Hướng tới sử dụng vật liệu xây dựng xanh, thân thiện với môi trường (27/08/2023)
Những năm gần đây, sự biến đổi của khí hậu đã làm cho môi trường sống của con người ngày càng bị đe dọa, tạo sức ép buộc các quốc gia phải chú trọng phát triển kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh. Phát triển các loại vật liệu xây dựng thông minh, tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường, đây là xu thế tất yếu và mục tiêu hướng tới của ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng Việt Nam.
Theo các chuyên gia, các công trình xây dựng trên thế giới tiêu thụ khoảng 17% lượng nước sạch, 25% khối lượng gỗ từ rừng, gây ra 35% tổng lượng phát thải cacbon trong quá trình xây dựng và vận hành. Ngoài ra, ngành sản xuất vật liệu xây dựng cũng gây ra các ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường qua việc tiêu thụ năng lượng trong giai đoạn khai thác nguyên liệu đến khâu xử lý nguyên liệu và sản xuất các vật liệu thành phẩm. Cụ thể, để sản xuất được khoảng một tỉ viên gạch nung bằng đất sét sẽ phải tiêu tốn khoảng hơn 70 ha đất sét, hay đất nông nghiệp và lượng khí CO2 thải ra trong quá trình khai thác, sản xuất gạch lên tới gần 20 triệu tấn khí. Chưa kể đến sau khi công trình bị dỡ bỏ gạch nung hầu như không sử dụng tái chế được mà còn rất khó phân hủy, khi phân hủy gây hại cho đất và môi trường.
Xu hướng sử dụng vật liệu xây dựng xanh hiện nay
Tại Việt Nam, bước đi đầu tiên mà Chính phủ hướng tới trong việc sử dụng vật liệu xây dựng thân thiện môi trường là sử dụng gạch không nung, giảm dần sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Giải pháp người ta thường tìm đến các vật liệu thiên nhiên như tre, nứa, rơm, rạ. Tuy nhiên, các vật liệu này có những đặc tính chưa tốt nên không thể thay thế hoàn toàn được gạch đất nung. Chính vì điều đó nên gạch không nung được ra đời với mục đích cải thiện được những nhược điểm của gạch nung truyền thống. Hiện nay, gạch không nung cùng các loại vật liệu xanh khác đang dần trở thành xu hướng và được lựa chọn để sử dụng nhiều hơn cả. Để kích cầu tăng trưởng cho những sản phẩm này, nhà nước cũng có những chính sách giúp thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ.
Với quyết định 567/QĐ-TTG vào tháng 4/2010 đã được Thủ tướng Chính phủ ký duyệt để thực hiện được mục tiêu sử dụng 20-25% vật liệu xanh trong ngành xây dựng vào năm 2015 và đạt được 30-40% vào năm 2020. Mục tiêu của Chương trình là phát triển sản xuất và sử dụng vật liệu xây dựng không nung để thay thế gạch đất sét nung, tiết kiệm đất nông nghiệp, giảm thiểu khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính và ô nhiễm môi trường; Giảm chi phí xử lý phế thải của các ngành công nghiệp, tiết kiệm nhiên liệu than, đem lại hiệu quả kinh tế chung cho toàn xã hội.
Cùng với đó, từ tháng 2/2018, tất cả các công trình sử dụng vốn nhà nước cũng đều phải sử dụng vật liệu xanh trong xây dựng.
Bên cạnh đó, nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước đã kêu gọi người dân, các chủ thầu công trình sử dụng cát nhân tạo để thay thế cát tự nhiên nhằm giảm tình trạng cạn kiệt nguồn cát xây dựng. So với cát tự nhiên, cát nhân tạo có những ưu điểm lớn như có thể sản xuất ở các khu vực gần địa điểm xây dựng dẫn tới giảm chi phí vận chuyển và đảm bảo nguồn cung phù hợp. Cát nhân tạo cũng có ít tạp chất, hạt dày hơn, có độ bện uốn cao hơn, chống mài mòn tốt hơn, tính thẩm thấu tốt hơn và đặc biệt là thân thiện với môi trường. Tại Việt Nam, nguồn nguyên liệu để sản xuất cát nhân tạo khá dồi dào là đá vôi, đá bazan. Do đó, cát nhân tạo là một lối ra để giảm bớt phụ thuộc vào cát tự nhiên vốn hữu hạn và nếu tận thu thì sẽ gây nhiều hệ lụy tới môi trường.
Một số loại vật liệu xanh phổ biến hiện nay
- Gạch không nung là sản phẩm gạch không nung ngày càng được sử dụng trong nhiều công trình xây dựng bởi ưu điểm nhẹ, độ bền cao, có khả năng cách âm, cách nhiệt tốt và ít gây ô nhiễm môi trường.
Gạch không nung là loại vật liệu xây dựng xanh, được tạo từ những phụ phẩm, phế thải hoặc các loại cốt liệu như mạt đá, cát, xi măng và một số thành phần phụ gia khác… thông qua quá trình tạo hình, đóng rắn mà không cần sử dụng đến nhiệt. Độ bền của viên gạch không nung được gia tăng nhiều nhờ lực ép hoặc rung hoặc cả ép lẫn rung lên viên gạch và thành phần kết dính của chúng.
Hiện nay, trên thị trường xây dựng có các loại gạch không nung phổ biến như gạch xỉ, gạch bê tông, gạch nhẹ chưng áp, gạch bê tông bọt khí. Ngoài ra còn có gạch rỗng và gạch đặc, tùy thuộc vào yêu cầu xây dựng của mỗi công trình mà chọn sử dụng cho phù hợp.
