Đề án Đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2017-2020 (21/12/2017)
Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 3508/QĐ-UBND ngày 13/12/2017 về việc ban hành Đề án Đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017 - 2020. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
Đề án hướng đến mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thông qua đẩy mạnh các hoạt động khuyến khích, hỗ trợ phát triển; góp phần cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Theo đó, phấn đấu đến năm 2020 toàn tỉnh có ít nhất 50.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp đến năm 2020 tăng gấp 2 lần năm 2016; năng suất lao động tăng ít nhất 5,3%/năm; mỗi năm có ít nhất 03 doanh nghiệp đạt giải thưởng chất lượng quốc gia;…
Để hoàn thành mục tiêu đề án đặt ra, cần triển khai thực hiện 06 giải pháp sau:
- Giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm: Nâng cao chất lượng hàng hóa, sản phẩm; hỗ trợ kinh phí cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thực hiện đăng ký và bảo hộ, chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm và dịch vụ; tăng cường xây dựng thương hiệu sản phẩm xuất khẩu và thương hiệu doanh nghiệp; hỗ trợ đào tạo và huấn luyện chuyên sâu về xây dựng, phát triển sản phẩm;…
- Giải pháp nâng cao trình độ khoa học và công nghệ: Tích cực liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp khác, với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; nâng cao năng lực công nghệ của doanh nghiệp thông qua chương trình hỗ trợ nghiên cứu, phát triển công nghệ sản xuất các sản phẩm; xây dựng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp; ban hành cơ chế, chính sách quy định về phát triển các hoạt động nghiên cứu ứng dụng và triển khai ứng dụng khoa học - công nghệ; hỗ trợ tham gia cơ sở ươm tạo, khu làm việc chung;…
- Giải pháp về nguồn vốn: Rà soát, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn và có biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp; tăng cường nguồn lực cho ngân hàng, cải thiện khả năng tiếp cận tín dụng cho doanh nghiệp; tăng cường nguồn vốn ưu đãi…
- Giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực: Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, tập trung vào các khối kiến thức và kỹ năng; rà soát, lồng ghép các giải pháp tăng cường đầu tư và phát triển dạy nghề…
- Giải pháp về mặt bằng sản xuất: Xây dựng cơ chế ưu đãi, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp có bố trí quỹ đất phù hợp cho doanh nghiệp….
- Giải pháp tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi: Phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại; phát triển hệ thống thông tin thương mại thị trường, tăng cường công tác nghiên cứu, phân tích, dự báo thị trường hỗ trợ doanh nghiệp.
Ngọc Loan