Khoa Khọc và công nghệ trong thúc đẩy sản phẩm nông nghiệp bền vững nâng cao thu nhập cho người dân (14/11/2022)
Qua hơn 35 năm đổi mới, khu vực nông nghiệp - nông thôn và đời sống nông dân đã có những bứt phá, sau 12 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7, khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân của ngành nông nghiệp giai đoạn 1986-2010, 2011-2015 và 2016-2020 đạt lần lượt là 5,5, 3,1 và 2,7%. Từ một nước thiếu lương thực, Việt Nam đã trở thành nước đứng thứ hai ở Đông Nam Á và thứ 15 trên thế giới về xuất khẩu nông sản, nông sản đã có mặt ở 196 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có những thị trường khó tính như Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU…
Đạt được những kết quả nêu trên có vai trò đóng góp quan trọng của nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ là giải pháp đột phá trong cơ cấu lại nông nghiệp, tạo ra những sản phẩm năng suất, chất lượng với giá trị gia tăng cao. Theo tính toán của chuyên gia, KH&CN ước tính, đã đóng góp trên 30% giá trị gia tăng ngành nông nghiệp nói chung và gần 40% giá trị gia tăng trong sản xuất giống cây trồng, vật nuôi nói riêng.
Chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp được xem là một trong những nội dung quan trọng, mang tính chiến lược trong tổng thể nền kinh tế. Thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp chính là dựa trên nền tảng dữ liệu để tập trung xây dựng các hệ thống dữ liệu lớn của ngành về đất đai, cây trồng, vật nuôi, thủy sản…; xây dựng mạng lưới quan sát, giám sát tích hợp trên không và mặt đất phục vụ cho hoạt động nông nghiệp nhằm thu thập thông tin về môi trường, thời tiết, chất lượng đất phục vụ cho nông dân canh tác hiệu quả, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Thực tiễn định hướng phát triển chương trình nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 tại Việt Nam đã đặt ra một số yêu cầu về chuyển đổi số trong nông thôn mới đáp ứng chiến lược chuyển đổi số quốc gia thông qua hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin, đầu tư hạ tầng số và các giải pháp thông minh trong quản lý điều hành, triển khai dịch vụ nông thôn. Điển hình là xây dựng “thôn thông minh” là tiêu chí bắt buộc đối với mô hình xã nông thôn mới kiểu mẫu. Do đó, trước hết trong thời gian tới, nhà nước cần (1) cụ thể hóa quy định và tiêu chuẩn đối với mô hình “thôn thông minh” theo quyết định 319/QĐ-TTg ngày 08/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ; (2) hỗ trợ kết nối doanh nghiệp với nông dân, tăng cường kết nối gữa các vùng nguyên liệu - vùng sản xuất - thị trường tiêu thụ nhằm tiến đến nền nông nghiệp công nghệ cao, năng suất cao và bền vững.
Bên cạnh đó, du lịch nông thôn cũng đang là lựa chọn trong phát triển du lịch của nhiều nước trên thế giới. Tại những nước phát triển, du lịch nông thôn được thực hiện theo chiều sâu do diện tích đất khu vực nông thôn ngày càng bị thu hẹp và người dân sống ở thành thị chiếm tỷ lệ cao. Tại những nước đang phát triển, du lịch nông thôn được triển khai theo chiều rộng với mục đích đa dạng hóa thu nhập từ nông nghiệp, góp phần chống đói nghèo, phát huy sức mạnh nội lực của cộng đồng, bảo tồn các giá trị bản sắc văn hóa truyền thống và bảo vệ môi trường.
Tại tỉnh Bình Dương, ngành nông nghiệp tiếp tục phát triển theo hướng ứng dụng công nghệ cao, hữu cơ, sinh thái và hiệu quả; khuyến khích thực hành sản xuất nông nghiệp tốt và truy xuất nguồn gốc nông sản. Chăn nuôi theo hình thức trang trại, công nghiệp tiếp tục phát triển; chăn nuôi hộ gia đình chuyển dần từ nhỏ lẻ, phân tán sang tập trung quy mô lớn, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ, liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm. Phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi và phòng, chống thiên tai được quan tâm xuyên suốt. Đã tổ chức Lễ phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” năm 2022 nhân kỷ niệm 132 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, với số lượng gần 20 ngàn cây (tương đương 42ha).
Về Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới: công nhận 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2021. Lũy kế đến nay, tỉnh có 29/41 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (đạt 70,7% kế hoạch); 01 huyện, 02 thị xã đã được công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới và thị xã hoàn thành nhiệm vụ nông thôn mới; ban hành các bộ tiêu chí thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục triển khai, nghiên cứu một số mô hình nông thôn mới theo định hướng phát triển làng thông minh tại thị xã Tân Uyên và huyện Phú Giáo.
Trong thời gian tới, ngành nông nghiệp Bình Dương sẽ tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng hàng nông sản và hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Tập trung xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, giá trị gia tăng cao. Phát triển nông nghiệp đô thị vùng phía Nam Bình Dương nhằm tạo mảng xanh đô thị và môi trường sinh thái; đến cuối năm 2023, tỷ lệ che phủ cây công nghiệp và cây lâu năm duy trì mức 57,5%. Vùng phía Bắc tỉnh tập trung quy hoạch phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp hiện đại, tạo sản phẩm chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và bảo vệ môi trường.
Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ của Chương tình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới tiếp tục giữ vững, duy trì mức độ hoàn thành và nâng cao chất lượng các tiêu chí theo Bộ tiêu chí nâng cao của tỉnh. Phấn đấu có 100% xã được công nhận xã nông thôn mới nâng cao, 100% số xã có sản phẩm tham gia chương trình OCOP; tối thiểu 20 sản phẩm đạt 3 sao trở lên được chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh.
Hoàng Anh