Tìm hiểu về công dụng của trà (21/03/2018)
Trong tâm thức của người Việt, trà là thức uống quen thuộc đã đi vào thơ ca và mang ý nghĩa triết lý tâm linh sâu sắc. Truyền thống văn hóa Việt coi việc uống trà là một ứng xử văn hóa quan trọng, biểu hiện sự hiếu lễ, mến khách. Không chỉ vậy, trà còn được coi là thức uống có giá trị liệu pháp, cải thiện tâm trí, nâng cao sức khỏe. Ngày nay, nhịp sống hiện đại, dẫu xuất hiện thêm nhiều thức uống công nghiệp, cũng như các loại trà thảo dược khác nhưng trà truyền thống vẫn được xem là quốc hồn, quốc túy của người dân Việt.
Tại một số hội thảo về các sản phẩm có nguồn gốc thiên nhiên, trà được đánh giá là thức uống tự nhiên và tốt nhất trong các loại cây thảo dược. Có thể xem đây là dược liệu quý được thiên nhiên ban tặng cho con người. Theo tài liệu, truyền thuyết trà có nguồn gốc từ Trung Hoa cổ đại. “Người Trung Hoa cổ đại là một trong số dân tộc đầu tiên biết đến cây trà với tư cách là dược liệu. Họ hái lá trà, dùng ở trạng thái tươi, còn thừa, phơi khô dùng dần, hàng ngày nấu nước uống, thậm chí nấu nước để tắm, cảm thấy khỏe mạnh, da trơn nhẵn, không còn mụn nhọt. Từ đó, mọi người làm theo và truyền nhau từ đời này sang đời khác, dần dần lá trà trở thành đồ uống”.
Ở Việt Nam, cây trà được coi là cây bản địa, dấu tích của lá và cây trà hóa thạch ở tỉnh Phú Thọ cho thấy, cây trà có từ thời kỳ đồ đá. Tuy nhiên, đến nay, vẫn chưa có tài liệu nào khẳng định về nguồn gốc khởi sinh của văn hóa trà Việt. Theo cuốn biên khảo “Trà Thư” của tác giả Đức Chính, văn hóa trà khởi nguồn từ nước Đại Lý, lãnh thổ bao gồm tỉnh Vân Nam, Quý Châu, Tứ Xuyên (Trung Quốc) và một phần vùng thượng du miền Bắc Việt Nam. Vì vậy, có thể tục uống trà của người Việt bắt đầu khi có sự giao lưu giữa người Việt với các dân tộc thuộc nước Đại lý xưa kia.
Khác với cách pha trà và thưởng trà phức tạp của văn hóa trà Trung Quốc, hay sự cầu kỳ, tinh tế của Nhật Bản; trà Việt truyền thống hướng đến sự tự nhiên, giản dị, mà thanh tịnh. Tùy vào từng loại trà mà cách sao tẩm, pha trà, thưởng trà có chút khác nhau. Tuy nhiên, về cơ bản thì vẫn trải qua các bước: Cho lượng trà khô vào ấm, rót nước đã đun sôi, chắt bỏ nước đầu gọi là tráng trà, sau đó mới rót nước lần 02 gọi là hãm trà với thời gian 30 - 40 giây là có thể uống.
Không chỉ coi là thú vui tao nhã mỗi khi muốn đối ẩm cùng bạn bè, người thân,.. trà Việt còn trở thành thức uống quen thuộc với đa số người dân, bởi sự quan niệm rất đơn giản và thực tế. Đặc biệt, với những gia đình người Bắc hoặc miền Trung, sau mỗi bữa cơm gia đình bao giờ cũng phải có ấm trà khô hoặc trà tươi - còn gọi là chè xanh. Người uống quan niệm, sau bữa ăn, uống trà là để vệ sinh răng miệng và giúp cơ thể tiêu hóa tốt. Bà Nguyễn Thị Hướng - phường Phú Lợi, thành phố Thủ Dầu Một đã chia sẻ thói quen uống trà như vậy.
