Khởi nghiệp - hệ sinh thái khởi nghiệp (07/09/2018)
Khởi nghiệp
Khởi nghiệp có thể hiểu đơn giản là tạo ra và phân phối giá trị “mới” đến khách hàng. Điển hình như Công ty cổ phần GNTfoods hoạt động trong các lĩnh vực đa ngành đa nghề như: Sản xuất tre công nghiệp, xây dựng hạ tầng, nông sản, thực phẩm, vật tư nông nghiệp, khoáng sản, vật liệu xây dựng, nhựa, cáp viễn thông. Tuy nhiên, công ty đã nhanh chóng nhận thấy tiềm năng lớn của ngành nông nghiệp nên nhanh chóng xác định lại chiến lược kinh doanh, nông nghiệp và hàng tiêu dùng làm cốt lõi. Với triết lý kinh doanh “Giá trị lớn hơn, lợi ích nhiều hơn” Công ty luôn hướng tới tạo ra các sản phẩm thiết yếu như chè, sữa, các sản phẩm dinh dưỡng từ sữa….có giá trị cao hơn và mang lại nhiều lợi ích hơn. Năm 2016, Công ty 2 lần phát hành thành công cổ phần riêng lẻ giúp tăng vốn điều lệ từ 748 tỷ đồng lên 2.500 tỷ đồng, tăng vốn hóa thị trường từ khoảng 600 tỷ đồng lên khoảng 4.500 tỷ đồng. Năm 2017, Công ty đã đầu tư tại Mộc Châu - Sơn La hơn 1.500 tỉ đồng, đồng thời cam kết đầu tư thông qua đơn vị thành viên là Vinatea với tổng giá trị 300 tỉ đồng và Mocchaumilk 510 tỷ đồng.
Mimosatex là doanh nghiệp khởi nghiệp trưởng thành từ môi trường “cộng sinh” của Vườn ươm Khu công nghệ phần mềm, Đại học Quốc gia Tp.Hồ Chí Minh (ITP), được ITP hỗ trợ từ cơ sở vật chất, hạ tầng, dịch vụ công nghệ thông tin… trong chương trình hỗ trợ khởi nghiệp ITP. Với giải pháp tưới chính xác cho mọi loại cây trồng, Mimosatex đã đáp ứng nhu cầu quản lý trang trại của khách hàng từ người nông dân vừa và nhỏ đến các nông trường lớn trên khắp vùng miền trong cả nước với nhiều loại cây trồng khác nhau từ cây trồng ngắn ngày như rau, củ cho đến các loại cây nông công nghiệp lâu năm như tiêu, macca, cây có múi. Với kết quả đạt được, Mimosatex đã giành Quán quân Venture Cup 2015 và Quán quân Seedstars Wolrd Việt Nam 2016. Từ lúc thành lập năm 2014 đến nay, Mimosatex đã phát triển vượt bậc với 22 thành viên. Dự án ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp của Mimosatex đã trở thành một xu hướng và được áp dụng rộng rãi, đem lại thành công cho những người trẻ tâm huyết và đam mê sáng tạo.
Nấm Tươi Cười là thương hiệu tiên phong chuyên sản xuất thực phẩm chế biến ăn liền và nước uống "nhanh, tự nhiên, không hóa chất" từ các loại Nấm. Dự án với gần một triệu sản phẩm tiêu thụ ở 230 điểm bán lẻ cùng 7 nhà phân phối, sau 5 năm ra mắt. Với tầm nhìn phát triển trở thành thương hiệu mạnh dẫn đầu tại thị trường nội địa và vươn ra toàn cầu, Nấm Tươi Cười cần có chiến lược kênh phân phối theo hai hướng B2B và B2C theo cả hướng online và offline. Dự án Nấm Tươi Cười không chỉ làm giàu cho cá nhân, gia đình, mà còn tạo giá trị cho cộng đồng và có ý nghĩa tạo tác động đến xã hội, môi trường và con người. Ngoài ra, doanh nghiệp tạo thu nhập cho 20 người khuyết tật, 10 phụ nữ khó khăn. Cho đến nay, dự án được hỗ trợ và đầu tư từ ba quỹ tại Mỹ, ba tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp trong nước đồng thời nhận ba giải thưởng khởi nghiệp. Là doanh nghiệp khởi nghiệp được thành lập từ cuối năm 2013 và hiện có nhà máy sản xuất chế biến đạt tiêu chuẩn xuất khẩu với tiêu chuẩn ISO 22000:2005 tại khu công nghiệp Hapro, xã Lệ Chi, huyện Gia Lâm, Hà Nội.
