Chính sách phát triển nông nghiệp hữu cơ (18/10/2018)
Ngày 29/8/2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 109/2018/NĐ-CP về nông nghiệp hữu cơ. Và Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/10/2018.
Nghị định này quy định về sản xuất, chứng nhận, ghi nhãn, logo, truy xuất nguồn gốc, kinh doanh, kiểm tra nhà nước sản phẩm nông nghiệp hữu cơ trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp và nuôi trồng thủy sản và chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp hữu cơ được khuyến khích áp dụng.
Đối tượng áp dụng: Doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình hoặc nhóm hộ sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp hữu cơ (gọi tắt là cơ sở); tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp hữu cơ trên lãnh thổ Việt Nam.
Theo đó, Nghị định quy định những chính sách được ban hành ưu tiên cho phát triển nông nghiệp hữu cơ như: Ưu tiên kinh phí khoa học, khuyến nông để thực hiện đề tài nghiên cứu, dự án khuyến nông, nhất là về giống kháng sâu bệnh, phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, thuốc thú y thảo mộc. Cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm hữu cơ hoặc vật tư đầu vào phục vụ cho sản xuất hữu cơ được ưu tiên hưởng các chính sách khuyến khích đầu tư đối với nông nghiệp, nông thôn đã được ban hành; hỗ trợ hoàn toàn kinh phí xác định các vùng, khu vực đủ điều kiện sản xuất hữu cơ gồm: Điều tra cơ bản, khảo sát địa hình, phân tích mẫu đất, mẫu nước, mẫu không khí do cấp có thẩm quyền phê duyệt. Hỗ trợ một lần 100% chi phí cấp giấy chứng nhận sản phẩm phù hợp tiêu chuẩn Việt Nam về nông nghiệp hữu cơ. Các chính sách khác về hỗ trợ đào tạo, tập huấn sản xuất hữu cơ, chi phí giống kháng sâu bệnh, phân bón hữu cơ… được thực hiện theo quy định của Chính phủ về khuyến nông.
Ngọc Loan