Phong trào thi đua: Doanh nghiệp Bình Dương hội nhập và phát triển (21/12/2017)
Hội nhập kinh tế quốc tế là một chủ trương nhất quán và là nội dung trọng tâm trong chính sách đối ngoại và hợp tác kinh tế quốc tế của Việt Nam trong quá trình đổi mới đất nước. Thực hiện theo su thế chung của cả nước, Bình Dương đã từng bước, chủ động hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và thế giới. Phong trào thi đua “Doanh nghiệp Bình Dương hội nhập và phát triển” được triển khai trên địa bàn tỉnh nhằm kịp thời tôn vinh các doanh nghiệp, doanh nhân trên địa bàn có những cách làm sáng tạo, sáng kiến trong sản xuất, kinh doanh.
Phong trào được triển khai sâu rộng trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương với những nội dung thi đua về đổi mới quản lý, quản trị doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả hoạt động, sức cạnh tranh của doanh nghiệp, tăng doanh thu, lợi nhuận; đẩy mạnh cơ cấu lại, cổ phần hóa, sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước theo tiến độ, kế hoạch đề ra; cải tiến khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất lao động, áp dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ thông tin vào hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần thực hiện tái cấu trúc và định hướng phát triển nền kinh tế theo hướng kinh tế tri thức, tạo giá trị tăng cao, phù hợp với yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư hiện nay. Để thực hiện Kế hoạch này, các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các doanh nghiệp đóng trên địa bàn cũng đã xây dựng các Kế hoạch cụ thể để triển khai tại đơn vị mình.
Trong những năm vừa qua, Bình Dương đã thực hiện chính sách mời gọi đầu tư và đạt được một số thành tựu đáng kể về phát triển kinh tế - xã hội như: Mở rộng thị trường khẩu khẩu hàng hóa, thu hút đầu tư nước ngoài, cải cách hành chính, phát triển nguồn nhân lực, phát triển cơ sở hạ tầng, an sinh xã hội, .... Trong đó, Bình Dương cũng chú trọng công tác thông tin tuyên truyền và phát triển và hội nhập thông qua việc tổ chức các lớp tập huấn, các hội nghị, hội thảo, hội chợ, triển lãm, các chuyên mục trên báo, đài phát thanh truyền hình địa phương và trang thông tin điện tử của các Sở, ban, ngành, địa phương để nâng cao nhận thức của cán bộ, công nhân viên chức, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, các tầng lớp nhân dân qua những thuận lợi và khó khăn, thách thức trong quá trình hội nhập.
Trong năm 2016, Bình Dương đã thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài được 1 tỷ 982 triệu USD, gồm 231 dự án mới và 116 dự án điều chỉnh vốn tăng thêm. Lũy kế đến nay Bình Dương đã có 2.818 dự án đầu tư nước ngoài với tổng số vốn đầu tư đăng ký 25.632 triệu USD và 25.170 doanh nghiệp trong nước đăng ký kinh doanh, với tổng vốn đăng ký 187.117 tỷ đồng. Với 28 khu công nghiệp và 10 cụm công nghiệp (tỷ lệ lấp đầy từ 62% - 69,5%) chiếm trên 11.000 ha, được trang bị hệ thống xử lý chất hiện đại; hệ thống hạ tầng giao thông vận tải hàng hóa... Bình Dương đã tạo điều kiện hết sức thuận lợi cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước yên tâm đầu tư và phát triển lâu dài. Bên cạnh đó, với vị trí địa lý thuận lợi, đã tạo điều kiện cho ngành dịch vụ logistics phát triển mạnh mẽ với các loại hình dịch vụ đa dạng và hiện đại từ vận chuyển hàng hóa đường bộ, đường sông, đường sắt, giao nhận hàng hóa, lưu kho lưu bãi đến phân phối hàng hóa đến tay người sản xuất/tiêu dùng cơ bản đáp ứng được nhu cầu về dịch vụ logistics của các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu trong và ngoài tỉnh.
Hồng Phước