Ứng dụng Trí tuệ nhân tạo AI trong lĩnh vực y tế (21/06/2023)
Việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong công tác chăm sóc, nâng cao sức khỏe ở Việt Nam đã có bước phát triển quan trọng, đặt nền móng xây dựng nền y tế thông minh với 3 trụ cột chính là: Phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe thông minh; khám chữa bệnh thông minh và quản trị y tế thông minh. Sau thời gian đi vào hoạt động, người dân bước đầu được hưởng lợi từ các thành tựu CNTT trong hoạt động y tế.
Ngày nay, trí tuệ nhân tạo (AI) đang có xu hướng được ứng dụng mạnh mẽ trong y học như: chẩn đoán bệnh; nghiên cứu, phát triển thuốc; tối ưu hóa cho điều trị từng cá nhân; robot y học; quản lý khám, chữa bệnh; hỗ trợ trong đại dịch COVID - 19
AI trong hỗ trợ chẩn đoán: Một chẩn đoán thiếu chính xác là mối đe dọa nghiêm trọng đối với chất lượng và an toàn trong chăm sóc sức khỏe. Công nghệ AI đã bước đầu được sử dụng để cải thiện chất lượng chẩn đoán, đặc biệt là trong phân tích hình ảnh. Phát triển thuật toán để đánh giá tức thì có thể giúp bác sĩ tiết kiệm thời gian đang trong ca phẫu thuật có nguồn thông tin quan trọng, tiết kiệm thời gian đồng nghĩa với việc cứu thêm được nhiều mạng người.
Với chẩn đoán bệnh, AI rất mạnh trong các nội dung: phát hiện ung thư phổi hoặc đột quỵ dựa trên các phim chụp; đánh giá nguy cơ đột tử do các bệnh tim dựa trên điện tâm đồ và hình ảnh cắt lớp, cộng hưởng từ tim; phân loại tổn thương da trên những hình ảnh da được cung cấp; đánh giá bệnh võng mạc tiểu đường thông qua hình ảnh soi đáy mắt. Ngoài ta, các dự án tham vọng hơn của AI liên quan đến sự kết hợp của nhiều nguồn dữ liệu (cắt lớp, cộng hưởng từ, giải trình gen, dữ liệu bệnh nhân cụ thể…) để đánh giá một căn bệnh hoặc tiên đoán sự tiến triển của nó.
Nghiên cứu, phát triển thuốc
Nghiên cứu và phát triển các loại thuốc chữa bệnh là một quá trình vô cùng tốn kém và mất rất nhiều thời gian. Tuy nhiên hiện nay AI đã được sử dụng thành công trong cả 4 giai đoạn chính của quá trình nghiên cứu và phát triển thuốc (đánh giá các đích tác dụng; tìm kiếm được đúng các phân tử thuốc các thuốc có khả năng liên kết với đích đã chọn; kiểm tra hợp chất mới trong phòng thí nghiệm và trên lâm sàng về độ an toàn, hiệu quả; đạt được sự chấp thuận và đưa thuốc mới tới tay các bác sỹ và bệnh nhân), vì vậy tương lai chúng ta kỳ vọng việc phát triển thuốc sẽ vô cùng nhanh và rẻ hơn nhiều.
Tối ưu hoá cho điều trị từng cá nhân
Các bệnh nhân khác nhau đáp ứng với thuốc và phác đồ điều trị khác nhau, vì thế cá nhân hóa điều trị có tiềm năng to lớn để tăng tuổi thọ cho bệnh nhân. Tuy nhiên, rất khó để xác định những yếu tố nào sẽ ảnh hưởng đến việc lựa chọn phương pháp điều trị và hiện nay vấn đề này đang được giải quyết bởi AI. AI có thể tự động hóa công việc thống kê hết sức phức tạp này và giúp khám phá những đặc điểm chỉ ra rằng bệnh nhân sẽ có phản ứng cụ thể với một phương pháp điều trị cụ thể nào, từ đó đưa ra được phác đồ điều trị tối ưu với từng bệnh nhân riêng biệt.
