Nhồi máu não và vấn đề hồi phục sau nhồi máu não (10/04/2018)
Nhồi máu não là tình trạng não đột ngột bị tổn thương cục bộ do nguyên nhân mạch máu não bị tắc nghẽn và /hoặc giảm lưu lượng do cơ chế huyết động, gây ra triệu chứng thần kinh khu trú (đôi khi toàn thể, không do chấn thương).
Nguyên nhân do bệnh lý mạch máu lớn, phổ biến nhất là xơ vữa động mạch lớn, mảng xơ vữa làm hẹp động mạch, cùng với cục huyết khối hình thành trên mảng xơ có thể làm tắc mạch tại chỗ, gây lấp mạch đoạn xa, hoặc làm giảm lưu lượng máu vùng xa; do bệnh lý mạch máu nhỏ, liên quan đặc biệt đến tăng huyết áp; do lấp mạch từ Tim, các bệnh Tim làm tăng nguy cơ hình thành cục huyết khối trong buồng Tim, là nguồn cung cấp vật liệu gây lấp mạch não. Bệnh lý thường gặp nhất gây lấp mạch não là rung nhĩ, đơn thuần hoặc kết hợp với bệnh van Tim, chủ yếu là hẹp van 2 lá; do bệnh lý huyết học, chiếm tỉ lệ thấp: các bệnh lý tăng số lượng tế bào máu như đa hồng cầu, tăng tiểu cầu, bệnh bạch cầu, và các trạng thái tăng đông di truyền hoặc mắc phải.
Sau nhồi máu não có các biểu hiện rõ rệt là suy giảm vận động: thông thường nhất là liệt nửa người, mất ý chí, mất định hướng cơ thể, rối loạn cảm giác sờ, mất nhận thức về thị thính và xúc giác, mất ngôn ngữ…; di chứng vận động: tổn thương thân não, tổn thương bao trong, tổn thương vỏ não, dưới võ…;
Trong xử lý nhồi máu não hay còn gọi là đột quỵ, có khái niệm được đưa ra là “cửa sổ điều trị”. Khả năng và thời gian có thể phục hồi của tế bào não phụ thuộc vào quá trình tiến triển của đột quỵ, kết hợp với các đặc tính tuần hoàn bàng hệ và các yếu tố toàn thân, vì thế mỗi bệnh nhân có vùng tranh tối tranh sáng với đặc tính riêng và thời gian cửa sổ điều trị riêng. Cửa sổ điều trị thường là 3-72 giờ, quá thời gian đó các tế bào chuyển sang hoại tử vì vậy điều trị phải càng sớm càng tốt.
Tái phát có thể xảy ra 5% các ngày đầu,10% trong 3 tháng đầu, 30-40% trong vòng 5 năm, vậy phòng bệnh cấp 2 cần tiền hành sớm sau tuần đầu song song điều trị giai đoạn cấp. Mục tiêu dự phòng là chống các yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được như: tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, lipid máu cao, loạn nhịp Tim…
Phục hồi chức năng cần làm sớm và kiên trì, có cơ sở khoa học phục hồi chức năng dựa vào: Tính khả biến thần kinh (neuroplasticity): trái với quan niệm cũ: khả năng của não có thể thay đổi về mặt giải phẩu (sinh ra tế bào thần kinh mới, tạo các đường nối tiếp mới) và về sinh lý (đảm nhiệm chức năng tế bào thần kinh) hiện tượng này gọi là tính khả biến thần kinh. Não hoạt động để tổ chức lại não sau khi bị tổn thương, vì vậy phục hồi chức năng thúc đẩy quá trình khả biến thần kinh này.
Điều trị giai đoạn cấp tuân thủ các nguyên tắc sau: Điều trị các yếu tố ảnh hưởng tới chức năng sống (huyết áp, nhiệt độ cơ thể glucose huyết thanh); điều trị nguyên nhân gây nhồi máu não, phục hồi các mạch bị tắc hoặc hạn chế gây chết tế bào thần kinh (bảo vệ thần kinh, thuốc tiêu sợ huyết); phòng ngừa và điều trị những biến chứng nội khoa (trào ngược, nhiễm khuẩn, loét do nằm, huyết khối tĩnh mạch sâu, nghẽn mạch Phổi), biến chứng thần kinh (chảy máu thứ phát, phù não, cơn co giật); dự phòng cấp hai sớm để giảm bớt tỷ lệ tái phát nhồi máu não sớm (thuốc chống kết tập tiểu cầu, thuốc ổn định lipid máu) và phục hồi chức năng sớm ngay khi có thể.
Trong đánh giá và điều trị ban đầu: Bệnh nhân đột quỵ thiếu máu có thể có các bệnh nội khoa phối hợp do đó cần đánh giá nhanh chóng đặc biệt chú ý đường khí đạo, nhịp thở và tuần hoàn. Đặt nội khí quản có thể cần thiết để bảo đảm thông khí đầy đủ và bảo vệ sự hít vào đường khí đạo ở bệnh nhân có nôn ói, rối loạn ý thức hay tổn thương hành tủy. Bệnh nhân thông khí đầy đủ cần theo dõi oxy bảo hòa, trường hợp thiếu oxy cung cấp và duy trì oxy bảo hòa trên 94%, không cung cấp thường quy cho bệnh nhân không thiếu oxy.
Điều trị chủ yếu sau nhồi máu não là phục hồi sớm chức năng vận động cho bệnh nhân, để tránh co cứng các khớp, đồng thời giảm sự co cứng ở các chi gây trở ngại cho việc vận động và sinh hoạt bệnh nhân. Đây là mục đích giảm mức tối đa tàn phế cho bệnh nhân. Cho đến nay, đối với Y học hiện đại việc phục hồi chức năng vận động vẫn chủ yếu là phương pháp tập vật lý trị liệu.
Việc điều trị này sẽ giúp bệnh nhân tự mình di chuyển và đi lại từ nơi này sang nơi khác, bao gồm cả việc hướng dẫn người bệnh sử dụng các dụng cụ trợ giúp cho vận động và đi lại. Giúp bệnh nhân tự làm được những công việc trong đời sống và sinh hoạt hàng ngày như ăn uống, tắm rửa, vệ sinh cá nhân, thích nghi với những di chứng còn lại và trở lại với nghề cũ hoặc có nghề mới thích hợp với hoàn cảnh thực tế của người bệnh.
Tuy nhiên, trong Y học cổ truyền không có bệnh danh tai biến mạch máu não nói chung và nhồi máu não nói riêng. Căn cứ vào triệu chứng lâm sàng và tính chất xuất hiên đột ngột như trong giai đoạn cấp của Y học cổ truyền thì Y học cổ truyền xếp tai biến mạch máu não (đột quỵ) vào chứng trúng phong, giai đoạn sau cấp của nhồi mãu não với triệu chứng liệt ½ người nổi bật thì Y học cổ truyền xếp vào chứng bán thân bất toại. Trúng phong là chứng bệnh phát sinh cấp, đột ngột và rất nặng. Bệnh nhân đột ngột ngã ra bất tỉnh hoặc vẫn còn tỉnh, bán thân bất toại hoặc tứ chi không cử động được, miệng méo, mắt lệch, nói khó.
Trần Phước