Theo bác sĩ Trần Thị Kiều Nga - Bệnh viện Y học cổ truyền Bình Dương: Trong lá trà tươi có 20% chất Tanin. Đây là loại chất có tác dụng làm săn da và sát khuẩn mạnh. Ngoài ra, trong trà còn có chất Caffein (chiếm từ 1,5 - 5%) - là một chất không hề thay đổi khi chế biến trà. Các chất quan trọng khác trong lá trà nữa là Polyphenols, Catechin, Vitamins (tiền sinh tố A, B1, B2, B5, P,C,…), Theanine, Flavonoid, tinh dầu, các Axit, Kali, Cl,… Nhờ có chất Polyphennols và Catechin mà trà được coi là chất chống oxy hóa hữu hiệu; giúp tăng cường hệ thống miễn dịch, chống nhiễm trùng. Uống trà giúp tăng cường sức đề kháng, chống rối loạn tiêu hóa, lợi tiểu, giảm căng thẳng. Bên cạnh đó, việc uống trà cũng giúp gia tăng lọc cầu thận, giảm calo, tan mỡ - giảm cân. Do chất Caffein cùng các Vitamin có trong trà giúp nâng cao sự tiết dịch của dạ dày, tăng cường trao đổi chất - đồng nghĩa với việc đốt cháy năng lượng dư thừa. Có rất nhiều tư liệu trên thế giới đã chứng minh trà có tác dụng chống lão hóa hữu hiệu. Chất Tanin trong trà còn giúp làm lành các vết thương, sát khuẩn. Tuy nhiên, trà chỉ phát huy tác dụng nếu biết uống đúng cách. Ví dụ, uống 01 tách nhỏ vào buổi sáng khi thức dậy để làm tinh thần sảng khoái. Sau khi ăn nhiều dầu mỡ, ăn mặn cũng nên uống trà. Với người hay ra nhiều mồ hôi, hay làm việc trong môi trường nhiều bức xạ như: máy tính, máy Photocopy, kỹ thuật X - Quang… cũng nên uống nhiều trà. Ngoài ra, những người bị tiểu đường cũng nên thường xuyên uống trà, đặc biệt là trà xanh. Mỗi ngày uống từ 03 đến 06 tách trà (tương đương 6gr trà). Trong một số trường hợp cũng nên cẩn trọng khi uống trà. Đó là trẻ nhỏ, người bị táo bón, viêm loét dạ dày, tá tràng, bị thiếu máu, thiếu sắt, đang sốt, khó ngủ, rối loạn thần kinh thực vật, tim đập nhanh, phụ nữ có thai, đang cho con bú... Vì trong trà có chất gây kết tủa sắt và kẽm, gây khó khăn cho việc hấp thu và trao đổi chất. Ngoài ra, không nên uống trà đã pha đi pha lại nhiều lần vì trà đã bị oxi hóa, nhiễm khuẩn, không tốt cho sức khỏe.
Ngày nay, trong nhịp sống công nghiệp hối hả, con người đề cao tính tiện lợi, thức uống công nghiệp, đặc biệt là ở giới trẻ. Số lượng các loại trà trở nên phong phú hơn và các nghi thức thưởng trà cũng có phần đơn giản hơn. Dẫu vậy, uống trà có vẫn là một nét văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam. Ngoài những công dụng về sức khỏe như một dược liệu thì trà còn mang nét văn hóa ứng xử của người Việt - là sự kết nối tình thân, gắn kết bạn bè và cũng là sứ giả cho các mối quan hệ, giao thương. Ở phương diện văn hóa, trà việt không chỉ thể hiện trong mỗi độ tết đến xuân về mà còn trở thành phong tục tập quán, một thú vui thanh tao của người Việt trong đời sống hàng ngày.
Vài năm trở lại đây, nhiều Câu lạc bộ trà đạo do các bạn trẻ khởi xướng được thành lập đã tạo điều kiện cho giới trẻ quan tâm, tìm hiểu. Từ đó, cho thấy sức hút của trà, cũng như nghệ thuật pha trà, thưởng trà, triết lý nhân sinh trong trà đạo. Đặc biệt, khi con người ngày càng hướng tới thực phẩm thiên nhiên và thảo dược, thì trà đang và sẽ là thức uống mang lại nhiều giá trị cả về văn hóa, ẩm thực, giao thương và kinh tế cho người dân Việt Nam.
Thu Huyền