Nông nghiệp công nghệ cao: Xu thế phát triển (04/04/2018)
Nông nghiệp công nghệ cao sản xuất ra những sản phẩm với quy mô lớn đạt tiêu chí về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như: Tiêu chí kỹ thuật là có trình độ công nghệ tiên tiến để tạo ra những sản phẩm có năng suất tăng ít nhất 30% và chất lượng vượt trội so với công nghệ đang sử dụng; tiêu chí kinh tế là sản phẩm do ứng dụng công nghệ cao có hiệu quả kinh tế cao hơn ít nhất 30% so với các công nghệ đang xử dụng và ngoài ra còn có tiêu chí xã hội, môi trường khác đi kèm.
Ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp sẽ tạo ra một lượng sản phẩm lớn, năng suất cao, chất lượng tốt và đặc biệt là thân thiện với môi trường; giúp cho nông dân chủ động trong sản xuất, giảm sự lệ thuộc vào thời tiết và khí hậu do đó quy mô được mở rộng; làm giảm giá thành sản phẩm, đa dạng hóa thương hiệu và cạnh tranh tốt hơn trên thị trường. Hạn chế được tài nguyên đất, nước do tính ưu việt của các công nghệ này như công nghệ sinh học, công nghệ gen, công nghệ sản xuất phân hữu cơ và tự động hóa trong sản xuất.
Những công nghệ cao điển hình trong canh tác cây trồng như: Lai tạo giống; nuôi cấy mô thực vật In vitro; trồng cây trong nhà kính; trồng cây trong dung dịch (thủy canh), khí canh và trên giá thể; tưới nhỏ giọt…; trong chăn nuôi và thủy sản thì đưa các giống vật nuôi qua thụ tinh nhân tạo và truyền cấy phôi vào sản xuất; sử dụng các giống cá qua biến đổi bộ nhiễm sắt thể và chuyển đổi giới tính ở các; hỗ trợ dinh dưỡng vật nuôi; công nghệ trong chẩn đoán bệnh và dịch tễ.
Một số công nghệ cao nổi bật làm thay đổi nền nông nghiệp trên thế giới như: Nông nghiệp siêu chính xác; công nghệ lốp High-flex tires, với công nghệ này lốp có thể với áp suất không khí thấp hơn từ 20%-40% so với lốp có bố tỏa tròn tiêu chuẩn, tạo ra vết bánh xe dài hơn; công nghệ BUS; công nghệ FRID; động cơ SCR/EGR; hệ thống sản xuất điện; các chế phẩm sinh học; viễn thông và công nghệ thông tin; giao thông được kiểm soát; những bộ cảm biến đất và cây trồng; đặc tính chịu hạn; sản xuất ethanol hiệu quả cao; công nghệ nhiễm sắt thể mini; máy trút hạt tự động; tự động hóa phổ biến; xe tự lái; mạng Internet và máy tính di động.
Tiềm năng phát triển nông nghiệp ở Việt Nam hiện nay là rất lớn. Nhiều khu nông nghiệp công nghệ cao được hình thành. Các khu này được hưởng các chính sách ưu đãi về các loại thuế, các dịch vụ chất lượng cao và thu phí thấp để thu hút các nhà đầu tư đến xây dựng các cơ sở sản xuất, thực hiện các khâu trình diễn công nghệ, sản xuất các sản phẩm mới, tổ chức tập huấn và chuyển giao công nghệ cho người sản xuất địa phương.
Tại Bình Dương, nhiều chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao đã được ban hành, điển hình năm 2012, tỉnh đã ban hành quy định về những giải pháp chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp theo hướng nôn nghiệp đô thị - nông nghiệp kỹ thuật cao - nông nghiệp sinh thái gắn với công nghiệp chế biến trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2012 - 2015 tại Quyết định số 46. Theo đó, nguồn vốn vay ưu đãi phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp của Bình Dương được hình thành, với hạn mức cho vay từ 50 triệu đồng đến hơn 5 tỷ đồng, lãi suất tối đa bằng 60% mức trần lãi suất huy động tiết kiệm bằng tiền đồng Việt Nam kỳ hạn 12 tháng loại trả sau do Ngân hàng Nhà nước quy định.
