Thảo mộc - thuốc sâu sinh học (07/09/2018)
Trong nông nghiệp, việc sử dụng quá mức phân bón và thuốc hóa học trừ sâu bệnh, trừ cỏ mỗi năm một tăng đã dẫn đến những hệ lụy mà gần đây các chuyên gia liên tục cảnh báo như gây suy thoái và ô nhiễm nguồn đất, nguồn nước, tích lũy kim loại nặng, tiêu diệt vi sinh vật có ích, tồn dư các chất độc hại trong đất, trong nước, tích lũy trong các loại nông sản, thủy hải sản, gây độc cho cơ thể, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người. Một số nông sản có lượng hóa chất tồn dư vượt mức cho phép đã và sẽ gặp nhiều khó khăn trên thị trường (kể cả thị trường tiêu thụ nội địa và xuất khẩu) và sản xuất sẽ trở nên kém bền vững, sản phẩm giảm sút tính cạnh tranh.
Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu đã dẫn theo biến đổi cơ cấu cây trồng và dịch hại. Hiện tượng cây trồng kháng sâu bệnh ngày một giảm, trong khi tính kháng thuốc của cây trồng ngày một tăng. Do vậy, người nông dân đã phải tăng liều lượng và nhiều chủng loại thuốc hóa học khác nhau để ngăn chặn dịch bệnh cho cây trồng. Tuy nhiên, việc lạm dụng phân bón hóa học và các loại thuốc hóa học cũng đã gây ra hiện tượng: Sự cân bằng sinh thái trong đất bị phá vỡ. Đất ngày càng thoái hóa, trong đất tích lũy nhiều chất độc hại, nguồn bệnh và tuyến trùng gây hại trong đất cũng gia tăng theo làm trực tiếp ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp. Mùa vụ chịu nhiều rủi ro hơn, năng suất không ổn định và thiếu bền vững, nông sản thực phẩm thiếu an toàn.
Do vậy, xu thế tất yếu trong nông nghiệp là “sản xuất xanh” được ngành ngày càng chú trọng hơn, để quản lý được dịch bệnh cần có các giải pháp và quy trình theo phương pháp sinh học và hữu cơ như: Quản lý dịch hại bằng biện pháp bảo tồn thiên địch; sử dụng những giống cây trồng mới, cây chuyển gen có tính chống chịu và đề kháng cao với những loại sâu bệnh hại; có năng suất và chất lượng cao; xây dựng và quy hoạch vùng sản xuất tập trung cho từng loại cây trồng; áp dụng qui trình canh tác theo hướng và theo quy chuẩn “Nông nghiệp hữu cơ”; khai thác và sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc Thảo mộc và được sản xuất bằng công nghệ sinh học (chế phẩm sinh học).
Chuyển canh tác hóa học, truyền thống sang canh tác theo hướng nông nghiệp hữu cơ.Ứng dụng các biện pháp kỹ thuật công nghệ cao vào qui trình kỹ thuật chăm sóc cây trồng sẽ giúp cho đất khỏe - cây khỏe và môi trường khỏe. Góp phần rất lớn cho việc xây dựng một nền Nông nghiệp xanh, hiệu quả và bền vững. Ngoài ra, việc ứng dụng chế phẩm sinh học thế hệ mới, thân thiện với môi trường lại duy trì được “sức khỏe” và độ màu mỡ của đất. Đó là các loại chế phẩm sinh học sản xuất theo công nghệ nano bổ sung các chất axit amin, công nghệ vi sinh và enzym… được khai thác và chế biến từ nguyên liệu thảo mộc, hữu cơ thiên nhiên, có hoạt lực cao.
