Nông nghiệp của thời kỳ công nghệ (23/11/2018)
Theo các kết quả nghiên cứu của Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cho thấy, nông nghiệp Việt Nam chủ yếu phát triển theo số ượng, dựa vào tài nguyên và lao động, chi phí vật tư quá cao (11 triệu tấn phân bón, 600-700 triệu USD thuốc bảo vệ thực vật), sử dụng quá nhiều nước, lao động nên hiệu quả thấp; tài nguyên hạn chế, bình quân diện tích đất nông nghiệp trên đầu người chỉ bằng 8,7% so với trung bình của thế giới; chất lượng lao động nông nghiệp thấp, lao động qua đào tạo ở khu vực nông thôn chỉ đạt 11,2%, nên năng suất lao động ở Việt Nam chỉ bằng 1-1,5% so với các nước phát triển.
Sản xuất chia cắt, không theo chuỗi do vậy không kiểm soát được chất lượng cũng như không truy xuất được nguồn gốc; cơ sở hạ tầng giao thông tại các vùng sản xuất tập trung kém; hệ thống thủy lợi thiết kế chủ yếu cho tưới lúa mà chưa thể hỗ trợ cho sản xuất các ngành hàng khác. Thương mại điện tử rất kém phát triển; giá thành sản xuất của nhiều loại nông sản ở Việt Nam cao hơn một số nước Đông Nam á và cao hơn nhiều so với các nước phát triển, do mức độ cơ giới hóa, tự động hóa và mức độ áp dụng kỹ thuật số trong sản xuất ở nước ta còn thấp.
Chính vì những lý do trên, GS. Nguyễn Quang Thạch, Đại học Nguyễn Tất Thành cho rằng, nước ta phát triển nông nghiệp theo xu thế thời kỳ công nghệ 4.0 là tất yếu. Trên thực tế, cách mạng công nghiệp là một cuộc thay đổi toàn diện trong lĩnh vực sản xuất, từ điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội cho đến kỹ thuật. Nông nghiệp trong thời kỳ này sẽ thay đổi phương thức quản lý trang trại, doanh nghiệp, hộ gia đình. Từ sản xuất, chế biến, tiêu thụ đến tiêu dùng đều có thể ứng dụng kỹ thuật số, nhằm giảm thiểu công lao động trực tiếp, tiết kiệm vật tư đầu vào, hạ giá thành sản phẩm, đảm bảo an toàn thực phẩm, giữ môi trường trong sạch cho các thế hệ sau, nhờ áp dụng các thiết bị định ị toàn cầu (GPS), điều tiết lượng vật tư, nước tưới theo như cầu, giám sát năng suất…
Nông nghiệp thời kỳ công nghệ 4.0 sẽ không những hỗ trợ quản lý vĩ mô mà còn lưu trữ dữ liệu vi mô trên mạng Internet và chia sẻ nguồn dữ liệu cho nhiều người cùng sử dụng, thông qua các thiết bị cảm biến kết nối với Internet; hỗ trợ công khai, minh bạch hóa quá trình sản xuất – chế biến – tiêu thụ, truy xuất nguồn gốc, công khai quy trình công nghệ áp dụng, tiêu chuẩn chất lượng đạt được đến mức độ nào, thông qua điện thoại thông minh kết nối với các thiết bị IoT; trợ giúp dự tính, dự báo các rủi ro thiên tai (sạt lỡ đất), nạn chặt phá rừng, bảo tồn động vật quý hiếm.
Hiện nay, ở nước ta đã có một số đơn vị ứng dụng giải pháp thông minh và công nghệ thông minh trong nông nghiệp như: Mô hình hợp tác giữa Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam với Công ty Cọp Sinh Thái sản xuất lúa gạo hữu cơ tại huyện Châu Thành, Trà Vinh xuất khẩu được hàng ngàn tấn gạo đạt tiêu chuẩn 100% hữu cơ theo tiêu chuẩn Mỹ, EU và Nhật Bản; Hợp tác xã Anh Đào, Đà Lạt - Lâm Đồng đang ứng dụng những công nghệ thông minh: Công nghệ nhà kính, nhà lưới và thiết bị tưới tiêu tự động, hệ thống giám sát và điều khiển nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng… trồng rau quả VietGAP, sản lượng tiêu thụ nội địa bình quân 50.000 tấn/năm và 4.000 tấn xuất khẩu; doanh thu hơn 10 triệu USD/năm.
Công ty VIFARM áp dụng các công nghệ tưới tiêu nhỏ giọt, công nghệ đèn LED; thiết bị kiểm soát nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, thông số môi trường… trong sản xuất rau sạch ứng dụng công nghệ thủy canh hồi lưu - Hydroponic. Nhờ đó, năng suất rau gấp 3 lần và giá thành bằng nửa so với sản xuất truyền thống. Trong chăn nuôi có, Tập đoàn TH True Milk đã xây dựng trang trại bò sữa ứng dụng công nghệ chăn nuôi thông minh lớn nhất châu Á với quy mô hơn 45.000 con bò; Nhà máy sản xuất trứng gà sạch ĐTK Phú Thọ với công suất 500.000 quả trứng mỗi ngày, tương đương 175 triệu quả trứng/năm…
Phát triển trồng trọt ứng dụng công nghệ cao là xu thế tất yếu của nông nghiệp Việt Nam. Chúng ta cần ứng dụng kịp thời các kỹ thuật tiên tiến của thời kỳ công nghệ 4.0: giám sát các yếu tố môi trường nông nghiệp cơ bản trong nhà lưới; điều khiển từ xa các thiết bị phục vụ canh tác; lập lịch hỗ trợ canh tác bán – tự động; quản lý tài nguyên, quy trình nghiệp vụ cho nông nghiệp theo chuẩn VietGAP và các chuẩn khác; hệ chuyên gia phục vụ canh tác… điều nãy sẽ góp phần tăng hiệu quả của chuỗi sản xuất và thương mại hóa sản phẩm. Tuy nhiên cần lựa chọn các công nghệ sao cho thiết thực và hiệu quả.
Hiện nay, đã có một số công nghệ được nghiên cứu hoàn thiện cần nhanh chóng đưa vào ứng dụng. Việc lựa chọn công nghệ ứng dụng phụ thuộc vào điều kiện cụ thể của từng vùng, hộ sản xuất; yếu tố quyết định thành công của sự phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và đặc biệt trong thời kỳ này là đầu ra của sản phẩm.
Tấn Sang