Năm 2015, Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Dương đã ban hành Nghị quyết số 43/2015/NQ-HĐND8 về chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị - nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Bình Dương giai đoạn 2016-2020. Theo đó, lãi suất vay ưu đãi bằng 70% lãi suất cho vay tối thiểu của Quỹ Đầu tư Phát triển tỉnh Bình Dương tại từng thời điểm do Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định. Quy mô đầu tư của phương án từ 01 tỷ đồng trở xuống tối đa bằng 90% giá trị đầu tư của phương án, trên 01 tỷ đồng tối đa bằng 80%.
Năm 2016, tỉnh ban hành quy định về chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị - nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Bình Dương giai đoạn 2016 - 2020 tại Quyết định số 04. Theo đó, các chủ đầu tư đầu tư xây dựng cơ bản, mua máy móc thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp; sản xuất tiểu, thủ công nghiệp ở nông thôn sử dụng nguyên vật liệu từ nông nghiệp; sơ chế, bảo quản và chế biến sản phẩm nông nghiệp; xây dựng vùng nguyên liệu; đầu tư sản xuất giống cây trồng, vật nuôi chất lượng cao; đầu tư mua giống, vật tư, nhiên liệu; ký kết hợp đồng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp: Lãi suất vay ưu đãi bằng 70% lãi suất cho vay tối thiểu của Quỹ Đầu tư Phát triển tỉnh Bình Dương tại từng thời điểm do Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định (tối đa bằng 90% giá trị đầu tư của phương án nếu quy mô đầu tư của Phương án từ một tỷ đồng trở xuống, tối đa bằng 80% nếu quy mô đầu tư của Phương án trên một tỷ đồng.
Tính đến nay, Bình Dương đã quy hoạch và triển khai xây dựng 4 Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích 980 hecta. Trong đó, lĩnh vực trồng trọt 1 khu và 3 khu chăn nuôi đang hoạt động hiệu quả, tạo ra nhiều cơ hội cho bà con nông dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, nâng cao chất lượng để tham gia thị trường xuất khẩu. Khu nông nghiệp công nghệ cao An Thái - huyện Phú Giáo - tỉnh Bình Dương, thành viên của tập đoàn U&I, là đơn vị sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh. Trong những năm qua, sản phẩm nông nghiệp nghiệp của Khu nông nghiệp công nghệ cao An Thái đã xuất khẩu đi sang các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc…; khu nông nghiệp công nghệ cao Tiến Hùng - xã Hiếu Liêm, huyện Bắc Tân Uyên với quy mô 78,5ha; khu nông nghiệp công nghệ cao tại xã Tân Hiệp và Phước Sang, huyện Phú Giáo, quy mô gần 472 ha do Công ty cổ phần Đường Bình Dương làm chủ đầu tư đang triển khai trên diện rộng. Tại xã Vĩnh Tân - thị xã Tân Uyên cũng có nông nghiệp công nghệ cao quy mô 17,6ha do Công ty TNHH Ba Huân đầu tư đã thực hiện 100%. Những sản phẩm của các khu nông nghiệp này được tiêu thụ chủ yếu trong hệ thống siêu thị và xuất khẩu.
Ngoài các khu nông nghiệp công nghệ cao, toàn tỉnh còn có vùng chăn nuôi tập trung kỹ thuật cao, với tổng đàn gia súc hơn 380.000 con, tổng đàn gia cầm hơn 3,2 triệu con... Nông nghiệp công nghệ cao đã làm thay đổi diện mạo nền nông nghiệp của tỉnh. Thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng tăng giá trị và phát triển bền vững, ngành nông nghiệp Bình Dương chú trọng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và đầu tư trên qui mô lớn, sản xuất nông nghiệp tập trung. Những kết quả đạt được trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao đang tiếp tục tạo đòn bẩy cho quá trình gia tăng giá trị ngành nông nghiệp của tỉnh.
Thu Huyền