Du lịch thông minh: Xu thế tất yếu để phát triển du lịch bền vững (27/08/2023)
Phát triển du lịch thông minh là xu hướng tất yếu trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, khi những thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại được ứng dụng mạnh mẽ vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có du lịch.
Trong thời đại công nghệ số, việc hỗ trợ cung cấp thông tin du lịch có ý nghĩa quan trọng không chỉ đối với công tác quảng bá hình ảnh du lịch của Việt Nam mà còn có ý nghĩa quan trọng đối với khách du lịch, doanh nghiệp và cộng đồng. Hình thức cung cấp thông tin du lịch phổ biến nhất hiện nay là thông qua các hệ thống website, cổng thông tin, trang thông tin điện tử, báo điện tử.
Nếu như trước đây muốn đi du lịch, theo phương thức truyền thống chúng ta sẽ tìm đến các tour từ công ty du lịch, đi theo kinh nghiệm của những người đã từng đi hoặc tự tìm kiếm thông tin ít ỏi về khách sạn, điểm đến. Bây giờ, tất cả những điều ta cần là một chiếc điện thoại thông minh. Từ việc đặt khách sạn, tour, nhà hàng, cấp visa, mua vé máy bay, lựa chọn điểm đến,… đều có thể thực hiện qua các app, trang web, nơi mà khách hàng có thể xem cả những đánh giá của các du khách đã từng sử dụng dịch vụ.
Hiện nay, 100% cơ quan quản lý du lịch từ Trung ương đến địa phương của Việt Nam đã có website du lịch. Hầu hết các doanh nghiệp du lịch, đặc biệt là các doanh nghiệp lữ hành và các doanh nghiệp kinh doanh khách sạn được xếp hạng theo thang bậc sao ở Việt Nam cũng đã có website riêng. Hệ thống báo mạng điện tử, các trang thông tin điện tử ở Việt Nam cũng thường xuyên đăng tải tin bài về du lịch và quảng bá du lịch, đặc biệt các báo lớn, các trang tin lớn… đều có chuyên mục riêng về du lịch. Ngày nay, với sự phát triển của công nghệ lập trình web, cho phép các nhà lập trình thiết kế, tích hợp nhiều tính năng, tiện ích đa dạng trên nền tảng web hỗ trợ các hoạt động du lịch như: bản đồ du lịch điện tử, chức năng booking online, thanh toán trực tuyến, tư vấn trực tuyến, chăm sóc khách hàng trực tuyến, các chức năng quy đổi tiền tệ, dự báo thời tiết… thậm chí có thể tạo ra sự tương tác trực tiếp của khách du lịch như góp ý, phản ánh, bình luận về các sự kiện du lịch. Bên cạnh các hệ thống website, mạng xã hội cũng là một trong những kênh quan trọng trong việc chia sẻ thông tin, trải nghiệm du lịch và góp phần quảng bá du lịch.
Song song đó, Đảng và Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản định hướng cho việc triển khai ứng dụng KH&CN, CNTT-TT với phát triển kinh tế – xã hội nói chung và phát triển du lịch nói riêng. Thể chế chính sách đi trước là rất quan trọng để khai thông, mở đường và tạo điều kiện nền tảng, hành lang pháp lý cho phát triển du lịch thông minh.
Bình Dương trong công cuộc thúc đẩy du lịch thông minh
Tại Bình Dương, trong thời gian qua, để thực hiện các hoạt động nhằm phát triển du lịch thông minh trên địa bàn tỉnh, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị có liên quan thực hiện một số nhiệm vụ, bước đầu mang lại những kết quả tích cực. Ngoài xây dựng trang web du lịch Bình Dương, sở cũng đã đưa vào hoạt động App du lịch Bình Dương nhằm cung cấp tất cả những thông tin về du lịch Bình Dương phục vụ nhu cầu tìm hiểu của du khách. Việc xây dựng app du lịch được xem là một điểm sáng của du lịch Bình Dương. Đây được xem là một "trợ lý ảo" cho du khách với hơn 64 chức năng như tìm kiếm xung quanh, bản đồ tương tác, tìm kiếm bằng giọng nói, chỉ đường đi trên bản đồ…
Khi sử dụng app Du lịch Bình Dương, du khách có thể tra cứu thông tin về du lịch, lưu lại lịch trình, gợi ý điểm đến vui chơi giải trí, thưởng thức ẩm thực, các sự kiện sắp diễn ra, lịch trình chuyến bay, xe buýt, xe khách, kết nối du khách với nhà hàng, khách sạn, siêu thị, trung tâm thương mại, giải trí… Ứng dụng mang tính tương tác cao giữa người dùng và đơn vị quản lý bởi tính năng thu thập và phản hồi thông tin đến du khách. Ứng dụng được cung cấp trên hai kho ứng dụng App Store (hệ điều hành IOS) và Google Play (hệ điều hành Android).
Trong hệ thống bản đồ hướng dẫn du lịch, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch cũng đã chỉ đạo Trung tâm Xúc tiến du lịch tỉnh xây dựng hình ảnh 360 độ gắn vào bản đồ để du khách có thể tìm hiểu sơ bộ những điểm mình muốn đến. Bên cạnh đó, các ấn phẩm về du lịch cũng được số hóa bằng mã QR để thuận tiện cho việc tìm hiểu thông tin của du khách khi đến Bình Dương du lịch. Đặc biệt, việc số hóa du lịch của Bình Dương hiện nay đã được chia sẻ trên cơ sở dữ liệu của Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh (IOC) tỉnh và được IOC đánh giá cao.
Cùng với đó, mới đây UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 3472/KH-UBND triển khai thực hiện đề án ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0 để phát triển du lịch thông minh trên địa bàn tỉnh. Mục tiêu mà kế hoạch đề ra là phát triển du lịch thông minh theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng, hiện đại, đáp ứng yêu cầu đổi mới; nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, bảo đảm phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.
Trong thời gian tới, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh sẽ đề xuất một số công việc cần tập trung thực hiện như xây dựng bản đồ số du lịch, kết hợp với Bảo tàng tỉnh xây dựng bảo tàng thông minh và xây dựng cơ sở dữ liệu chung để tích hợp thông tin, báo cáo số liệu của các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch cũng như các ngành trực thuộc sở, các ngành khác liên quan để có sự liên kết về dữ liệu nhằm phục vụ công tác đánh giá số liệu du lịch được chính xác hơn.
Có thể nói, phát triển du lịch thông minh là xu hướng tất yếu của tương lai, nó sẽ tạo ra một diện mạo mới cho ngành du lịch của Việt Nam và du lịch thế giới. Tuy nhiên, để phát triển du lịch thông minh theo hướng bền vững trong thời gian tới, ngành Du lịch Việt Nam nói chung và Bình Dương nói riêng cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách cho phát triển du lịch thông minh; phát triển nguồn nhân lực có trình độ công nghệ; nâng cao chất lượng dịch vụ, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phát triển du lịch thông minh…
Ngọc Dung