Triển khai thực hiện Đề án “Đẩy mạnh ứng dụng quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên cây trồng giai đoạn 2018 - 202 (30/05/2018)
Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 2146/KH-UBND ngày 22/5/2018về việc triển khai thực hiện Đề án “Đẩy mạnh ứng dụng quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên cây trồng giai đoạn 2018 - 2020.
Mô hình trồng bưởi theo tiêu chuẩn VietGap
Kế hoạch này nhằm giảm thiểu mối nguy hại do lạm dụng hóa chất, nhất là thuốc bảo vệ thực vật đối với sức khỏe cộng đồng, môi trường, an toàn thực phẩm, tăng hiệu quả sản xuất và phát triển nông nghiệp bền vững góp phần thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành trồng trọt giai đoạn từ nay đến năm 2020 và tầm nhìn xa hơn; hướng đến cân bằng sinh thái để quản lý dịch hại và bảo tồn thiên địch, thông qua áp dụng hài hòa các biện pháp canh tác, tăng khả năng chống chịu của cây trồng, giảm sử dụng hóa chất, phân bón hóa học, xây dựng nền nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái có khả năng cạnh tranh, tăng giá trị và lợi nhuận trên một diện tích đất nông nghiệp; nâng cao vai trò chủ động của nông dân trong quản lý đồng ruộng hướng nông dân trở thành các chuyên gia trên đồng ruộng trên cơ sở chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật thông qua hình thức “cầm tay, chỉ việc”.
Để hoàn thành mục tiêu đề ra, cần tổ chức các khóa đào tạo thông qua tập huấn đội ngũ giảng viên chính TOT (A Training of trainer) về FFS (The Farmer Field school) dành cho cấp tỉnh và huyện; tổ chức các lớp FFS cho nông dân; triển khai thực hiện các mô hình cộng đồng thông qua việc chuyển giao cho nông dân ứng dụng những kỹ thuật quản lý dịch hại bền vững và giảm thiểu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; đối với các mô hình triển khai thí điểm đáp ứng các tiêu chí đã đề cập thông qua hội thảo đầu bờ, phát huy những thành công từ mô hình, rút kinh nghiệm những hạn chế của mô hình để ứng dụng IPM linh động và hợp lý trên các cây trồng khác ở những điều kiện sinh thái và vị trí địa lý khác nhau; áp dụng phương pháp “Nông dân huấn luyện nông dân” với các chủ đề về IPM trên một số cây trồng chính, thâm canh cây trồng bền vững, giảm thiểu nguy cơ do sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật.
Bên cạnh đó, xây dựng quy trình áp dụng nguyên tắc IPM cho từng cây trồng bao gồm các biện pháp từ khâu chọn giống, làm đất, thời vụ, chăm sóc, phòng trừ dịch hại; xây dựng, thực hiện các lớp huấn luyện nông dân về IPM trên cây lúa, cây rau, cây ăn trái và cây công nghiệp,… đồng thời, tổ chức các chuyến tham quan học tập kinh nghiệm thực tế cho nông dân thực hiện mô hình, cộng tác viên giám sát mùa màng, cán bộ kỹ thuật trong địa bàn nhằm nhân rộng mô hình.
Ngọc Loan