Tình hình quản lý chất thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Bình Dương (30/05/2018)
Chất thải sinh hoạt là chất thải được thải ra từ quá trình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, sinh hoạt hoặc các hoạt động khác. Chất thải rắn bao gồm chất thải rắn thông thường và chất thải rắn nguy hại. Và chất thải rắn phát thải trong sinh hoạt cá nhân, hộ gia đình, nơi công cộng được gọi chung là chất thải rắn sinh hoạt.
Trong những năm qua, đi cùng với quá trình đô thị hóa diễn ra tốc độ nhanh cũng làm gia tăng lượng nước thải đô thị. Tổng lượng nước thải đô thị phát sinh trên địa bàn tỉnh hiện nay ước tính khoảng 142.816m3/ngày.đêm và nếu không có biện pháp thu gom, xử lý kịp thời sẽ gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường nước mặt.
Tại Bình Dương, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh hiện nay có khoảng 1.600 tấn/ngày. Chất thải rắn sinh hoạt được thu gom và xử lý liên tục được cải thiện nhiều trong thời gian qua, các công ty và xí nghiệp công trình đô thị được tăng cường thêm nhân lực và trang thiết bị, hệ thống thu gom rác dân lập ngày càng phát triển đã nâng tỷ lệ rác đô thị được tăng liên tục qua các năm (năm 2013 đạt 88,2%, năm 2014 đạt 89%, năm 2015 đạt 90%, năm 2016 đạt 91% và hiện nay đạt gần 96%). Và các chất thải rắn sinh hoạt sau khi thu gom, được vận chuyển đến Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nam Bình Dương để tiến hành xử lý.
Nhà máy xử lý chất thải rắn Nam Bình Dương
Nhiều chính sách được ban hành…
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 2149/QĐ-TTG ngày 17/12/2009 về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025. Đồng thời, yêu cầu Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức thực hiện Nghị định số 59/2007/NĐ-CP ngày 09/4/2007 của Chính phủ về quản lý chất thải rắn; ban hành các chính sách ưu đãi cụ thể trong lĩnh vực quản lý chất thải rắn tại địa phương; chỉ đạo thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn; kiện toàn tổ chức và sắp xếp đổi mới các doanh nghiệp nhà nước hoạt động dịch vụ công ích trên địa bàn; tổ chức thanh, kiểm tra và xử lý nghiêm minh các vi phạm trong quản lý chất thải rắn; tuyên truyền, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các tổ chức và cá nhân về quản lý tổng hợp chất thải rắn và bảo vệ môi trường trên địa bàn.
Trong thời gian qua, Bình Dương đã nghiêm túc chỉ đạo các ngành, các cấp triển khai thực hiện các chính sách, pháp luật về quản lý chất thải sinh hoạt thông qua việc thực hiện Đồ án Quy hoạch tổng thể quản lý - xử lý chất thải rắn tỉnh Bình Dương đến năm 2030 theo Quyết định số 2474/QĐ-UBND ngày 10/9/2012 và Phê duyệt bổ sung Quyết định số 2474/QĐ-UBND tại Quyết định số 1942/QĐ-UBND ngày 12/8/2013. Trong đó, quy hoạch 04 khu xử lý chất thải rắn, gồm: Khu xử lý chất thải rắn hiện hữu Chánh Phú Hòa, Bến Cát với quy mô 400ha; khu xử lý chất thải rắn Tân Mỹ, Tân Uyên với quy mô 50ha; khu xử lý chất thải rắn Tân long, Phú Giáo với quy mô 400ha và khu xử lý dự phòng với quy mô 375ha.
Đồng thời, UBND tỉnh và Hội đồng nhân dân tỉnh cũng đã ban hành Chương trình bảo vệ môi trường giai đoạn 2011 - 2015, giai đoạn 2016 - 2020; kế hoạch bảo vệ môi trường tỉnh Bình Dương giai đoạn 2011 - 2015, giai đoạn 2016 - 2020. Trong đó, xác định cụ thể các mục tiêu, nhiệm vụ, đề án, dự án trọng tâm cần thực hiện, liên quan đến công tác quản lý chất thải sinh hoạt.
Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật
Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về tài nguyên và môi trường ngày càng được chú trọng, đổi mới và đi vào chiều sâu. Trong đó, hoạt động tuyên truyền về chất thải rắn, xử lý chất thải chăn nuôi cũng được chú trọng thông qua báo, đài, phiên chợ tái chế, tái sử dụng chất thải trong dịp hoạt động hưởng ứng Ngày môi trường thế giới, chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn…
Bên cạnh đó, thông qua các hội đoàn thể, tỉnh cũng đã xây dựng 596 tổ tự quản môi trường tại các cấp cơ sở, hoạt động chủ yếu về công tác vệ sinh môi trường, thu gom chất thải trong dân cư và đô thị góp phần bảo vệ môi trường ngày một tốt hơn. Trong năm 2017, Sở Tài nguyên và Môi trường đã triển khai tập huấn văn bản quy phạm pháp luật theo Luật bảo vệ môi trường năm 2014, trong đó có 01 lớp tập huấn cho cán bộ sở ngành, huyện thị và 02 lớp tập huấn cho hơn 1000 doanh nghiệp…
Phát triển, ứng dụng khoa học và công nghệ
Bình Dương đã đầu tư nhà máy sản xuất phân compost từ chất thải rắn sinh hoạt có tổng công suất 840 tấn/ngày, gồm 02 dây chuyền, mỗi dây chuyền có công suất 420 tấn/ngày và đã đưa vào hoạt động giai đoạn 1 từ năm 2013 và giai đoạn 2 vào đầu năm 2018. Với công nghệ ủ hiếu khí được chuyển giao từ Chính phủ Phần Lan, hiện nay nhà máy sản xuất ra khoảng 840 tấn phân/ngày và Công ty cổ phần Nước - Môi trường Bình Dương đang xúc tiến xin giấy phép của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để đưa sản phẩm phân này ra thị trường. Ngoài ra, khí thải từ khu vực chôn lấp hiện được thu gom, phát điện với công suất 820 KVA/ngày.
Ngọc Loan
(Nguồn: Báo cáo Tình hình quản lý chất thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Bình Dương)