Bình Dương: Phê duyệt kế hoạch thực hiện Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn năm 2018 (29/03/2018)
Nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu học nghề của người lao động nông thôn, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 537/QĐ-UBND ngày 06/3/2018 về việc phê duyệt kế hoạch thực hiện Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Bình Dương năm 2018.
Kế hoạch này hướng đến việc nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề, nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn; góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Năm 2018 tổ chức đào tạo nghề cho 1.547 người, trong đó có 970 người thuộc nhóm nghề phi nông nghiệp và 577 người nhóm nghề nông nghiệp.
Đối tượng áp dụng gồm: Phụ nữ, lao động nông thôn, người khuyết tật tham gia học các chương trình đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng. Trong đó, ưu tiên người khuyết tật và các đối tượng thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người thuộc hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp, đất kinh doanh, lao động nữ bị mất việc làm, ngư dân; các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan.
Theo đó, tập trung đào tạo một số ngành nghề như: May công nghiệp; may gia dụng; thiết kế, tạo mẫu tóc; lái xe nâng hàng; nấu ăn, đãi tiệc; cắm hoa; trang điểm; trồng và nhân giống nấm; tạo dáng và chăm sóc cây cảnh; trồng, chăm sóc và khai thác mủ cao su; chăn nuôi thú y; trồng bưởi theo công nghệ VietGap; trồng rau an toàn.
Trồng bưởi theo công nghệ VietGap
Để đạt được mục tiêu đề ra, cần tiến hành tổ chức tập huấn, tuyên truyền, tư vấn, học nghề và việc làm sâu rộng trong quần chúng nhân dân, triển khai đến các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp về chủ trương, chính sách, cách thức thực hiện và lợi ích của việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Đồng thời, đối với các huyện, thị xã, thành phố cần tiến hành tổ chức khảo sát nhu cầu học nghề của người lao động nông thôn tại địa phương; tăng cường công tác quản lý lao động trên địa bàn; huy động các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh và doanh nghiệp có tham gia đào tạo nghề phối hợp, hỗ trợ thiết bị đào tạo nghề, phương tiện, giáo viên giảng dạy phục vụ các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn có hiệu quả… và thường xuyên tiến hành kiểm tra, giám sát việc thực hiện Đề án trên địa bàn tỉnh.
Tiến Phúc