Trên thế giới, các nhà khoa học đã tìm hiểu một số loại thảo mộc tự nhiên có một số hoạt chất có khả năng khống chế và ngăn chặn sâu bệnh hại rất hiệu quả. Họ đã nghiên cứu các dung môi và ứng dụng công nghệ sinh học để chiết suất các hoạt chất có trong thảo mộc. Các vật liệu được sử dụng trong Thảo mộc như:
Neem: Đã từ lâu người Ấn Độ cổ đại đã sử dụng dầu Neem giúp cây khỏe mạnh, hoàn toàn tự nhiên để tránh được sâu bệnh. Trong thực tế, dung dịch Neem là thuốc trừ sâu tự nhiên mạnh mẽ nhất trên hành tinh.
Dầu khoáng: Thuốc trừ sâu hữu cơ này hoạt động tốt cho khử côn trùng và trứng của chúng.
Tinh dầu tỏi, ớt, gừng: Tinh dầu tỏi, gừng và ớt là thuốc trừ sâu lý tưởng cho cây trồng. Trong ớt, tỏi, gừng chứa chất cay và hàm lượng acid lớn, tác động đến các bộ phận như mắt, da của các sâu bọ và côn trùng hại trên các loại rau ăn lá.
Để làm dung dịch này người ta xắt nhỏ hành, tỏi và trộn ớt bột theo tỉ lệ 1:1:1, hòa hỗn hợp với nước (khoảng 1 lít nước cho một muỗng ớt, tỏi, hành) và ngâm trong vòng một giờ. Sau đó lọc lấy nước, hòa thêm một muỗng xà phòng và khuấy đều. Với dung dịch thuốc này, ta phun đều lên cây, trường hợp không có bình phun thì dùng chổi rơm mềm quét hỗn hợp lên phần cây bị bệnh.
Cúc áo hoa vàng (Spilanthes acmella (L.) Murr.) thuộc họ cúc (Asteraceae), tên khác là nụ áo vàng, cỏ the, là một cây nhỏ. Lá mọc đối, mép khía răng. Hoa hình đầu màu vàng, quả bế. Toàn cây, nhất là hoa, có vị cay, tê nóng. Cây mọc hoang ở ven đường, bờ bãi. Cao chiết từ các cụm hoa tươi cây cúc áo hoa vàng có tác dụng diệt bọ gậy của muỗi anophen dưới dạng nhũ dịch với xà phòng và hòa loãng với nước. Hoạt chất spilanthol chiết xuất từ hoa cúc áo phơi khô cũng có tác dụng diệt bọ gậy muỗi anophen và muỗi culicides. Nó có hiệu lực diệt bọ gậy của muỗi culex pipiens ở nồng độ pha loãng 1/30.000. Spilanthol diệt bọ gậy kém hơn DDT, nhưng nếu phối hợp hai chất này thì tác dụng tốt hơn. Hoa cúc áo giã nát, ngâm nước cho đặc cũng làm chết nhiều bọ gậy.
Tinh dầu xả: Có tác dụng xua đuổi côn trùng như: muỗi, kiến, nhện… rất tốt cho cây trồng.
Một số lưu ý khi chiết xuất thảo mộc
Nano thảo mộc là sản phẩm được tổng hợp từ các vật liệu tự nhiên trên, hòa tan trong nước có tác dụng phòng trừ và tiêu diệt dịch hại hiệu quả trên hầu hết các loại cây trồng và có tác dụng trong thời gian dài…
Không sử dụng các dụng cụ dùng trong chiết xuất thảo mộc cho việc nấu ăn. Không uống hoặc chứa nước uống trong các thùng chứa hợp chất. Rửa sạch tất cả dụng cụ sau mỗi lần sử dụng.
Khi dự trữ thảo mộc cho những lần sử dụng sau, cần đảm bảo chúng được làm khô hoàn toàn và trữ trong các vật chứa thoáng khí (không sử dụng vật chứa bằng nhựa). Tránh ánh nắng trực tiếp và nơi ẩm thấp. Trước khi dùng, cần đảm bảo chúng không bị mốc. Luôn thử hợp chất chiết xuất trên vài cây bệnh trước khi sử dụng/phun xịt trên diện rộng. Mặc đồ bảo hộ khi phun thuốc và rửa sạch tay sau khi tiếp xúc với chất chiết xuất.
Ánh Nguyệt