Giải quyết ô nhiễm nhựa và nylon (21/12/2018)
Giải quyết ô nhiễm nhựa và nylon
“Giải quyết ô nhiễm nhựa và nilon”. Bởi ô nhiễm chất thải nhựa và nylon đã trở thành gánh nặng môi trường tự nhiên và sức khỏe con người. Theo công bố của Chương trình Môi trường Liên hiệp quố, mỗi năm chúng ta thải ra một khối lượng nhựa đủ để trải quanh Trái đất bốn lần. Bên cạnh đó, có khoảng 500 tỷ túi nhựa được tiêu thụ trên thế giới. Tuy nhiên, phần lớn lượng rác thải này không được tái chế và thải ra môi trường. Những con số này khiến chúng ta không khỏi giật mình về môi trường sống hiện nay. Chính vì vậy thông điệp “ nếu bạn không tái sử dụng thì hãy từ chối sử dụng” thúc giục chúng ta phải có lối sống xanh, hạn chế sử dụng nhựa và nylon cũng như có những hành động thiết thực để bảo vệ môi trường...
Rác thải nhựa và nylon đang ở mức báo động tại Việt Nam
Điều đáng nói Việt Nam là nước có lượng rác thải nhựa xả ra môi trường đứng thứ 4 trên thế giới. Khối lượng rác thải nhựa dao động khoảng 0,28 – 0,73 triệu tấn/năm. Riêng tại tỉnh Bình Dương mỗi ngày phát sinh khoảng 1.600 tấn rác thải đô thị, trong đó lượng chất thải nhựa, ny lon chiếm khoảng 200 tấn/ngày.Tuy nhiên, tỉ lệ nhựa được thu gom tái chế mới chỉ được khoảng 08% tổng lượng chất thải nhựa phát sinh. Còn đối với túi nylon, hiện nay tại Bình Dương nói riêng và Việt Nam nói chung, thói quen sử dụng loại túi không thân thiện với môi trường này vẫn còn rất phổ biến. Với dân số hơn 90 triệu dân của Việt Nam, trung bình mỗi ngày một người chỉ cần thải 1 túi nylon ra môi trường thì không thể tưởng tượng nổi, trong tương lai môi trường sẽ gánh chịu những tác hại của túi nylon như thế nào.
Với đặc tính bền vững trong tự nhiên, rác thải nhựa đã và đang tác động tiêu cực đến môi trường, kinh tế, xã hội và sức khỏe con người. Chất thải nhựa trở thành một thách thức lớn đối với cộng đồng và xã hội. Sự gia tăng nhanh chóng chất thải nhựa khiến ô nhiễm nhựa trở thành một vấn đề môi trường mang tính toàn cầu.
Theo các nha khoa học, phải mất hàng trăm năm, các chất thải từ nhựa và nilon mới bị phân hủy. Chúng cản trở sự sinh trưởng và phát triển của các loài động thực vật. Rác thải từ nhựa và nylon cũng la nguyên nhân làm tắc nghẽn hệ thống hạ tầng phục vụ dân sinh, thu hẹp không gian sống của sinh vật và gây độc cho môi trường. Chất thải nhựa và ni lông khi đốt sẽ tạo ra khí thải có chứa Dioxin và Furan - những chất kịch độc, tồn tại lâu dài trong môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người.
Phải có những giải pháp căn cơ
Để giảm thiểu rác thải nhựa và nylon, những năm gần đây Bình Dương đã bắt triển khai nhiều giải pháp mang tính lâu dài để thay đổi thói quen và ý thức của người dân. Một chương trình ý nghĩa có thể kể đến đó là Chương trình nói chuyện chuyên đề về môi trường tại các trường tiểu học. Đây là một trong các chương trình thuộc chuỗi hoạt động nâng cao nhận thức về môi trường do Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Dương, tỉnh Đoàn BÌnh Dương và công ty TNHH FrieslandCampina Việt Nam phối hợp thực hiện trong suốt năm 2018. Vẫn là những kiến thức cơ bản về biến đổi khí hậu, làm thế nào để tiết kiệm điện, nước; tác hại của rác thải nhựa hay tầm quan trọng của việc phân loại rác nhưng qua cách truyền tải mới mẽ của các giáo viên đã trở nên rất thú vị và sinh động. Với 4 món bảo vật: gươm điện, áo giáp nước, găng tay xanh và khiên rác thải là những công cụ để các dũng sỹ môi trường thực hiện nhiệm vụ của mình. Cách xây dựng hình tượng dũng sỹ môi trường như vậy đã kích thích trí tưởng tượng của các em. Từ đó những hành vi đúng đắn về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu được các em tiếp thu một cách tự nhiên, dễ nhớ dễ thực hiện. Để rồi trong học tập và sinh hoạt hàng ngày, các em đều tự giác thực hiện những hành vi đúng đắn đó, vì ai cũng muốn mình là một dũng sỹ môi trường.
Với cách làm bài bản, chương trình được kỳ vọng sẽ tạo nên những thay đổi trong các truyền thông bảo vệ môi trường cho các em học sinh và xa hơn là hình thành cho một thế hệ trẻ có những suy nghĩ tích cực và nhữn hành vi thân thiện với môi trường.
Một chương trình khác cũng khá quy mô và được tổ chức thí điểm tại nhiều huyện thị trong tỉnh. Đó chính là chương trình phân loại rác thải tại nguồn. chương trình này được triển khai theo quyết định 458 ngày 28.02.2017 của UBND tỉnh Binh Dương. Theo quyết định này, việc phân loại rác thải tại nguồn sẽ được triển khai thí điểm trong giai đoạn năm 2017 -2018. Cấp tỉnh sẽ triển khai thí điểm trên đại lộ Bình Dương đoạn từ bệnh viện Quốc tế Becamex đến đường Phạm Ngọc Thạch và từ đường Phạm Ngọc Thạch đến trung Tâm hành chính tập trung tỉnh Bình Dương. Đối với cấp huyện, các thị xã Thuận An , DĨ An và Bến Cát sẽ chọn 1 khu phố/ấp để triển khai thí điểm.
Đến nay việc phân loại rác thải tại nguồn đã bắt đầu phát huy hiệu quả. Nhiều người dân đã biết đến chương trình, hiểu được ý nghĩa của việc phân loại và cùng tham gia vào thực hiện. Các mô hình tổ tự quản bảo vệ môi trường tại các địa phương cũng bắt đầu thực hiện chương trình ý nghĩa này này.
Rác thải nhựa là vấn đề không chỉ Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới cũng đang đối mặt. Do đó, cần phải có sự phối hợp của các cấp, các ngành trong việc hoàn thiện thể chế chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường. Ngoài việc thực hiện các giải pháp dài hạn để giảm thiểu rác thải nhựa ra môi trường thì việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về tác hại của rác thải nhựa là điều hết sức cần thiết. Mong rằng BÌnh Dương sẽ có nhiều chương trình tuyên truyền hay, ý nghĩa và thiết thực để giúp thay đổi các thói quen sử dụng sản phẩm nhựa và túi nylon. Có như thế thì hành trình giảm thiểu rác thải nhựa mới nhận được sự chung tay của nhiều đối tượng. Từ việc thay đổi nhận thức, chắn chắn việc tuân thủ những quy định của pháp luật về Bảo vệ trường cũng sẽ được thực hiện dễ dàng hơn.
Huỳnh Thanh