Tăng cường đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh Bình Dương (05/11/2018)
An toàn thực phẩm (ATTP) đã và đang là vấn đề được xã hội quan tâm và công tác đảm bảo ATTP ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với việc bảo vệ sức khỏe cho nhân dân. Trong đó, giai đoạn cuối năm là thời điểm nhu cầu sử dụng các loại thực phẩm của người dân tăng cao, để đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng, sức khỏe cộng đồng và phòng tránh các vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra, Ủy ban nhân dân trên địa bàn tỉnh cũng đã phối hợp với các cấp ngành triển khai kế hoạch đảm bảo ATTP trên địa bàn tỉnh.
Công tác chỉ đạo thực hiện
Tại Bình Dương, công tác chỉ đạo về an toàn thực phẩm được Tỉnh ủy, UBND tỉnh đặc biệt quan tâm và chỉ đạo sâu sát và đầu tư thêm kinh phí hoạt động bảo đảm vệ sinh ATTP qua từng năm như: Triển khai Nghị định số 43/2017/NĐ-CP của Chính phủ về nhãn hàng hóa; Nghị định số 15/2018/NĐ-CP về quy định chi tiết một số điều của Luật ATTP, triển khai kế hoạch năm 2018; tập huấn kỹ năng, kiến thức pháp luật cho cán bộ, hội viên, nông dân các cấp,…
Đồng thời, triển khai thực hiện Kế hoạch số 10/KH-BCĐ-ATTP ngày 28/3/2018 của Ban Chỉ đạo an toàn thực phẩm tỉnh Bình Dương về việc Kế hoạch “Triển khai Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2018 với mục tiêu: Tăng cường công tác giáo dục, truyền thông vì các vấn đề liên quan đến an toàn thực phẩm. Đề cao vai trò, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong việc thực thi pháp luật về an toàn thực phẩm; Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra đảm bảo ATTP của các cơ sở sản xuất kinh, doanh nông sản thực phẩm. Tăng cường vai trò giám sát của các cơ quan quản lý chuyên ngành, tổ chức xã hội và người tiêu dùng đối với việc thực thi pháp luật về an toàn thực phẩm của các cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Theo đó, nghiêm cấm việc sử dụng các loại hóa chất, phụ gia không nằm trong danh mục được phép sử dụng, không rõ nguồn gốc, xuất sứ, quá thời hạn sử dụng, các sản phẩm không có nhãn mác hoặc ghi nhãn không đúng quy định. Đối với các huyện, thị xã, thành phố cần thành lập các đoàn thanh, kiểm tra liên ngành các cơ sở nhập khẩu, sản xuất, chế biến, đóng gói phụ gia thực phẩm, hương liệu… Đặc biệt, tập trung vào các cơ sở kinh doanh hóa chất bảo quản thực phẩm, bảo quản rau, củ, quả…
Song song đó, cần chú trọng và đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về ATTP hơn nữa. Đây chính là một trong những công tác đóng vai trò quan trọng nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các đơn vị sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm và của cộng đồng trong việc đảm bảo vệ sinh ATTP. Theo đó, ngành Y tế cũng đã phối hợp với các sở ngành đoàn thể như: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Sở Công thương, tổ chức các buổi họp báo; phối hợp với Đài phát thanh truyền hình đưa tin và các bài phóng sự tuyên truyền và hướng dẫn người tiêu dùng lựa chọn thực phẩm an toàn; cách bảo quản thực phẩm;…
Tăng cường công tác thanh, kiểm tra và xử lý vi phạm
Hiện nay Ban Chỉ đạo ATTP các cấp đã và đang phát huy tốt vai trò lãnh đạo, chỉ đạo các hoạt động ATTP ở địa phương, qua đó đã có được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Hàng năm, Ban Chỉ đạo các cấp đều tổ chức hội nghị triển khai và tổng kết công tác ATTP nhằm đánh giá những kết quả đạt được, những khó khăn, tồn tại nhằm đề ra các giải pháp phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.
Nắm bắt tình hình đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đặc biệt quan tâm, chỉ đạo sâu sát và đầu tư thêm kinh phí hoạt động bảo đảm vệ sinh ATTP qua từng năm. Riêng năm 2017 kinh phí địa phương cho hoạt động đảm bảo ATTP là 6 tỷ 131 triệu đồng. Trong năm, trên địa bàn toàn tỉnh đã tổ chức kiểm tra 17.414 lượt cơ sở, phát hiện 3.368 cơ sở vi phạm, phạt tiền 553 cơ sở với tổng số tiền hơn 2,4 tỷ đồng. Thường trực Ban Chỉ đạo ATTP tỉnh đã lập đường dây nóng. Các thông tin phản ánh đều được xác minh và xử lý đúng quy định pháp luật.
Từ tháng 6/2016 đến nay, đã tiến hành thanh, kiểm tra 26.314 lượt cơ sở, phát hiện 3.986 vụ việc vi phạm về ATTP, xử lý vi phạm hành chính với số tiền trên 2,9 tỷ đồng. Riêng ngành Y tế đã kiểm tra định kỳ 18.379 lượt cơ sở, phát hiện vi phạm 3.344 lượt cơ sở (chiếm 18,12%), xử phạt 192 cơ sở với tổng số tiền 718.840.000 đồng, tiêu hủy 1.195 kg nguyên liệu thực phẩm không đảm bảo ATTP, cảnh cáo 12 cơ sở, nhắc nhở 3.134 lượt cơ sở. Song song đó, thực hiện kiểm tra đột xuất 71 cơ sở, phát hiện vi phạm 10 cơ sở và xử phạt với số tiền trên 68 triệu đồng, ông Lục Duy Lạc - Giám đốc Sở Y tế cho biết tại cuộc họp hội đồng nhân dân tỉnh vào tháng 07/2018 vừa qua.
Đồng thời, Ban Chỉ đạo ATTP tỉnh cần ban hành các kế hoạch, văn bản điều hành, phân công quản lý giữa các ngành; công tác thanh tra, kiểm tra, thông tin phổ biến pháp luật; kế hoạch phối hợp liên ngành… để công tác đảm bảo ATTP ngày càng đi vào chiều sâu, chất lượng; giúp doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh có trách nhiệm hơn với cộng đồng. Qua đó giải quyết kịp thời nhu cầu của người dân, góp phần bảo vệ sức khỏe, tạo sự an tâm cho người tiêu dùng; bảo đảm ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm và an sinh xã hội.
Minh Thanh