Đẩy mạnh ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm bệnh dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn tỉnh Bình Dương (03/10/2018)
Bệnh dịch tả lợn (heo) Châu Phi có tên tiếng Anh là Hog Cholera; Classical Swine Fever hoặc Swine Cholera. Đây là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở lợn nhà và lợn hoang dại (lợn rừng) do Myxovirrus chứa AND gây ra. Nguyên nhân gây bệnh có đặc tính kháng nguyên hoàn toàn khác với virus gây bệnh dịch tả lợn cổ điển. Bệnh có nhiều thể biểu hiện khác nhau như: Quá cấp, cấp tính, mãn tính và không điển hình. Tỷ lệ ốm và chết rất cao, lên tới 100%. Bệnh đặc trưng bởi các biến đổi viêm xuất huyết tràn lan đường tiêu hóa, hạch lâm ba, thận và thâm tím da phần lớn cơ thể của lợn.
Hiện nay, chưa có vắc xin và thuốc điều trị đặc hiệu bệnh dịch tả lợn Châu Phi, vì vậy, giải pháp phòng bệnh là chính: Phát hiện và xử lý triệt để ổ dịch ngay từ khi ở phạm vi nhỏ, chưa lây lan; tăng cường kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển lợn và thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học.
Theo thông tin của Tổ chức Thú y thế giới (OIE), từ cuối năm 2017 đến ngày 10 tháng 9 năm 2018, đã có 17 quốc gia và vùng lãnh thổ báo cáo bệnh Dịch tả lợn Châu Phi (bệnh không lây nhiễm và gây bệnh ở người), với tổng số lợn buộc phải tiêu hủy là trên 500.000 con. Cũng theo OIE và Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), từ đầu tháng 8 năm 2018 đến ngày 09 tháng 9 năm 2018, Trung Quốc báo cáo tổng cộng có 14 ổ dịch xuất hiện tại 6 tỉnh (bao gồm: An Huy, Hắc Long Giang, Hà Nam, Liêu Ninh, Giang Tô và Chiết Giang) với tổng số hơn 38.000 con lợn các loại buộc phải tiêu hủy. (chinhphu.vn)
Để chủ động phòng, chống và ngăn chặn dịch bệnh xâm nhiễm vào nước ta thông qua các hoạt động vận chuyển, mua bán, nhập lậu… vào Việt Nam, ngày 11/9/2018, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành công văn yêu cầu các Bộ ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo, triển khai các biện pháp ngăn chặn kịp thời dịch bệnh. Cụ thể: Nghiêm cấm mọi hình thức vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ lợn, sản phẩm lợn nhập lậu không rõ nguồn gốc; tổ chức giám sát chặt chẽ tại cửa khẩu, lối mở khu vực biên giới với người và phương tiện vận chuyển xuất phát từ các nước có dịch bệnh Dịch tả lợn Châu Phi nhập cảnh vào Việt Nam… Đồng thời, tổ chức triển khai tháng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc tại các khu vực chăn nuôi, các chợ, điểm buôn bán, giết mổ lợn và các sản phẩm của lợn bằng vôi bột hoặc hóa chất từ ngày 15/9 đến ngày 15/10/2018.
Trước tình hình dịch bệnh, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương cũng đã ban hành Công văn số 4316/UBND-KTN ngày 13/9/2018 về việc thực hiện công điện khẩn số 6741/CĐ-BNN-TY ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm bệnh Dịch tả lợn Châu Phi. Theo đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Sở Công Thương, UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động tổ chức triển khai thực hiện các biện pháp tuyên truyền đến cộng đồng dân cư không tham gia buôn bán, vận chuyển lợn, sản phẩm lợn nhập lậu vào trong nước tiêu thụ, không mua bán lợn, sản phẩm của lợn không có nguồn gốc rõ ràng, chưa qua kiểm dịch thú y để hạn chế phát sinh và lây lan dịch bệnh; tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện, kiên quyết xử lý tình trạng buôn lậu lợn, sản phẩm của lợn theo quy định; tổ chức giám sát chặt chẽ và tăng cường công tác kiểm dịch động vật trên địa bàn tỉnh.
Thanh Tuyền