Hệ thống hỗ trợ người đi xe buýt (21/03/2018)
Hiện nay, hệ thống vận hành xe buýt nói chung còn nhiều bất cập như: Mạng lưới tuyến chưa đa dạng, phương tiện xuống cấp, hệ thống điều hành, quản lý còn nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, việc gia tăng mật độ giao thông, khiến thời gian hành trình dài hơn, người dân khó chọn tìm kiếm tuyến xe và chờ xe cũng là nguyên nhân khiến người dân chưa chọn xe buýt là phương tiện chính. Đây cũng chính là những lý do giúp Lê Minh, học sinh lớp 9A2, Trường Trung học cơ sở Phú Mỹ (thành phố Thủ Dầu Một) có ý tưởng thực hiện dự án Hệ thống hỗ trợ người đi xe buýt. Dự án này cũng đã giành được giải khuyến khích, cuộc thi Khoa học kỹ thuật khối học sinh phổ thông trung học và trung học cơ sở năm 2017 tại Bình Dương.
Chia sẻ thêm về lý do chọn đề tài, Lê Minh cho biết thêm: Nhà em ở gần đường, hàng ngày chứng kiến các bạn học sinh và các anh chị công nhân tràn ra đường để đón xe buýt. Từ đó, em có ý nghĩ tạo ra hệ thống tương tác giữa hành khách tại trạm và tài xế lái xe buýt. Để thực hiện ý tưởng này, em đã khảo sát nhiều hành khách và được rất nhiều anh chị, cô chú chia sẻ những khó khăn tại trạm chờ, như không biết xe đến hay chưa, thời gian xe đến... Những người nhỏ con thì bị che khuất tầm nhìn, hay mắt kém, không biết xe đến để ra đón. Ngược lại các bác tài xế cũng không biết trạm của mình sắp tới ghé có khách hay không vì mỗi lần ghé vào không có khách sẽ mất công và gây cản trở cho các phương tiện khác đang lưu thông. Thậm chí ghé nhiều trạm mà không có khách, dễ gây ra sự khó chịu cho các hành khách khác đang ngồi trên xe. Những suy nghĩ đó đã thôi thúc em nghiên cứu, tìm hiểu các mô hình giao thông minh trên thế giới hiện nay. Từ đó, vận dụng những công cụ và kiến thức đã học để biến ý tưởng thành hiện thực.
Hệ thống hỗ trợ người đi xe buýt của Lê Minh bao gồm: Một hộp chủ đặt tại trạm xe buýt, các nút nhấn, đèn báo sáng; thiết bị nhận và phát sóng radio đặt trên xe buýt. Khi xe đi vào vùng phủ sóng sẽ phát tín hiệu trên đèn gồm cả âm thanh và ánh sáng, giúp người chờ dễ dàng biết được xe buýt đi tuyến nào sắp đến. Tương tự, tài xế trên xe cũng sẽ biết trạm sắp tới có khách hay không nhờ hệ thống nhận phát tín hiệu qua radio. Ưu điểm của hệ thống là tất cả những hành khách ở các độ tuổi, người khiếm thính, khiếm thị đều có thể nhận biết tín hiệu qua âm thanh và ánh sáng đèn báo.
Nguyên lý hoạt động của hệ thống dựa vào hệ thống sóng vô tuyến RF, mỗi xe và trạm chờ đều sử dụng tần số khác nhau. Khi xe đến nó sẽ tương ứng với tần số của trạm nên không bị nhiễu sóng. Bán kính hoạt động của hệ thống là 200m, có thể xuyên tường và các vật liệu khác.Ví dụ: Khi xe buýt số 1 đi vào vùng phủ sóng của trạm, đèn báo số 1 sẽ sáng lên, hành khách đứng chờ tại trạm sẽ bấm vào nút số 1; trong bán kính 200m, tài xế xe số 1 sẽ nhận được tín hiệu báo và sẽ ghé đón khách. Các xe khác cũng hoạt động tương tự. Khi xe đi qua trạm, tín hiệu sẽ tự động tắt. Trường hợp, xe đi vào vùng phủ sóng mà không có tín hiệu, có nghĩa là trạm đó không có hành khách. Hệ thống tích hợp thêm tính năng nữa là khi xe số 1 hoặc số hai đang đến thì đèn cũng sẽ báo xe nào đang đến bằng cả giọng nói để giúp cả người khiếm thị cũng có thể biết được xe mình cần đi.
Theo cô Huỳnh Thị Thanh Tâm - giáo viên hướng dẫn của em Minh: Dự án khả thi vì mang tính ứng dụng thực tiễn cao, chi phí lắp đặt thấp khoảng 300.000đồng/bộ thiết bị điều khiển. Để hệ thống vận hành hiệu quả, sắp tới cô trò sẽ hoàn thiện thêm một số tính năng, phù hợp với tình hình thực tế, đặc thù của Bình Dương.
Hiện nay, thành phố Hồ Chí Minh đã và đang thí điểm hệ thống bằng tín hiệu điện tử báo giờ, hành trình cụ thể của từng xe buýt tại các trạm chính để hành khách tiện theo dõi. Hệ thống bảng điện tử giúp người chờ biết được hành trình xe buýt nhưng tài xế sẽ không biết được trạm sắp tới có khách hay không. So với hệ thống bảng điện tử mà thành phố Hồ Chí Min đang ứng dụng thì mô hình hỗ trợ xe buýt của Lê Minh có ưu điểm hơn nhờ hệ thống radio nhận tín hiệu, giúp tài xế chủ động dừng xe hay đi tiếp. Hy vọng, thời gian tới hệ thống này sẽ hoàn thiện hơn và đi vào ứng dụng trong thực tiễn.
Thu Huyền