Biến đổi khí hậu ở Việt Nam: Định hướng giảm nhẹ (21/12/2017)
Biến đổi khí hậu tác động lên tất cả các thành phần môi trường tự nhiên, xã hội và sức khỏe con người trên quy mô toàn cầu và mức độ khác nhau: Nghiêm trọng ở các vùng có vĩ độ cao (ít hơn tại các vùng khác), đáng kể ở các nước nhiệt đới, đặc biệt là các nước đang phát triển ở Châu Á. Trong đó, những người nghèo, những người ít góp phần gây ra biến đổi khí hậu lại gánh chịu thiệt hại sớm nhất và nghiêm trọng nhất do biến đổi khí hậu.
Việt Nam nằm trong vùng Châu Á - Thái Bình Dương, một trong 5 “ổ bão” của thế giới. Biến đổi khí hậu đã tác động lên tất cả vùng miền, các lĩnh vực về tài nguyên, môi trường và kinh tế xã hội. Trong đó, tài nguyên nước, nông nghiệp, y tế - sức khỏe và vùng ven biển sẽ chịu tác động mạnh mẽ nhất.
Với quan điểm bảo vệ môi trường là yêu cầu sống còn của nhân loại. Chiến lược bảo vệ môi trường là bộ phận cấu thành không tách rời của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, Chiến lược phát triển bền vững…, Chính phủ đã ban hành Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020 tầm nhìn đến 2030 vào năm 2012. Trong đó công tác xây dựng năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ phát thải khí nhà kín được đề cấp đến như sau:
Nâng cao nhận thức, hiểu biết, kiến thức về biến đổi khí hậu, thích nghi, sống chung với biến đổi khí hậu trong nhân dân: Điều tra, tổng kết các mô hình, kinh nghiệm tốt về phòng, chống, ứng phó với thiên tai, bổ sung hoàn thiện cho phù hợp với bối cảnh biến đổi khí hậu để phổ biến, nhân rộng; thường xuyên tổ chức các cuộc thi tìm hiểu, sáng tác phim, ảnh... về biến đổi khí hậu, đưa nội dung biến đổi khí hậu vào chương trình sinh hoạt của các tổ chức, cộng đồng, đoàn thể; tổ chức định kỳ diễn tập ứng phó với thiên tai trong bối cảnh biến đổi khí hậu theo các nhóm đối tượng, theo vùng miền. Điều 46 Luật Bảo vệ môi trường cũng quy định: Cộng đồng có quyền được cung cấp và yêu cầu cung cấp thông tin về biến đổi khí hậu, trừ các thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước; có trách nhiệm tham gia các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu.
Lồng ghép nhiệm vụ ứng phó với biến đổi khí hậu trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển; nâng khả năng chống chịu, thích nghi của các hệ sinh thái, các công trình bảo vệ môi trường trước tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng: Tiếp tục cập nhật các nghiên cứu, thành quả khoa học và công nghệ, phát hiện, nhận thức mới về biến đổi khí hậu để cập nhật các kịch bản về biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Trong Điều 47 Luật Bảo vệ môi trường cũng quy rõ về phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ ứng phó với biến đổi khí hậu;
Nghiên cứu, xây dựng phương pháp, quy trình lồng ghép biến đổi khí hậu trong chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án đầu tư phát triển; rà soát, điều chỉnh chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngành, lĩnh vực cho phù hợp với kịch bản biến đổi khí hậu. Công tác này cũng được quy định tại Điều 40 Luật Bảo vệ môi trường;
Nghiên cứu, tính toán đến tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng khi xây dựng các công trình tiêu, thoát nước, xử lý nước thải tập trung, các bãi chôn lấp rác thải, đặc biệt là vùng ven biển và trong quy hoạch, thành lập các khu bảo tồn thiên nhiên; xây dựng thử nghiệm, nhân rộng các mô hình thích nghi, sống chung với biến đổi khí hậu.
Góp phần giảm nhẹ phát thải khí nhà kính: Thúc đẩy sử dụng năng lượng hiệu quả trong xây dựng, giao thông, chiếu sáng, thiết bị điện, sản xuất, dịch vụ; khuyến khích đầu tư thu hồi năng lượng, nhiệt trong sản xuất, tiêu dùng để tái sử dụng; ban hành các cơ chế, chính sách đầu tư, khuyến khích, hỗ trợ các thành phần kinh tế đầu tư nghiên cứu, khai thác năng lượng gió, mặt trời, địa nhiệt, sinh học, sinh khối; sản xuất điện từ khí sinh học, chất thải, các phụ phẩm nông nghiệp; phát triển mô hình thủy điện nhỏ phục vụ tiêu thụ năng lượng tại chỗ; nghiên cứu, áp dụng thử nghiệm và nhân rộng các mô hình phát triển cac-bon thấp trong phát triển kinh tế - xã hội, lĩnh vực, vùng và cộng đồng; nghiên cứu xu hướng dịch chuyển, các mô hình phát triển mới, những thay đổi trong cơ cấu kinh tế khu vực và toàn cầu để tranh thủ cơ hội và hạn chế các tác động bất lợi từ biến đổi khí hậu lên môi trường nước ta. Trong Luật Bảo vệ môi trường quy định tại Điều 41, 42, 45 và 48.
Ứng phó với biến đổi khí hậu là nhiệm vụ của toàn xã hội. Do vậy, tùy theo chức năng của mình, các tổ chức xã hội cần chủ động tham gia các hoạt động ứng phó với biến đối khí hậu, đặc biệt là lĩnh vực thông tin - giáo dục - truyền thông, hỗ trợ và huy động cộng đồng tích cực tham gia xây dựng, vận hành và quản lý các công trình ứng phó với biến đổi khí hậu, nhân rộng và phổ biến kinh nghiệm các mô hình ứng phó với biến đổi khí hậu…
Một số chương trình nhằm giảm nhẹ biến đổi khí hậu như: Thị trường carbon, cơ chế phát triển sạch, giảm phát thải từ mất rừng và suy thoái rừng. Giảm nhẹ biến đổi khí hậu trong một số lĩnh vực như: Năng lượng, nông nghiệp, chất thải.
Nguyên An