Phương pháp phát triển đội ngũ giáo viên tiểu học (25/12/2017)
Trong hệ thống giáo dục quốc dân, bậc tiểu học là "Bậc học nền tảng", là nơi vận dụng và triển khai các hoạt động giáo dục theo định hướng chiến lược phát triển giáo dục của Đảng. Mục tiêu giáo dục tiểu học đã nêu rõ: “Giáo dục tiểu học nhằm giúp học sinh hình thành những cơ sở ban đầu cho sự phát triển đúng đắn và lâu dài về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ và các kỹ năng cơ bản để học sinh tiếp tục học trung học cơ sở”. Vì vậy, đội ngũ nhà giáo nói chung và đội ngũ giáo viên tiểu học nói riêng có vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Để phát triển đội ngũ giáo viên tiểu học, tác giả đưa ra ba phương pháp như sau:
- Phương pháp tâm lý - giáo dục
Phương pháp này bao gồm các cách thức tác động của chủ thể quản lý vào tư tưởng, tình cảm của con người trong tổ chức, nhằm nâng cao trách nhiệm, nhiệt tình của họ trong công việc, qua đó góp phần nâng cao chất lượng của đội ngũ. Nhà quản lý sử dụng các tác động tâm lý đến đối tượng quản lý thông qua đời sống tâm lý cá nhân của họ nhằm khai thác tiềm năng của con người, kích thích ý thức tự giác, sự say mê của con người để họ chủ động sáng tạo trong hoạt động của mình.
Trong phát triển đội ngũ, phương pháp này còn được sử dụng để thuyết phục, động viên các cá nhân khi cần thiết phải có sự thay đổi trong vị trí hoặc công việc. Trong trường hợp này, phương pháp đã tác động đến cơ cấu của đội ngũ. Nhiều trường hợp, phương pháp còn được sử dụng để tác động đến các cá nhân hoặc nhóm thành viên trong đội ngũ để tạo ra sự hòa hợp trong các yếu tố giữa các cá nhân và của cả đội ngũ.
Phương pháp tâm lý - giáo dục không có mục tiêu riêng mà nó nằm ngay trong các phương pháp khác với ý nghĩa nâng cao hiệu quả của các phương pháp khác và thu phục nhân tâm con người đó qua nâng cao hiệu quả quản lý. Phối hợp với các phương pháp khác, nhưng hướng chủ yếu là tác động vào tâm lý con người; vào lòng tự trọng, lương tâm nghề nghiệp của người lao động.
- Phương pháp hành chính
Phương pháp hành chính là phương pháp tác động dựa vào các mối quan hệ tổ chức, kỷ luật của tổ chức, là cách thức tác động trực tiếp của chủ thể quản lý lên tập thể những con người bằng các quyết định dứt khoát, mang tính bắt buộc, đòi hỏi mọi người trong hệ thống phải chấp nhận nghiêm ngặt, nếu vi phạm sẽ bị xử lý kịp thời, thích đáng.
Phương pháp hành chính có vai trò to lớn trong quản lý nhân sự, phát triển đội ngũ của tổ chức. Phương pháp này cho hiệu lực tức thì ngay từ khi ban hành quyết định. Hơn nữa, phương pháp hành chính buộc đối tượng bị tác động phải thực hiện một cách bắt buộc, không có sự lựa chọn. Điều này khiến cho phương pháp có ưu thế trong việc giải quyết những tình huống nảy sinh trong tổ chức một cách có hiệu quả. Tuy nhiên, sử dụng phương pháp này đòi hỏi chủ thể quản lý phải có quyết định dứt khoát, rõ ràng, dễ hiểu, có địa chỉ thực hiện và loại trừ khả năng có thể giải thích khác nhau đối với cùng một nhiệm vụ.
- Phương pháp kinh tế
Phương pháp kinh tế là các phương pháp tác động gián tiếp đến đối tượng quản lý thông qua các lợi ích kinh tế, để cho đối tượng quản lý tự lựa chọn phương án hoạt động hiệu quả nhất trong phạm vi hoạt động của họ.
Bản chất của phương pháp này là đặt mỗi cá nhân vào những điều kiện kinh tế để họ có khả năng kết hợp đúng đắn lợi ích của bản thân với lợi ích chung của tổ chức. Điều đó cho phép cá nhân lựa chọn con đường hiệu quả để thực hiện nhiệm vụ của mình. Phương pháp này tác động lên con người trong tổ chức không phải bằng cưỡng bức hành chính mà bằng lợi ích, tức là nêu mục tiêu nhiệm vụ phải đạt được, đưa ra những điều kiện khuyến khích về kinh tế. Do đó, phương pháp kinh tế chấp nhận có thể có những giải pháp kinh tế khác nhau cho cùng một vấn đề. Đồng thời khi sử dụng phương pháp này, chủ thể quản lý phải biết tạo ra những tình huống, những điều kiện để lợi ích cá nhân và từng nhóm phù hợp với lợi ích của cả tổ chức.
Trần Phước (Nguồn: Nguyễn Tấn Anh, Phát triển đội ngũ giáo viên tiểu học ở huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương)