Hoàn thiện chính sách, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số (22/11/2022)
Xác định chuyển đổi số là xu thế tất yếu của sự phát triển, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, hướng đến lợi ích của người dân, doanh nghiệp. Nhiều văn bản chính sách đã được ban hành trong những năm gần đây, tạo môi trường thuận lợi cho các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong tiến trình chuyển đổi số, những văn bản gần đây nhất đã làm cơ sở, tiền đề thúc đầy quá trình chuyển đổi số của nước ta nói chung và của tỉnh Bình Dương nói riêng.
Với mục tiêu tận dụng có hiệu quả các cơ hội do cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đem lại để thúc đẩy quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với thực hiện các đột phá chiến lược và hiện đại hoá đất nước; phát triển mạnh mẽ kinh tế số; phát triển nhanh và bền vững dựa trên khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao; nâng cao chất lượng cuộc sống, phúc lợi của người dân; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường sinh thái, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW vào ngày 27/9/2019 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng lần thứ tư. Để cụ thể hóa nghị quyết vào cuộc sống, Chính phủ và các địa phương xây dựng và triển khai đề án chuyển đổi số quốc gia và các đề án, chương trình, kế hoạch tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư…. nhằm hoàn thiện thể chế tạo thuận lợi cho chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và quá trình chuyển đổi số quốc gia.
Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 17/4/2020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Nghị quyết này xác định rõ các nội dung, nhiệm vụ chủ yếu cụ thể để Chính phủ và các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện thắng lợi mục tiêu tổng quát và các mục tiêu cụ thể của Nghị quyết số 52-NQ/TW.
Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” hướng đến Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp.
Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 15/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 hướng đến Việt Nam có chỉ số phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số ở mức độ cao trên thế giới, thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu theo xếp hạng của Liên hợp quốc. Chính phủ số chuyển đổi cách thức phục vụ người dân, doanh nghiệp giảm chi phí, tăng năng suất của doanh nghiệp, tạo thuận lợi, mang lại sự hài lòng của người dân, để người dân, doanh nghiệp tham gia nhiều hơn vào hoạt động của cơ quan nhà nước để cùng tạo ra giá trị, lợi ích, sự hài lòng, niềm tin và đồng thuận xã hội.
Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030”. Việc khai thác, ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, định danh và xác thực điện tử có ý nghĩa rất quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và chuyển đổi số quốc gia, mang lại nhiều lợi ích trước mắt và lâu dài xây dựng Chính phủ điện tử hướng đến Chính phủ số giai đoạn 2022 - 2030.
Quyết định số 411/QĐ-TTg ngày 31/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với quan điểm, bối cảnh hiện nay là thời cơ mà Việt Nam cần nhanh chóng nắm bắt, hành động mạnh mẽ để phát triển kinh tế số và xã hội số, phát triển thêm các ngành nghề kinh doanh mới, mở ra các thị trường mới và tạo thêm nhiều nhu cầu việc làm mới, từ đó bứt phá vươn lên thay đổi thứ hạng quốc gia. Nhiệm vụ phát triển kinh tế số và xã hội số được đặt ở mức ưu tiên cao trong các chiến lược phát triển Quốc gia.
Bình Dương là một trong những tỉnh phát triển mạnh về công nghiệp của Việt Nam, những năm qua Bình Dương không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh và tăng cường hỗ trợ cho sự phát triển của doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn tỉnh. Tỉnh Bình Dương đã và đang tiếp tục hoàn thiện hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội như: Quy hoạch đô thị và hạ tầng giao thông, cấp nước, điện, xử lý môi trường, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy hoạch mở rộng các khu công nghiệp, tạo quỹ đất sạch cho thu hút đầu tư; triển khai đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cung ứng đầy đủ, kịp thời nguồn lao động cho doanh nghiệp đến đầu tư trên địa bàn tỉnh. Lãnh đạo tỉnh luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi, giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư và doanh nghiệp để nhà đầu tư và doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả. Trong chuyển đổi số, Bình Dương đã xây dựng nhiều văn bản, chính sách nhằm cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của nhà nước như:
Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 19/5/2022 của Tỉnh ủy Bình Dương về chuyển đổi số tỉnh Bình Dương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 xác định đẩy mạnh chuyển đổi số với các trụ cột chính quyền số, kinh tế số, công dân số và xã hội số để làm thay đổi tổng thể và toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính quyền hiệu lực, hiệu quả, minh bạch; thay đổi hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, gia tăng năng suất lao động, tạo động lực tăng trưởng; thay đổi cách sống, làm việc của người dân, thu hẹp khoảng cách phát triển; các ngành, lĩnh vực trọng điểm thực hiện chuyển đổi số theo hướng tối ưu hóa, thông minh hóa góp phần thực hiện mục tiêu "Bình Dương phát triển bền vững theo hướng đô thị thông minh, văn minh, hiện đại" như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Dương lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra.
Quyết định số 816/QĐ-UBND ngày 21/3/2021 của UBND tỉnh Bình Dương về ban hành Kế hoạch chuyển đổi số tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 đưa ra một số nhiệm vụ giải pháp cụ thể như chuyển đổi nhận thức; xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, phát triển hạ tầng số, phát triển hạ tầng dữ liệu; ứng dụng, phát triển nền tảng số; đảm bảo an toàn và an ninh thông tin; nghiên cứu, phát triển, hợp tác quốc tế và đổi mới sáng tạo trong môi trường số; phát triển nguồn nhân lực và đo lường chuyển đổi số. Trong phát triển Chính quyền số thì triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp như nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp. Trong phát triển kinh tế số triển phai phổ biến kiến thức và tư vấn về chuyển đổi số cho doanh nghiệp, thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp và phát triển doanh nghiệp. Trong phát triển xã hội số thực hiện phát triển công dân số, văn hóa số…
Kế hoạch số 1096/KH-UBND ngày 26/4/2022 của UBND tỉnh Bình Dương về chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Bình Dương năm 2022, tập trung ưu tiên nguồn lực để đạt được các chỉ tiêu quan trọng thuộc các kế hoạch Chuyển đổi số, kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước, phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, công dân số và đảm bảo an toàn thông tin mạng của tỉnh tạo điều kiện, cơ sở để tăng tốc chuyển đổi số của tỉnh trong giai đoạn mới.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số theo yêu cầu của Văn phòng Chính phủ như: Khẩn trương, quyết liệt tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia, Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số, xã hội số…; khẩn trương triển khai các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả cung cấp sử dụng dịch vụ công trực tuyển; kết nối, chia sẻ, khai thác hiệu quả dữ liệu từ các CSDL quốc gia để cung cấp dịch vụ công trực tuyến, giảm thiếu giấy từ, thời gian cho người dân, doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính…
Mỹ Linh