Thực hiện đề án Thành phố thông minh trong lĩnh vực môi trường (17/09/2018)
“Smart City” hay còn được gọi là Thành phố thông minh đang là xu thế chung được nhiều quốc gia hướng đến. Đó là một thành phố hội đủ các yếu tố: Hạ tầng đồng bộ, phát triển bền vững, môi trường sống thân thiện. Bình Dương - một tỉnh đang phát triển mạnh mẽ về công nghiệp và đô thị cũng đang triển khai Đề án xây dựng Thành phố thông minh. Để thực hiện Đề án này, Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Dương đã chủ động xây dựng chương trình “Thực hiện đề án thành phố thông minh Bình Dương trong lĩnh vực môi trường”.
Sự phát triển công nghiệp và đô thị mạnh mẽ ở Bình Dương khiến tỉnh phải đối mặt với nhiều thách thức về quản lý đô thị, sử dụng năng lượng, bảo vệ môi trường. Từ thách thức này vấn đề đặt ra làm sao xây dựng được một thành phố thông minh vừa phát triển công nghiệp hiện đại vừa thân thiện với môi trường với những cư dân có tri thức cao.
Thực hiện Chương trình số 22-CTr/TU ngày 15/08/2016 của Tỉnh ủy Bình Dương về “Phát triển đô thị theo hướng văn minh, giàu đẹp và nâng cao chất lượng sống của nhân dân”, Ủy ban nhân dân tỉnh đã xây dựng đề án “Thành phố thông minh - Bình Dương”. Việc thực hiện đề án này dựa trên kinh nghiệm phát triển của thành phố Eindhoven. Đây là một trong những thành phố thông minh nhất thế giới. Để triển khai đề án thành phố thông minh - Bình Dương, Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Dương đã chủ động xây dựng chương trình “Thực hiện đề án thành phố thông minh - Bình Dương trong lĩnh vực môi trường”. Chương trình này hướng đến 02 mục tiêu chính, đó là sử dụng công nghệ thông tin và các phương tiện hiện đại để kết nối công dân, doanh nghiệp và chính quyền với nhau, để xây dựng và xử lý dữ liệu, tạo ra thông tin và kiến thức nhằm hỗ trợ quá trình ra quyết định của lãnh đạo trong lĩnh vực môi trường. Một mục tiêu khác mà chương trình muốn hướng đến, đó là nâng cao công tác phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm; cải thiện chất lượng môi trường và nâng cao cuộc sống của người dân.
Việc triển khai thực hiện đề án thành phố thông minh - Bình Dương trong lĩnh vực môi trường, được thực hiện theo 03 giai đoạn. Giai đoạn I từ năm 2017 - 2020, giai đoạn II từ năm 2021 - 2025 và giai đoạn III từ năm 2026 - 2030. Nội dung quan trọng được ưu tiên là xây dựng Trung tâm điều hành chung, trên cơ sở nâng cấp trạm điều hành trung tâm đang vận hành tại trung tâm Quan trắc - Kỹ thuật Tài nguyên Môi trường theo từng giai đoạn. Trạm trung tâm này sẽ đóng vai trò kết nối điều hành quan trắc các thành phần môi trường với nhau như nước thải, khí thải, nước mặt, nước ngầm. Đồng thời, trung tâm này sẽ là đầu mối để kết nối vào trung tâm điều hành thành phố thông minh của tỉnh, ông Nguyễn Hồng Nguyên - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Dương cho biết.
Với mục tiêu ngăn ngừa và kiểm soát triệt để các thành phần ô nhiễm dựa vào các hệ thống kiểm soát tự động, chương trình cũng sẽ triển khai lắp đặt các trạm quan trắc tự động không khí; mở rộng mạng lướng quan trắc nước mặt, nước ngầm; lắp đặt hệ thống quan trắc chất lượng nước cấp tự động và xây dựng hồ chứa nước để tái sử dụng nước thải sau xử lý.
Với những nội dung quan trọng của chương trình “Thực hiện Đề án thành phố thông minh - Bình Dương trong lĩnh vực môi trường”, Bình Dương đã được các chuyên gia đến từ Hà Lan đánh giá cao. Bởi thời gian qua tỉnh đã xây dựng được cơ sở hạ tầng kiểm soát ô nhiễm hiện đại và có tầm nhìn xa. Hệ thống quan trắc tự động các thành phần môi trường đã được triển khai từ năm 2011. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực cũng được đào tạo bài bản từ dự án Môi trường Việt Nam - Canada. Dự án quản lý môi trường cấp tỉnh tại Việt Nam do Canada hỗ trợ để xây dựng năng lực quản lý ô nhiễm công nghiệp có hiệu quả. Cùng với đó là việc triển khai các dự án lớn trong lĩnh vực xử lý nước thải, chất thải rắn sinh hoạt như dự án cải thiện môi trường nước Nam Bình Dương, dự án xây dựng khu xử lý chất thải rắn Nam Bình Dương, đề án phân loại rác thải tại nguồn... Đây là nền tảng để chương trình “Thực hiện đề án thành phố thông minh - Bình Dương trong lĩnh vực môi trường” được triển khai một cách hiệu quả.
Sự chủ động xây dựng chương trình “Thực hiện đề án thành phố thông minh - Bình Dương trong lĩnh vực môi trường” nói riêng và việc triển khai đề án xây dựng thành phố thông minh của tỉnh Bình Dương nói chung một lần nữa khẳng định tỉnh Bình Dương không chỉ đi đầu trong phát triển công nghiệp mà còn là tỉnh tiên phong trong việc bảo vệ môi trường. Với những chuẩn bị chu đáo và quyết tâm của tỉnh, một thành phố thông minh với những cư dân có tri thức cao sẽ trở thành hiện thực trong tương lai không xa.
Huỳnh Thanh