Quản lý, truy xuất minh bạch và kết nối thị trường nông sản bằng E-Gap (15/12/2018)
Bộ giải pháp công nghệ e-Gap do Trung tâm Công nghệ Nông nghiệp 4.0 nghiên cứu và đã được áp dụng thử nghiệm thành công tại 4 tỉnh, thành phục vụ quản lý, hỗ trợ công nghệ (thời tiết thông minh, công nghệ hữu cơ thế hệ mới…) cho quá trình sản xuất nông sản an toàn, đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ủng hộ cho phép làm thí điểm để mở rộng.
Xuất phát từ thực tiễn khi người tiêu dùng cần có sự minh bạch hơn về quy trình, nguồn gốc sản phẩm, tức họ cần thông tin truy xuất nguồn gốc tại tất cả các khâu trong chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, để biết được liệu đơn vị cung cấp sản phẩm có tuân thủ tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm hay không, sản phẩm có được kiểm soát chất lượng một cách nghiêm túc trong toàn bộ chuỗi cung ứng hay không.
Tuy nhiên, hiện nay không ít doanh nghiệp thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm theo kiểu đối phó. Hầu hết làm một cách thủ công - ghi chép bằng tay trên giấy. Khi có yêu cầu thông tin từ đơn vị nhập khẩu nước ngoài về một lô hàng cụ thể, họ phải vào kho tìm lại giấy tờ ghi chép để lấy thông tin. Có thể lấy một ví dụ đơn giản như, một doanh nghiệp xuất khẩu lô hàng 10 container phi lê cá tra mà số cá được thu gom từ 20 trang trại khác nhau thì số lượng giấy tờ ghi chép quy trình từ khâu mua con giống, nuôi trồng, vận chuyển đến chế biến, đóng gói xuất khẩu là rất lớn. Có thể thấy đây là các làm rất rủi ro và khó tin cậy trong điều kiện công nghệ hiện nay, khó để xây dựng lòng tin với khách hàng và thị trường. chưa kể mã số truy xuất của lô hàng do doanh nghiệp áp dụng không theo một chuẩn mực quốc tế nào.
Bộ giải pháp e-Gap ra đời nhằm giúp cho người tiêu dùng có thể truy xuất nguồn gốc, giám sát minh bạch và giúp doanh nghiệp quản lý hoạt động sản xuất, kết nối cơ sở sản xuất với thị trường tiêu thụ. Với bộ giải pháp này, người tiêu dùng có thể kiểm tra được xuất xứ sản phẩm: cơ sở sản xuất, lịch sử canh tác, thu hoạch, sơ chế đóng gói, hạn sử dụng… đều được hiển thị đầy đủ trên màn hình. Thông tin này giúp người tiêu dùng dễ dàng nắm bắt được nguồn gốc về nông sản, từ giống cây trồng đến quy trình chăm sóc, nơi trồng… góp phần tăng uy tín và giá trị nông sản của người dân.
Bên cạnh đó, các cơ sở sản xuất tham gia sử dụng e-Gap sẽ được kết nối với các chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp và thời tiết để được tư vấn, xây dựng và chuẩn hóa quá trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ phù hợp với điều kiện từng địa phương và tuân thủ theo quy định quốc tế và Việt Nam; những thông tin về tình hình thời tiết sẽ được các chuyên gia thông báo trên hệ thống của e-GAP và người sản xuất sẽ nhanh chosnh nhận được thông tin qua ứng dụng nhật ký điện tử, hệ thống website quản lý; nhắc nhở thông báo với người sản xuất khi công việc thực hiện không đúng hoặc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không nằm trong danh mục của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Trong quản lý hoạt động sản xuất, e-GAP cung cấp 3 cấp chức năng quản lý: Hệ thống quản lý dành cho nội bộ cơ sở sản xuất; hệ thống quản lý dành cho cơ quan quản lý và công cụ hỗ trợ Trạm thời tiết thông minh iMetos 3.3 AG.
Bên cạnh đó, e-GAP còn giúp cơ sở sản xuất dễ dàng đăng thông tin sản phẩm, đưa thương hiệu của cơ sở kết nối với các tổ chức, công ty thương mại trong và ngoài nước. Đây là một trong những yếu tố góp phần xây dựng thương hiệu nông sản và kết nối tìm đầu ra cho sản phẩm.
Bộ giải pháp công nghệ e-GAP gồm có 9 thành phần: Nhật ký điện tử; website hệ thống quản lý sản xuất riêng cho cơ sở; EGAP hỗ trợ các cơ quan quản lý nhà nước, nhà đầu tư, công ty thương mại, khuyến nông, tín dụng; phần mềm quản lý in và phát hành tem theo sản lượng thực; camera trực tuyến; tem tuy xuất QR-code e-GAP; cổng thông tin EGAP.VN và kết nối thị trường dành riêng cho từng tỉnh thành; gói công nghệ phục vụ sản xuất theo các tiêu chuẩn GAP (công nghệ hữu cơ thế hệ mới, công nghệ thời tiết thông minh iMetos, công nghệ đèn led năng lượng thế hệ mới); phát triển các vùng sản xuất công nghệ cao, xúc tiến thị trường nông sản dựa trên sự tín nhiệm có kiểm soát.
Kết quả ban đầu cho thấy, e-Gap triển khai áp dụng hệ thống quản lý canh tác điện tử và truy xuất minh bạch nguồn gốc cho các loại sản phẩm có thế mạnh: nhãn, chè, thanh long đỏ, rau, lúa gạo, cây dược liệu, thủy sản… tại các huyện, doanh nghiệp, hợp tác xã thí điểm. Tổ chức thị trường đầu ra, chào hàng thành công cho 9 loại nông sản tươi và chế biến: thanh long ruột đỏ, xoài, nhãn, vải, cam, bưởi, bơ, điều, cây dược liệu (Sacha Inchi), thủy sản tại các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật, Quatar, Úc…
Cổng thông tin egap.vn quản lý, truy xuất minh bạch và kết nối thị trường nông sản Việt Nam với các tên miền phụ như sonla.egap.vn, hanoi.egap.vn… và tem truy xuất thông minh QR-Code. E-Gap hy vọng sẽ được các hộ sản xuất, hợp tác xã, doanh nghiệp, các cấp quản lý sử dụng tạo niềm tin cho khách hàng về tính an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao giá trị nông sản Việt Nam trên thị trường trong nước và xuất khẩu.
Hoàng Ái