Chế tạo thành công mũ bảo hiểm thay đổi theo thời tiết (15/08/2017)
Đây là nghiên cứu của ông Trương Thành Lễ, tại thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang sáng tạo ra giải pháp công nghệ “Mũ bảo hiểm thông gió” do ông nhận thấy những chiếc mũ bảo hiểm chất lượng, an toàn không hẳn là không có những hạn chế nhất định. Mũ bảo hiểm không những là nơi tích tụ nhiều loại vi khuẩn, nấm mốc, da đầu bị bịt kín cộng với thời tiết nóng bức khiến tăng tiết bã nhờn, đổ mồ hôi nhiều. Tất cả tạo nên một môi trường nóng và ẩm ở vùng đầu. Đây là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn và vi nấm phát triển, gây nên những loại bệnh da đầu thường hay mắc phải.
Lớp lót thứ tư có thể tháo lắp để vệ sinh và sử dụng theo thời tiết
Theo đó, mũ bảo hiểm này có cấu tạo gồm 04 lớp: Lớp vỏ ngoài làm bằng nhựa tổng hợp chịu lực va đập. Lớp thứ hai bằng xốp EPS hấp thụ xung động, được sơn một lớp để làm sạch. Nhờ lớp sơn này, người sử dụng có thể vệ sinh dễ dàng. Lớp thứ ba là lớp thông gió tạo cho đầu không bị nóng hầm. Do được thông với nhau nên khi có nhiệt trong đầu lúc đội mũ bảo hiểm điều khiển xe không khí nóng và hơi nước mồ hôi da đầu sẽ dễ dàng bốc hơi thoát nhanh ra ngoài. (http://dantri.com.vn)
Ông Lễ cho biết “Vì làm thêm lớp thông gió, sơn ở lớp xốp và khóa cài tấm vải lót để tháo ra vệ sinh dễ dàng nên chi phí sản xuất mũ bảo hiểm thông gió tăng thêm 20 - 30% so với mũ thông thường trên thị trường. Tổng chi phí sản xuất vào khoảng 190 ngàn/ chiếc. Ngoài những tiêu chuẩn về độ an toàn của những chiếc mũ bảo hiểm thông thường, mũ bảo hiểm thông gió có những tính năng mới, tạo ra cảm giác thoải mái, dễ chịu cho người sử dụng, đặc biệt là trong thời tiết nóng ẩm vào mùa hè”
Giải pháp này có tính ứng dụng trong thực tiễn cao tại một số nước có số lượng xe máy nhiều nhất trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Hiện tại, ông đang thực hiện thủ tục thẩm định đơn sáng chế mũ bảo hiểm thông gió gửi đến Cục Sở hữu trí tuệ nhằm tránh tình trạng sản xuất hàng giả, hàng nhái khi đưa ra sản xuất trong thời gian tới.
Thảo Nguyên (tổng hợp)