AI trong robot y học
Ứng dụng robot có thể giúp giảm khoảng 1/4 thời gian nằm viện của bệnh nhân. Các cuộc phẫu thuật với sự hỗ trợ của robot còn được xem là “xâm lấn tối thiểu”, vì thế bệnh nhân không cần thời gian để bình phục các vết thương lớn. Robot còn cho phép các bác sĩ thực hiện nhiều quy trình phức tạp, với sự kiểm soát tốt hơn so với phương pháp thông thường. Tại Việt Nam, robot cũng có thể được sử dụng trong phẫu thuật với tư cách là trợ lý bác sĩ phẫu thuật.
AI trong quản lý khám, chữa bệnh:
Việc đưa công nghệ AI vào các hệ thống quản lý chăm sóc sức khỏe có thể giúp xác định các chẩn đoán và điều trị không cần thiết. Do đó, công nghệ AI y tế không chỉ tập trung vào các tương tác cổ điển giữa bệnh nhân với nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe mà còn có thể được sử dụng trong quản lý hệ thống y tế cho các tổ chức quy mô lớn. Các hệ thống có thể theo dõi chi tiêu y tế, phục hồi chi phí và đáp ứng với điều trị, do đó làm tăng sức khỏe dân số và chất lượng chăm sóc trong khi giảm chi phí.
AI hỗ trợ trong đại dịch COVID – 19
Trong đại dịch COVID-19, AI được áp dụng khá rộng rãi. Điển hình như Zalo đưa ứng dụng AI xây dựng chatbot hỗ trợ tra cứu cơ sở điều trị COVID-19, tránh tình trạng người dân đổ dồn về các cơ sở y tế tuyến trên, gây quá tải trong khám sàng lọc.
Ngoài ra, một sản phẩm nghiên cứu khoa học về ứng dụng AI để sử dụng hình ảnh Xquang phổi trong hỗ trợ chẩn đoán COVID-19 tại Việt Nam đã ra đời, do Công ty VinBrain (Vingroup) và Cục CNTT - Bộ Y tế thực hiện. Nghiên cứu này nhằm tích hợp thêm chức năng hỗ trợ đánh giá tiên lượng bệnh nhân phục vụ điều trị COVID-19.
Cũng trong đại dịch COVID-19, các nhà khoa học tại Học viện Kỹ thuật Quân sự (Bộ Quốc phòng) đã nghiên cứu, chế tạo thành công hệ thống robot hỗ trợ y tế có các tính năng hiện đại theo mẫu robot TUG của hãng Aethon (Mỹ). Robot có tên Vibot-1a này có thể tự động vận chuyển thức ăn, thuốc men, nhu yếu phẩm; vận chuyển rác thải sinh hoạt, rác thải y tế, đồ giặt... và hỗ trợ giao tiếp, khám chữa bệnh từ xa giữa bệnh nhân và nhân viên y tế...
Có thể thấy, công nghệ trí tuệ nhân tạo sẽ không ngừng phát triển giúp cuộc sống và các lĩnh vực phục vụ cuộc sống trở nên đơn giản thuận tiện hơn. Chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy lợi ích và các ứng dụng từ trí tuệ nhân tạo cho lĩnh vực y tế sẽ ngày càng được mở rộng. Các cơ hội phát triển không nhỏ nhưng sẽ không thể thành công nếu không có sự tham gia tích cực từ các cơ sở, đơn vị liên quan. Tiến tới công nghệ hóa hiện đại hóa ngành y tế, các cá nhân, tổ chức trong ngành cần tận dụng tốt các cơ hội phát triển từ công nghệ đặc biệt là từ trí tuệ nhân tạo cho lĩnh vực chăm sóc sức khỏe.
Mỹ Hoa