- Bê tông nhẹ hay còn gọi là tấm bê tông đúc sẵn là hỗn hợp bê tông được pha trộn theo một tỷ lệ nhất định gồm đất sét đã được nung đông nở, xi măng và cát theo công nghệ dự ứng lực bán lắp ghép.
Nhờ vào những ưu điểm như khả năng cách âm cách nhiệt, vừa thân thiện với môi trường lại vừa tối ưu chi phí và thời gian thi công, vật liệu bê tông siêu nhẹ đã trở thành một giải pháp thay thế khả thi cho bê tông thông thường. Sự ra đời của những tấm bê tông nhẹ đúc sẵn đã đem lại nhiều tiện ích cho ngành xây dựng. Đây cũng đang là xu hướng mới trong xây dựng nhà lắp ghép, vách ngăn, sàn và mái nhà hiện nay.
- Tấm lợp sinh thái là loại vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường, được sản xuất từ các sợi hữu cơ và chất chống thấm asphalt theo phương pháp ép lớp. Loại vật liệu này có khả năng chịu được thời tiết khắc nghiệt, không bị ăn mòn, rất phù hợp với các công trình ven biển. Ngoài ra, tấm lợp sinh thái còn có khả năng chống nóng, cách âm tốt và giúp tiết kiệm điện năng dùng cho điều hòa vào những ngày nhiệt độ tăng cao. Các tấm lợp này thường có trọng lượng rất nhẹ nên rất dễ vận chuyển đến các công trình. Đây là sản phẩm tấm lợp phù hợp cho các công trình dân sinh, công trình công cộng và nhà xưởng công nghiệp.
- Xốp cách nhiệt XPS là một dòng vật liệu xây dựng mới với nhiều ưu điểm nổi bật như cách nhiệt, cách âm, đôn nền, chống ẩm cho các công trình công nghiệp và dân dụng. Loại vật liệu xanh này được làm từ chất dẻo Polystyrene an toàn với người dùng và đặc biệt thân thiện với môi trường. Vật liệu xốp XPS không tạo ra chất độc nguy hiểm bốc hơi nào, không bị nấm mốc, ăn mòn và các tấm dư thừa có thể tái sử dụng. Tuy là xốp nhưng vật liệu này được sản xuất trên quá trình nhiệt ép cao nên có độ bền, độ cứng cơ học vượt trội, rất khó bị gãy hay hư hại như những sản phẩm xốp thông thường. Trong xây dựng, xốp XPS thường được ứng dụng trong cách nhiệt, chống nóng sàn, mái và tường bê tông cho các công trình. Ngoài ra, xốp XPS còn kết hợp với các loại vật liệu xây dựng khác để làm tường làm vách, có hiệu quả cách nhiệt, cách âm cao.
- Sơn sinh thái còn được gọi là sơn sạch, sơn xanh, sơn công nghệ xanh. Loại sơn này sử dụng nguồn nguyên liệu và kết hợp với ngành công nghiệp xanh hướng tới sự thân thiện môi trường. Theo đó, công nghệ mới này nhằm tạo ra các sản phẩm sơn không mùi, sơn có mùi tự nhiên hoặc hạn chế tối ra vấn đề mùi hóa chất trong sơn. Đặc biệt, các loại sơn sinh thái không chứa hoá chất gây hại cho sức khoẻ như Apeo, Phoóc môn, kim loại nặng, lượng hợp chất hữu cơ bay hơi rất thấp. Một số loại sơn sinh thái có khả năng chống bức xạ, chống lại các tần sóng có hại, bảo vệ người dùng khỏi ảnh hưởng sóng điện từ. Sơn sinh thái có thể sử dụng trực tiếp mà không cần sơn lót, dễ thi công, nhanh khô, có khả năng bảo vệ bề mặt, chống mọi tác động của thời tiết, dễ chùi rửa. Ngày nay, sử dụng sơn sinh thái ngoài việc giúp làm đẹp cho công trình, bảo vệ sức khỏe của con người mà đây còn là một giải pháp về vật liệu xanh, thân thiện với môi trường. Đây là một xu hướng tất yếu, một nhu cầu mà hiện nay cả thế giới đang hướng tới.
- Kiện rơm là vật liệu xanh được sử dụng nhiều trong các nông trại bởi tính sẵn có và khả năng cách âm, cách nhiệt cao. Ngoài ra, kiện rơm cũng có khả năng chống cháy bởi khi sản xuất, rơm được ép chặt nên không khí không thể lọt qua. Do kiện rơm không có khả năng chịu lực, chịu tải nên chỉ phù hợp làm vật liệu lấp đầy giữa các cột hay trong các khung, dầm.
- Kính tiết kiệm năng lượng: là VLXD mới tại Việt Nam nhưng lại được sử dụng khá phổ biến trong các công trình lớn nhỏ trên thế giới từ lâu. Loại vật liệu này mang đến nhiều ưu điểm vượt trội so với các dòng kính cũ. Kính có hệ số phát xạ thấp, hệ số dẫn nhiệt nhỏ, dẫn tới giảm thiểu sự truyền nhiệt giữa môi trường bên trong và bên ngoài qua hệ thống vách kính. Hiện nay, kính tiết kiệm năng lượng được sử dụng phổ biến tại Việt Nam có 2 loại đó là Low E và Solar Control.
Có thể nói, việc khuyến kích người dân, doanh nghiệp xử dụng vật liệu xanh trong xây dựng không chỉ góp phần bảo vệ môi trường sống, tạo không gian xanh - sạch - đẹp mà còn giúp nền kinh tế của đất nước phát triển theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường.
Trung Tính