ĐƯỜNG NGÔ CHÍ QUỐC (10/07/2014)
Tiểu dẫn: Từ đường Ngô Quyền đi 381,2m đến đường Nguyễn Văn Tiết thuộc phường Phú Cường, thành phố Thủ Dầu Một. Được mang tên mới là Ngô Chí Quốc từ năm 1980 trở đi tên cũ là đường Nguyễn Tường Tam.
Tiểu sử: Ngô Chí Quốc sinh năm 1929, quê quán ở xã Hiệp Bình, huyện Thủ Đức, tỉnh Gia Định nay là thành phố Hồ Chí Minh.
Anh lớn lên trong một gia đình nghèo sống bằng nghề đánh cá trên sông, cho nên việc bơi lặng rất giỏi như con rái cá. Bầu bạn khen anh tính tình vui vẻ hoạt bát…
Sau khi giặc Pháp trở lại lần thứ hai đánh chiếm quê hương, Quốc là thanh niên tiền phong xã. Sau đó đến tháng 3/1946 Quốc tình nguyện vào Vệ quốc đoàn. Lúc đó đơn vị của anh có nhiều vũ khí thô sơ, rất ít vũ khí hiện đại. Người chỉ huy giao nhiệm vụ cho anh làm tổ trưởng cùng hai chiến sĩ nữa tìm cách đi cướp vũ khí của địch đem về cho đơn vị. Tuy công việc này rất mới đối với anh, nhưng không ngần ngại mà hăng hái nhận nhiệm vụ làm ngay.
Được biết hàng ngày có một chiếc tàu địch đi tuần tiểu rồi đậu trên sông Sài Gòn gần xưởng Ba Son. Nơi ấy có thuyền ghe dân ta qua lại nhân cơ hội đó Ngô Chí Quốc nảy ra mưu kế táo bạo, cải trang giả làm dân để dể bề tiếp cận đối tượng. Anh phân công hai bạn ở lại giữ thuyền câu cá. Quốc buộc dây vào người nối liền với bạn, lặn dưới sông men đến mạn tàu. Anh lén trèo lên tàu ba lần lúc lính gác không để ý. Nhờ vậy chỉ một đêm thực hiện được kế hoạch bí mật và lập công an toàn trở về đơn vị.
Trước cấp chỉ huy và đồng đội, tổ trinh sát ráy cá của Ngô Chí Quốc báo cáo kết quả là đã từng tay không lấy được một khẩu đại liên, một nòng pháo 20 ly, 2.000 viên đạn, 2 thùng lựu đạn OF. Vũ khí này trang bị cho đơn vị tạo ra sức mạnh diệt giặc, song vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của nhiệm vụ chiến đấu.
Xuất phát từ đây, năm 1947 ban chỉ huy huyện đội Thủ Đức mang tên Trần Phú lại phân công Quốc tìm cách lấy súng đạn của Nhật trước đây đã ném xuống sông Sài Gòn ở khúc Bình Lợi, Thị Nghè.
Người chiến sĩ rái cá này chấp hành mệnh lệnh cùng với tổ trinh sát suốt 6 tháng liền cải trang và nhập vào đồng bào vùng địch tạm chiếm để thi hành nhiệm vụ. Với bản tính khôn ngoan dũng cảm của người trinh sát anh đóng vai nhiều hạng người lao động. Khi thì anh đi chày lưới, lúc thì làm người lặn thuê, vài lần lặn sâu máu chảy ra lổ mũi, lổ tai anh vẫn không nao núng vì lấy được vũ khí là mừng lắm rồi. Quốc còn giả người đi buôn để vận chuyển chiến lợi phẩm thu được, lần lượt đưa qua trạm tiếp liệu mật giao về đơn vị đầy đủ. Công việc này còn có sự đóng góp của các hội viên cứu quốc ở vùng địch kiểm soát mà anh đã tổ chức. Không sợ súng gươm bạo tàn, những người làm công tác mật đó dám làm nhiều việc bí mật như cất dấu súng chẳng những vài ngày mà cả tuần lễ dưới hầm đào ở trong nhà hoặc ngoài vườn. Đồng bào ta cho xe làm phương tiện chở vũ khí qua đồn bót giặc không xảy ra điều gì nguy hiểm. Kết quả đó là tài làm công tác dân vận khéo của trinh sát Ngô Chí Quốc.
Sau đợt công tác này anh đã đưa về đơn vị 01 khẩu súng 12 ly với 7 khẩu súng trường, 40.000 viên đạn các cỡ…Nguồn vũ khí đó đã tạo điều kiện cho đại đội của anh lập thêm nhiều chiến công diệt giặc bảo vệ dân.
Nối tiếp chiến công Ngô Chí Quốc trở thành chiến sĩ đặc công trên đất liền, tháng 3/1949, anh được làm tiểu đội trưởng phụ trách 01 mũi xung kích đánh đồn Pháp-Ngụy ở Lái Thiêu.
