Thị trường khoa học và công nghệ Việt Nam: Khó khăn, thách thức và giải pháp (21/12/2017)
Thị trường khoa học và công nghệ là một bộ phận cấu thành của thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, có vai trò then chốt trong việc tạo môi trường thúc đẩy hoạt động sáng tạo, đổi mới công nghệ; nâng cao năng lực khoa học và công nghệ quốc gia phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đây là một trong những quan điểm thể hiện trong Chương trình phát triển thị trường khoa học và công nghệ đến năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ.
Thông qua Chương trình phát triển khoa học và công nghệ, nhiều công nghệ trong các lĩnh vực được hỗ trợ thương mại, góp phần thúc đẩy hoạt động nghiên cứu và triển khai cũng như gia tăng nguồn cung cho thị trường. Mạng lưới các tổ chức trung gian tư vấn, đánh giá, môi giới chuyển giao công nghệ được hình thành và phát triển mạnh, hành lang pháp lý vận hành thị trường ngày càng hoàn thiện hơn liên quan đến định giá tài sản trí tuệ, phân chia lợi nhuận sau khi thương mại hóa, các tổ chức trung gian… Hệ thống bảo vệ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ của Việt Nam đã góp phần thúc đẩy sáng tạo, mở rộng thị trường trên toàn cầu.
Bên cạnh những thuận lợi, thị trường khoa học và công nghệ còn gặp nhiều khó khăn như: Việc ứng dụng, đổi mới công nghệ chưa trở thành nhu cầu bức thiết của các doanh nghiệp; mối liên kết giữa nghiên cứu với thị trường, giữa khoa học với doanh nghiệp còn yếu. Vai trò của các tổ chức trung gian, đặc biệt là các tổ chức có chức năng xúc tiến, định giá công nghệ chưa thể hiện được chức năng kết nối cung cầu, tư vấn chuyển giao công nghệ. Hành lang pháp ký cho đầu tư mạo hiểm vào các doanh nghiệp khởi nghiệp còn hạn chế.
Đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ tuy có phát triển về số lượng nhưng chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu. Trình độ khoa học và công nghệ quốc gia nhìn chung còn tụt hậu so với thế giới, kể cả với một số nước nhóm đầu trong khu vực Đông Nam Á. Doanh nghiệp Việt Nam hiện vẫn tập trung khai thác những cơ hội trước mắt, chưa có nhiều doanh nghiệp dựa vào đổi mới, sáng tạo để phát triển toàn diện.
Trước những khó khăn, thử thách, để phát triển thị trường khoa học và công nghệ nước ta hơn nữa, trước hết cần tập trung hoàn thiện các thể chế chính sách liên quan phát triển thị trường khoa học và công nghệ; thương mại hóa các kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ góp phần hình thành thị trường mua bán công nghệ; đào tạo đội ngũ tư vấn có chuyên môn cao về thương mại hóa công nghệ, tài sản trí tuệ; khuyến khích các tổ chức, cá nhân nghiên cứu khoa học và ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học; hỗ trợ đổi mới sáng tạo thông qua phương thức cung cấp dịch vụ công; hình thành các tổ chức đánh giá, thẩm định công nghệ, tư vấn lựa chọn công nghệ; thúc đẩy phát triển câu lạc bộ khởi nghiệp, khu ươm tạo công nghệ và ươm tạo doanh nghiệp.
Trần Phước (Nguồn: Tài liệu hội thảo “tổng quan và định hướng phát triển thị trường khoa học và công nghệ tỉnh Bình Dương đến năm 2025)