Nụ vối với bệnh đái tháo đường Type 2 (15/12/2018)
Trong những thập kỷ gần đây, các nghiên cứu về cây cỏ thực vật có khả năng hỗ trợ quản lý bệnh đái tháo đường và biến chứng đái tháo ngày càng thu hút sự quan tâm của các nhà khoa học trên thế giới. Ở nước ta, các nghiên cứu về thành phần và hoạt tính sinh học có tác dụng hỗ trợ phòng chống bệnh đái tháo đường của nhiều nguyên liệu thực vật còn chưa nhiều.
Cùng với các nhà khoa học trên thế giới, các nhà khoa học Việt Nam cũng đã và đang nghiên cứu về vấn đề này, các nguyên liệu thực vật cũng được các nhà khoa học nghiên cứu khai thác. Các bài thuốc đông y, các cây thuốc dân gian có tác dụng phòng trị bệnh đái tháo đường của cha ông để lại cũng đã góp phần giúp cho các nhà khoa học định hướng nghiên cứu sâu hơn để tìm ra các bằng chứng khoa học.
Cây vối có tên khoa học là Cleistocalyx operculatus (Roxb) Merr and Perry thuộc họ Sim, là loài cây trồng rất quen thuộc của nhân dân ta. Từ lâu đời, lá và nụ hoa vối được dùng để ủ hoặc nấu lấy nước uống giống như lá chè xanh hay nụ hoa hòe. Sàng lọc trên 28 loại thực vật ăn được ở Việt Nam đã tìm thấy nụ vối có hàm lượng lopyphenol cao (tương đương 128 mg catechin/gram trọng lượng khô) với khả năng ức chế men alpha-glucosidase. Một loạt nghiên cứu được tiến hành nhằm xác định khả năng hạn chế tăng đường huyết sau ăn của bột nụ vối chiết tách trên chuột đái tháo đường và trên người khỏe mạnh.
Tác dụng chống oxy hóa của nụ vối, một nguyên liệu thông dụng dùng để chế nước uống của người Việt Nam, đã được nghiên cứu trên ống nghiệm và chuột tiểu đường. Trên ống nghiệm, bột nụ vối chiết tách từ nụ vối có hàm lượng polyphenol và hàm lượng flavonoid cao, đồng thời chỉ ra tác dụng chống oxy hóa mạnh khi so với một chiết tách từ lá ổi và bột chiết tách từ lá chè xanh. Trên chuột tiểu đường, sau 8 tuần cho uống nụ vối cho thấy nồng độ peroxy hóa lipit trong máu và ở mắt thấp hơn có nghĩa thống kê ở nhóm chuột uống nụ vối so với nhóm chứng.
Năm 2010, TS.BS Trương Tuyết Mai, Viện Dinh dưỡng và các cộng sự thực hiện nghiên cứu đánh giá hiệu quả kiểm soát đường huyết của nụ vối trên bệnh nhân đái tháo đường type 2 tại Hà Nội. Kết quả, thử nghiệm xác định khả năng hạn chế tăng cường đường huyết sau ăn của nụ vối đã cho thấy, trên cùng 20 bệnh đái tháo đường, nồng độ đường huyết của ngày uống nụ vối không tăng nhiều hơn so với ngày không uống nụ vối. sự khác biệt có ý nghĩa thống kê tại thời điểm sau ăn 30 phát, khi so sánh cùng thời điểm giữa ngày uống nụ vối và ngày chứng.
Trong nghiên cứu cho thấy, nụ vối có hiệu quả hạn chế tăng đươcng huyết sau ăn trên 80% bệnh nhân đái tháo đường, thấy rõ 16 trên 20 bệnh nhân tham gia đạt hiệu quả hạn chế tăng cường đường huyết. Trong nghiên cứu này, tác giả sử dụng nước trà vối là 150ml, một lần uống gần bằng một nữa so với liệu thử nghiệm trên người khỏe mạnh, lý do giảm liều là khi nghiên cứu trên người khỏe mạnh, lượng nụ vối khô quá đặc, đối tượng khó uống.
Bên cạnh đó, tác giả đã nghiên cứu sử dụng cơm trung bình mà hàng ngày các đối tượng ăn trong 2 bữa chính, điều này cũng cho thấy được hiệu quả trong nghiên cứu cũng sẽ gần với thực tế ăn uống hàng ngày của bệnh nhân đái tháo đường. Với nghiên cứu của tác giả Deguchi và cộng sự về lá Ổi, tác giả lại sử dụng 75 đường để thay thế bữa ăn, thử nghiệm cho thấy hiệu quả hạn chế tăng đường huyết sau ăn của lá ổi, nhưng lại chưa gần với việc áp dụng bữa ăn thông thường, đây là một trong những điểm yếu mà tác giả đã chỉ ra trong nghiên cứu của mình.
Trong nghiên cứu này, sau 3 tháng liên tục uống nụ vối, các rối loạn về chuyển hóa đường, chuyển hóa lipit, các chỉ số về chức năng gan và thận của nhóm uống nụ vối cũng đã được cải thiện một cách rõ rệt so với trước khi can thiệp và so với nhóm chứng.
Với hiệu quả giảm đường huyết, hiệu quả giảm nồng độ HbA1c cũng đã quan sát thấy rõ trên nhóm uống nụ vối. Nhóm nghiên cứu thực hiện tư vấn dinh dưỡng cho cả 2 nhóm đối tượng, do đó số bệnh nhân thực hiện theo chế độ ăn cho người bệnh đái tháo đường cũng tăng đáng kể, từ đó vấn đề kiểm soát đường huyết tốt của 2 nhóm cũng được thể hiện qua chỉ số HbA1c. Thông qua khẩu phần ăn của 2 nhóm, tác giả cũng thấy được các bệnh nhân của 2 nhóm thực hiện chế độ ăn kiêng cho bệnh đái tháo đường tương đối tốt, nghiêm ngặt. Chỉ số HbA1c là một chỉ số nói lên việc kiểm soát đường huyết trong 2-3 tháng qua được thực hiện có tốt hay không.
Một kết quả đáng nói đến, đó là nồng độ insulin huyết thanh cũng có xu hướng tăng lên ở cả 2 nhóm, nhưng sự cải thiện có ý nghĩa thống kê chỉ xảy ra ở nhóm uống nụ vối. đây cũng là nguyên nhân góp phần cải thiện chỉ số đường huyết và chỉ số HbA1c. Ngoài ra, qua nghiên cứu cũng cho thấy hiệu quả chuyển hóa lipid đối với nụ vối, cải thiện chức năng thận và nồng độ creatinin, nồng độ acid uric đã giảm một cách đáng kể ở nhóm dùng nụ vối.
Quốc Khánh