Việc xử lý dữ liệu trên phiếu kết quả được số hóa giúp giảm thiểu các sai sót dẫn đến chẩn đoán nhầm, tiết kiệm thời gian thực hiện dịch vụ, số hóa và lưu trữ các chỉ số đo làm căn cứ khoa học cho kết luận chẩn đoán, phân tích, khai thác, trích xuất số liệu lưu trữ phục vụ nghiên cứu khoa học.
- Hệ thống đo tự động từ xa các thông số của bệnh nhân của nhóm tác giả Trần Quang Vinh, Nguyễn Phú Thùy, Lê Công Biển, Bùi Thanh Tùng, Nguyễn Thăng Long, Chử Đức Trình. Sáng chế đề cập đến hệ thống đo tự động các thông số bệnh nhân từ xa. Hệ thống bao gồm các môđun đo đặt tại vị trí bệnh nhân và một máy tính chủ đặt tại vị trí nhân viên y tế làm nhiệm vụ thu thập, lưu trữ số liệu. Hệ thống này giúp nhân viên y tế có thể đồng thời thu thập nhiều thông số của nhiều bệnh nhân tại một thời điểm mà không cần phải tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân. Ngoài ra, sáng chế còn đề cập đến phương pháp đo sử dụng hệ thống đo nêu trên, áp dụng phương pháp truyền thông vô tuyến giữa các môđun đo với các máy tính chủ trong hệ thống, nhờ đó giảm thiểu sự tiếp xúc thường xuyên của bác sĩ với bệnh nhân, tránh nguy cơ lây nhiễm bệnh.
- Thiết bị theo dõi sức khỏe từ xa của nhóm tác giả Đỗ Anh Tuấn, Trần Huy Hoàng, Bùi Thị Thanh Quyên. Sáng chế đề cập đến thiết bị theo dõi sức khỏe từ xa dựa trên nguồn điện năng thấp của đường âm thanh điện thoại thông minh để cải thiện tốc độ cũng như chất lượng đường truyền, tăng cường tính di động, tính tiện dụng và thân thiện với người dùng của hệ thống, giảm năng lượng tiêu thụ. Thiết bị này bao gồm bộ cảm biến y tế tiêu thụ năng lượng thấp được nối với mô-đun trung gian qua các giao diện kết nối như I2C, SPI hoặc RS232. Mô-đun trung gian này giao tiếp với điện thoại thông minh qua đường âm thanh để truyền thông dữ liệu và lấy nguồn cấp cho bộ cảm biến. Điện thoại thông minh được cài đặt phần mềm để tiếp nhận dữ liệu và truyền về trung tâm dữ liệu cũng như hiển thị các thông tin cho người sử dụng.
- Quy trình đăng ký và theo dõi khám bệnh thông minh của tác giả Nguyễn Khoa Tuấn Anh. Sáng chế đề cập đến quy trình đăng ký và theo dõi khám bệnh thông minh, quy trình này bao gồm các bước: cung cấp cho bệnh nhân một mã số duy nhất xuyên suốt quá trình đăng ký khám, cận lâm sàng, trả kết quả, cấp thuốc; đồng thời thống kê trực tuyến, ước lượng thời gian khám, thực hiện cận lâm sàng, tự động tư vấn thứ tự thực hiện các cận lâm sàng cho bệnh nhân; đánh giá mức độ hài lòng của bệnh nhân dành cho bệnh viện/bác sĩ và tự động định danh người dùng. Sáng chế có khả năng tương tác hai chiều tức thời giữa bệnh viện và bệnh nhân, giải quyết tình trạng đông đúc tại khu vực cấp số thứ tự và khu chờ khám ở bệnh viện. Qua đó, bệnh nhân sẽ chủ động thời gian và bệnh viện có thể quản lý, làm chủ tình hình khám bệnh.
Ngọc Trang