Cán bộ cấp trung đội giao nhiệm vụ cho tiểu đội đặc công này thực hiện việc tiếp cận đồn địch, sau khi có lệnh nổ súng đánh phá hàng rào kẻm gai và diệt tiểu đội lính tuần tra, đột nhập vào đánh lô cốt. Trong đồn và lô cốt tuy bị ta tấn công nhưng chúng chưa bị diệt hết vẫn còn số đông sống dưới hầm ngầm, dùng hỏa lực mạnh bắn sối sả cản bước đường tiến quân của ta không vào được trong đồn.
Biết được tình hình này Ngô Chí Quốc dùng bộc phá và lựu đạn ném lọt vào lổ châu mai hầm ngầm, dập tắt ngay 02 tiểu đội địch ngoan cố. Nhân dịp đó đơn vị xông lên như nước tràn bờ diệt gọn địch trong đồn thu nhiều loại vũ khí và rút lui về căn cứ an toàn. Được tin ta chiến thắng vẻ vang đồng bào ở vùng tự do nhất là hội mẹ chiến sĩ, hội phụ nữ liền tổ chức bửa cơm liên hoan mừng chiến thắng.
Tháng 4/1952 Ngô Chí Quốc cùng đơn vị đánh vào đồn cầu Định bị thương nặng không kịp rút lui nên bị giặc bắt ngay tại trận. Chúng đưa anh về trại giam Bến Cát tra tấn dã man. Tuy chết đi sống lại nhưng anh không hề lộ bí mật sau khi vết thương được ổn định người chiến sĩ đặc công bí mật tổ chức tập thể vượt ngục. Lần đầu bị lộ giặc bắt lại. Đồng chí đứng ra nhận lấy trách nhiệm là chủ mưu chịu nhiều hình phạt nặng hơn để thay cho đồng đội….Đồng chí Quốc tổ chức vượt ngục lần nữa vào lúc trời mưa to gió lớn, lính gác ngục sơ hở nhiều nên tạo thuận lợi cho ta thực hiện kế hoạch. Kết quả cụ thể là Quốc dẫn đầu một số cán bộ chiến sĩ trốn thoát vượt qua dưới tầm giám sát đèn pha của địch và trở về đơn vị trong niềm vui mong đợi của mọi người.
Vài năm tiếp theo, hòa trong khí thế chiến công Đông Xuân 1953-1954 nhất là lập thành tích chào mừng chiến thắng Điện Biên Phủ đang chấn động địa cầu ngày 7/5/1954. Khi đó Ngô Chí Quốc đứng trong đội hình đại đội 65 tiểu đoàn 303 tiến công vào bót cầu Định lần thứ hai.
Đúng 0 giờ 45 phút ngày 1/6/1954, chỉ huy trưởng mặt trận cầu Định nổ súng lệnh với quyết tâm toàn đơn vị là phải diệt gọn giặc lần cuối cùng. Chấp hành mệnh lệnh này tổ trinh sát đặc công Ngô Chí Quốc đã dùng bộc phá đánh sập lô cốt “ con” ở phía đông, mở được vòng rào kẻm gai bên ngoài đồn cho đơn vị bạn tiến vào đánh địch bên trong. Tuy Quốc đã bị thương nặng nhưng cố gắng ôm bộc phá nhào lên đánh sập lô cốt “ mẹ”, mở được vòng rào kẻm gai thứ ba cuối cùng trước cửa chính vào đồn bót. Đồng thời Quốc lớn tiến hô “ Xung phong” lập tức hỏa lực địch tập trung bắn vào chổ anh do đó tạo cơ hội sơ hở chổ khác để quân ta tiến công mạnh vào trung tâm.
Trong lúc đó lực lượng nội ứng của ta đã tổ chức từ trước hợp đồng chặt chẽ với lực lượng của quân ta bên ngoài tiến vào nổ súng đánh vào trung tâm bót cầu Định. Cuộc chiến đấu ác liệt diễn ra giữa quân ta và quân địch sau 1 giờ đồng hồ kết thúc đồn cầu Định bị diệt gọn ven quốc lộ 13 cách dinh tỉnh trưởng Thủ Dầu Một 10 km về phía bắc.
Đồng chí Ngô Chí Quốc trinh sát đặc công tiểu đoàn 303 chủ lực quân tỉnh đội Thủ-Biên đã hy sinh anh dũng trước cửa chính bót cầu Định ngày 1/6/1954. Thi hài của đồng chí được đưa về đơn vị an tang tại xóm Miểu xã Tân Định và tổ chức truy điệu có quân dân ta cử hành nghiêm trang. Trong đó có đồng chí Nguyễn Văn Biện cùng tổ trinh sát đặc công với Ngô Chí Quốc. Sau này đồng chí Biện là đại tá Chủ tịch Hội cựu chiến binh tỉnh Bình Dương….
Ngày 7/5/1956, đồng chí Ngô Chí Quốc được Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa truy tặng Huân chương Quân công hạng nhì và danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Đây là chiến sĩ đặc công đầu tiên ở Nam bộ được phần thưởng vinh dự.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng hài cốt của người anh hùng Ngô Chí Quốc được cải táng đưa về nghĩa trang tỉnh nhà. Khi ấy có mặt đồng chí Một Hữu cán bộ hưu trí, nguyên tỉnh đội trưởng tỉnh đội Thủ Dầu Một và các đồng chí lãnh đạo khác tham dự.
Nguyễn Minh Đức ( CBHT)