Hệ sinh thái khởi nghiệp
Hệ sinh thái khởi nghiệp (startup ecosystem) là tập hợp các doanh nghiệp khởi nghiệp (đóng vai trò trung tâm, dẫn dắt và lãnh đạo (leaders) hệ sinh thái khởi nghiệp) và các bên liên quan khác (đóng vai trò hỗ trợ (feeders)), bao gồm nhưng không giới hạn các tổ chức hỗ trợ, các tổ chức tài trợ vốn, các doanh nghiệp lớn, các trường đại học/viện nghiên cứu, các nhà cung cấp dịch vụ… có mối quan hệ hữu cơ, cùng tồn tại và phát triển bền vững. Nhà nước có vai trò hỗ trợ (feeder), tạo dựng môi trường pháp lý (regulatory framework) hay gọi đơn giản là “luật chơi” cho hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển. Sức mạnh của hệ sinh thái khởi nghiệp tùy thuộc vào sự “gắn kết” chặt chẽ của các thành phần bên trong hệ sinh thái khởi nghiệp.
Mỗi ngành dọc (vertical) có một hệ sinh thái khởi nghiệp tương ứng riêng. Ví dụ, hệ sinh thái khởi nghiệp cho lĩnh vực công nghệ thông tin sẽ khác với hệ sinh thái khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ sinh học. Tất nhiên, giữa các hệ sinh thái khởi nghiệp có phần giao nhau.
Quá trình hình thành và phát triển của một hệ sinh thái khởi nghiệp tùy thuộc vào các điều kiện pháp lý, kinh tế xã hội cụ thể của địa phương. Tuy vậy, có những nguyên tắc chung cần phải tuân thủ để xây dựng thành công một hệ sinh thái khởi nghiệp.
Theo Techstars, một chương trình tăng tốc khởi nghiệp tại Boulder, Hoa kỳ, sự phát triển của một hệ sinh thái khởi nghiệp địa phương chịu tác động của năm (05) yếu tố cốt lõi (key vectors), bao gồm: (1) Tài năng, khởi động bằng sự đầu tư vào nguồn vốn con người bằng cách kiến tạo các chính sách thu hút và phát triển người tài; (2) mạng lưới, xây dựng các cum (hubs/clusters), mạng lưới các nhà cố vấn (memtors), liên kết giữa nhà khoa học và doanh nhân…; (3) văn hóa, đề cao vai trò kiến tạo giá trị của doanh nhân, tinh thần cho đi trước và văn hóa chấp nhận rủi ro; (4) vốn, nâng cao khả năng tiếp cận vốn đối với các dự án khởi nghiệp, đặc biệt là vốn thông minh: mạng lưới các nhà đầu tư thiên thần và (5) luật pháp, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật và các chính sách thu hút đầu tư, kinh doanh mạo hiểm. Trong đó, yếu tố tài năng là yếu tố nền tảng của hệ sinh thái khởi nghiệp. Để phát triển bền vững hệ sinh thái khởi nghiệp, cần phải bắt đầu từ phát triển một thế hẹ trẻ tài năng, có tư duy mới: tư duy khởi nghiệp. (Phan Đình Tuấn Anh, Angels 4 Us).
Hoàng Trang