Chuyển đổi số góp phần phục hồi nhanh và phát triển bền vững kinh tế - xã hội (19/08/2022)
Tại kỳ họp vào đầu tháng 8, Ủy ban quốc gia về chuyển đổi nhận định rằng, tầm quan trọng của chuyển đổi số tiếp tục có chuyển biến ở các cấp, các ngành, nhất là người đứng đầu đã vào cuộc mạnh mẽ hơn. Đa số các bộ, ngành, địa phương đã ban hành nghị quyết của cấp ủy, kế hoạch của chính quyền 05 năm và hàng năm về chuyển đổi số; Ban chỉ đạo chuyển đổi số của 22/22 bộ, cơ quan và 63/63 địa phương được thành lập và đi vào hoạt động. Bộ Thông tin và Truyền thông đã có báo cáo định kỳ hàng tháng đánh giá tình hình thực hiện công tác chuyển đổi số quốc gia. Việc chuyển đổi số các hoạt động quản lý nhà nước từ phương thức truyền thống sang ứng dụng công nghệ thông tin, nhất là từ văn bản giấy sang môi trường số được đẩy mạnh và đạt được kết quả bước đầu rất quan trọng; nhiều sản phẩm, dịch vụ thiết thực được đưa ra phục vụ kịp thời, hiệu quả cho người dân, doanh nghiệp.
Công tác hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo có kết quả, tạo môi trường pháp lý cho chuyển đổi số. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 01 Nghị định, 06 Quyết định và 01 Chỉ thị về chuyển đổi số, trong đó phê duyệt ngày 10 tháng 10 hàng năm là Ngày Chuyển đổi số quốc gia.
Hạ tầng công nghệ thông tin, các nền tảng số tiếp tục được phát triển từ Trung ương đến địa phương, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu chuyển đổi số; tốc độ truy cập mạng băng rộng cố định tăng 32,7%, mạng di động tăng 4,7% so với cùng kỳ năm 2021; mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước kết nối 04 cấp hành chính tiếp tục được phát triển, kết nối đến 100% huyện, hơn 97% xã trên toàn quốc. Cơ sở dữ liệu tạo nền tảng cho Chính phủ số được đẩy mạnh triển khai, đặc biệt là Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã kết nối, liên thông với 11 bộ, ngành, 04 doanh nghiệp nhà nước và 14 địa phương; cấp trên 68 triệu thẻ căn cước găn chíp điện tử; hoàn thành xác thực 45 triệu người tham gia Bảo hiểm xã hội; bước đầu thí điểm triển khai một số ứng dụng của thẻ căn cước phục vụ người dân khám chữa bệnh, thực hiện các giao dịch trong lĩnh vực ngân hàng… từng bước hình thành hệ sinh thái công dân số. Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm cũng đã quản lý thông tin của 27 triệu hộ gia đình tham gia bảo hiểm y tế, bao gồm thông tin của 98 triệu người dân.
Dịch vụ công trực truyến được triển khai ngày càng hiệu quả. Đến nay, Cổng dịch vụ công quốc gia đã cung cấp 3.700 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4; hơn 2,1 triệu tài khoản đăng ký (tăng hơn 2,8 lần so với cùng kỳ); hơn 122,7 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái (tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ); hơn 4,1 triệu hồ sơ trực tuyến thực hiện từ Cổng dịch vụ công quốc gia ( tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ).
Công tác bảo đảm an toàn, an ninh thông tin tiếp tục được quan tâm nhưng chưa có sự chuyển biến mạnh mẽ. Trong 6 tháng đầu năm 2022, đã ghi nhận, cảnh báo và hướng dẫn xử lý 6.641 cuộc tấn công mạng gây ra sự cố vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam, tăng 37,92% so với cùng kỳ năm 2021 và tăng 35,14% so với đầu năm 2022; có 922/3022 hệ thống thông tin của cơ quan nhà nước được phê duyệt hồ sơ đề xuất cấp độ an toàn thông tin, mới đạt 31%. Nhân lực cho chuyển đổi số được chú trọng phát triển, đa dạng hình thức đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn. Tổ công nghệ số cộng đồng tại các địa phương cũng đã bước đầu đạt được kết quả, có 47/63 tỉnh, thành phố đã triển khai 40.590 Tổ công nghệ số cộng đồng đến tại thôn, xóm với gần 200.000 thành viên tham gia.
Thương mại điện tử tiếp tục được thúc đẩy mạnh mẽ; thuế điện tử, hóa đơn điện tử đã phát huy hiệu quả, góp phần chống thất thu thuế cho ngân sách nhà nước. Đặc biệt, một số chỉ tiêu trong Kế hoạch hoạt động của Ủy ban năm 2022 đã sớm đạt mục tiêu đề ra như: Tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử là 100%; tỷ trọng doanh thu thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ; tỷ lệ người dân từ 15 tuổi có tài khoản thanh toán là 66% (mục tiêu đề ra là 65%).
Chuyển đổi số là nhu cầu tất yếu trong lãnh đạo, điều hành của tỉnh và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Chuyển đổi số giúp định hình tổng thể và toàn diện về cách quản lý, cách sống, làm việc, sản xuất và tiêu thụ dựa trên công nghệ số. Chuyển đổi số hướng đến lợi ích của người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ kinh tế, nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo của các cấp ủy đảng, hiệu lực quản lý của chính quyền các cấp gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội và phát triển bền vững.
Ở Bình Dương, Trong những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền tỉnh đã luôn quan tâm thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin rộng rãi, có hiệu quả trong công tác chỉ đạo, điều hành, trong hoạt động của doanh nghiệp và người dân; hạ tầng kỹ thuật CNTT được đầu tư, kết nối hoàn thiện; việc xây dựng Chính quyền điện tử, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao cho người dân và doanh nghiệp, bước đầu đã mang lại một số kết quả thiết thực. Trung tâm hành chính công của tỉnh đã đi vào hoạt động hiệu quả, góp phần thực hiện cải cách hành chính, tạo sự công khai, minh bạch và hài lòng cho người dân khi đến làm thủ tục hành chính; Nguồn nhân lực ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước cơ bản được duy trì ổn định qua các năm, cơ bản đáp ứng yêu cầu hiện tại.
Để tăng cường hiệu quả công tác ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số sử dụng ngân sách nhà nước, góp phần hoàn thiện nhiệm vụ Chương trình chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 theo Nghị quyết của Tỉnh ủy; Quyết định số 816/QĐ-UBND ngày 31/2/2021 của UBND tỉnh về việc ban hành Kế hoạch Chuyển đổi số tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, trong năm 2022 và các năm tiếp theo, Tỉnh giao Sở Thông tin và Truyền thông tăng cường tổ chức bổi dưỡng, tập huấn về ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số; tập huấn công tác quản lý đầu tư, ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng ngân sách nhà nước; tập huấn công tác định mức, đơn giá trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ thông tin…; kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất việc tuân thủ các quy định của pháp luật về hoạt động đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng ngân sách nhà nước; coi tiêu chí tuân thủ các quy định về quả lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số là tiêu chí xếp hạng về Chỉ số Chuyển đổi số và cải cách hành chính trong lĩnh vực chuyển đổi số.
Ánh Nguyệt