Hoạt động nghiên cứu, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao thời kỳ 4.0 (15/12/2018)
Trong những năm gần đây, thực hiện chủ trường “chuyển đổi cây trồng trên đất lúa giai đoạn 2014-2020” của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn nhằm chuyển đổi khoảng 510 nghìn ha đất sang cây trồng khác (đặc biệt lá rau, hoa, quả) đã đạt được những kết quả đáng mừng. Từ năm 2008 đến năm 2017, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm nông sản đạt 261,2 tỷ USD- tăng bình quân 9,24%/năm. Riêng năm 2017 kim ngạch xuất khẩu đạt 36,6 tỷ USD- tăng 20,05 tỷ USD so với năm 2008. Các mặt hàng có giá trị cao như rau, hoa, quả đã có những bước nhảy vọt trong đóng góp về giá trị xuất khẩu từ chỉ 0,62 tỷ USD (2011) lên 3,51 tỷ USD (2017) tăng hơn 560%. Thu nhập hộ gia đình ở nông thôn tăng từ 75,8 triệu đồng (năm 2012) lên 130 triệu đồng (năm 2017). Về cơ cấu, từ chỗ trên 90% dân số sống và sản xuất dựa vào nông nghiệp, đến nay con số này chỉ còn trên 60%.
“Ở nước ta đã có gần 50.000 doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Dù còn nhiều hạn chế như tỷ lệ nhỏ ứng dụng khoa học công nghệ và áp dụng tiêu chuẩn chất lượng quốc tế (chỉ gần 5% số doanh nghiệp nông lâm thủy sản được cấp chứng nhận VietGap và tương đương), nhưng với sự thay đổi tích cực của khu vực và thế giới, Việt Nam đang có nhiều cơ hội để xây dựng một nền nông nghiệp thông minh và đưa Việt Nam lên vị trí hàng đầu thế giới về nông sản. đã có nhiều mô hình thành công khi ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, từ những hộ quy mô sản xuất nhỏ, nhóm tổ sản xuất đến các doanh nghiệp cỡ lớn như mô hình sản xuất hoa của Dalat Hasfarm, mô hình trồng rau công nghệ cao VinEco của Vingroup, mô hình chăn nuôi bò sữa công nghệ cao của Vinamilk, mô hình nuôi gà công nghệ cao theo tiêu chuẩn Global Gap của Hùng Nhơn Group,…” TS. Đoàn Duy Khương, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết.
Tuy nhiên, nông nghiệp Việt Nam vẫn chủ yếu vẫn theo chiều rộng, nhờ tăng diện tích, tăng vụ và nhờ vào các yếu tố đầu vào truyền thống như lao động, vốn, vật tư, nguồn lực tự nhiên... Việc ứng dụng các công nghệ cao, công nghệ tiên tiến dựa trên số hóa và kết nối tạo ra các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh đã xuất hiện nhưng còn rất ít. Vì thế, mô hình tăng trưởng nông nghiệp như hiện nay mới chỉ tạo ra được khối lượng nhiều nhưng giá trị thấp, hiệu quả sử dụng đất đai và tài nguyên chưa cao. Chính vì vậy, nông nghiệp Việt Nam cần phải ứng dụng những khoa học kỹ thuật, công nghệ hiện đại, công nghệ sinh học vào sản xuất nông nghiệp. Nếu nông nghiệp Việt Nam không có những thay đổi mạnh mẽ về KH&CN, sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức và tác động tiêu cực như tụt hậu về công nghệ, cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên và suy giảm sản xuất, kinh doanh.... sản phẩm tạo ra sẽ không thể cạnh tranh với các nước trong khu vực và thế giới.
Nông nghiệp công nghệ cao sẽ thay đổi phương thức quản lý trang trại, doanh nghiệp, hộ gia đình; hỗ trợ lưu trữ dữ liệu trên internet và chia sẻ nguồn dữ liệu cho nhiều người cùng sử dụng, thông qua thiết bị cảm biến kết nối với internet; hỗ trợ công khai minh bạch hóa quá trình sản xuất - chế biến - tiêu thụ, truy suất nguồn gốc, công khai quy trình công nghệ áp dụng, tiêu chuẩn chất lượng đạt được đến mức độ nào thông qua điện thoại thông minh kết nối với các thiết bị IoT.
Trong nghiên cứu khoa học, phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo xu thế cách mạng công nghiệp 4.0 được các cấp, các ngành, các nhà khoa học quan tâm, chú trọng, nhiều kết quả nghiên cứu đã được triển khai, mang lại hiệu quả to lớn cho ngành nông nghiệp nước ta:
Năm 2015, nhóm nghiên cứu do ThS. Quản Xuân Hữu tại Viện Chăn nuôi dẫn đầu, đã gặt hái nhiều thành công trong việc tạo bê sữa cao sản bằng kỹ thuật chia tách phôi. Kết quả đã tạo ra nhiều giống phôi bằng phương pháp chia, tách phôi mang các đặc tính di truyền quý sẽ giúp người chăn nuôi giảm thời gian gây dựng đàn, tăng năng suất các sản phẩm chăn nuôi qua đó, nâng cao thu nhập. Tạo phôi bò bằng phương pháp chia, tách phôi có ý nghĩa quan trọng đối với ngành chăn nuôi vì công nghệ này không chỉ có khả năng tạo ra một số lượng lớn phôi tốt mang tính trạng mong muốn, mà còn góp phần bảo vệ và phát huy nguồn gen quý hiếm bản địa.
Công nghệ tổng hợp Cu2O nano ứng dụng làm phân bón đa chức năng có khả năng diệt trừ tuyến trùng rễ Meloidogyne sp và nấm bệnh Fusarium solani trên cây Hồ tiêu của Viện Khoa học Vật liệu Ứng dụng - Viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam được hỗ trợ triển khai thử nghiệm tại Công ty TNHH Voi Trắng. Đây là công nghệ giúp giải quyết hiệu quả các loại bệnh phổ biến trên cây hồ tiêu - một trong các sản phẩm chủ lực của nền nông nghiệp Việt Nam, đồng thời tăng chất lượng sản phẩm, tạo ra hiệu quả kinh tế cao trong khi loại trừ được các ảnh hưởng tiêu cực do sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.
Triển khai công nghệ 4.0 trong trồng rau sạch phục vụ phổ cập kiến thức 4.0 cho các thế hệ học sinh mới bước vào những của học đường do Trường Đại học Nguyễn Tất Thành phối hợp với Trường Victoria Internetional School thực hiện. Trong đó có nội dung ươm tạo cho các cháu từ cấp I đến cấp III trong toàn thành phố Hồ Chí Minh về lĩnh vực công nghệ 4.0 ứng dụng trong nông nghiệp công nghệ cao. Trường đã hình thành vườn rau thủy canh được điều khiển bằng hệ thống 4.0 làm mô hình đào tạo cho các cháu.
Hệ thống theo dõi giám sát các thông số có nhiệt độ, độ ẩm, CO2 trong bảo quản hành, hệ thống cảm biến kết nối với smartphone giúp theo dõi các thông số trên để ủ hành trong đống rơm, không sử dụng hóa chất; hệ thống giám sát nhiệt độ, độ ẩm trong nhà kính nông nghiệp dự trên công nghệ mạng không dây wifi của tác giả Phạm Mạnh Toàn, khoa điện tử viễn thông, trường Đại học Vinh, hệ thống này cho kết quả đo nhiệt độ và độ ẩm chính xác với sai số nhiệt độ là 0.5% và độ ẩm là 1%...
Tuấn Duy