Ứng dụng, đầu tư công nghệ mới vào sản xuất sơn mài (25/12/2018)
Công ty TNHH MTV Sơn mài Mỹ nghệ Tư Bốn, đơn vị có hơn 30 năm gắn bó với làng sơn mài Tương Bình Hiệp đã có những bước đi tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất không chỉ riêng đơn vị mà cho cả 50 cơ sở sản xuất sơn mài tại làng nghề.
Ông Lê Bá Linh cho biết, cách đây vài năm ông đã biết đến công nghệ này sử dụng in cho nhiều sản phẩm khác nhau nhưng ông thấy có thể ứng dụng cho sản phẩm sơn mài. Ban đầu, ông đem sản phẩm sơn mài đến thành phố Hồ Chí Minh để in, rồi bắt đầu tìm tòi, nghiên cứu. Những máy in nhập về thì giá thành cao, ở thành phố Hồ Chí Minh họ chỉ nhập đầu máy, sườn máy họ tự thiết kế thì chưa được chuẩn. Tuy giá trị máy in UV6090 không nhiều nhưng đối với các cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ sơn mài trong làng nghề thì khá lớn, khi được sự từ Sở Công thương, ông quyết tâm đầu tư công nghệ để thực hiện mơ ước ấp ủ hơn 5 năm của mình với ý nghĩa thay đổi công nghệ, tìm hướng đi mới, sản xuất ra được những sản phẩm phù hợp với giá cả và đáp ứng nhu cầu của thị trường. Tuy tìm hiểu, thay đổi để có những cáo mới trong sản phẩm nhưng vẫn giữ được nét truyền thống của sản phẩm.
Với ứng dụng công nghệ mới, ông có thể nhân rộng những bức tranh vẽ, thiết kế những file ảnh quà tặng đưa vào sản xuất dễ dàng, thuận tiện hơn, nhanh hơn nhưng vẫn đảm bảo được nét truyền thống của mình. Nhờ công nghệ nhân bản dễ dàng, sản phẩm sơn mài sản xuất được nhanh hơn và giá cả giảm đi rất nhiều.
Mỗi tranh vẽ có mỗi nét riêng, sáng tạo riêng của người họa sĩ. Chính vì vậy, công nghệ nhân bản của ông chỉ nhằm giới thiệu sản phẩm rộng rãi hơn nhưng không làm mất đi vẻ đẹp, sự tinh xảo, sự tài hoa của bàn tay người thợ. Từ những sản phẩm nhân bản này, khách hàng có thể tìm đến mua tấm tranh gốc nếu ưng ý. Đây cũng là một trong những hình thức nhằm quảng bá các sản phẩm truyền thống của ông.
Ngoài việc, ứng dụng cho các sản phẩm tại doanh nghiệp, ông còn hướng hẫn cho các cơ sở trong làng nghề cách sử dụng các thiết bị nếu có nhu cầu đầu tư hoặc gia công sản phẩm, ý tưởng cho các cơ sở trong làng với giá cả hợp lý để có những sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường.
Trong thời gian tới, doanh nghiệp cần phải có những thay đổi sáng tạo trong chất liệu, nghiên cứu những chất liệu mới phù hợp với sơn mài để cải tiến sản phẩm; nghiên cứu những công nghệ trong sáng tạo sản phẩm… tạo ra những sản phẩm mới phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng nhưng vẫn giữ được sơn mài truyền thống.
Làng nghề Tương Bình Hiệp đã sản sinh ra nhiều thế hệ nghệ nhân tài hoa, đưa sản phẩm sơn mài Tương Bình Hiệp ra nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Pháp, Đức, Nhật Bản… Hiện nay, viêc sản xuất ra sản phẩm phụ thuộc phần lớn vào tay nghề của thợ thủ công, mất nhiều thời gian cho các công đoạn sản xuất nên các cơ sở không mạnh dạn ký kết các đơn hàng lớn, giá thành thương hiệu ngày càng tăng, làm tăng giá thành sản phẩm. trong khi đó, giá bán trong thị trường các nước đang cạnh tranh khốc liệt, đồng thời khách hàng quốc tế ngày càng khắc khe về chất lượng sản phẩm. Vì vậy, việc ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất sơn mài là một bước tiến mới, phù hợp với xu hướng thị trường hiện nay. Có thể nói, sự phát triển của làng nghề trong những năm gần đây đã góp phần tăng nhanh sản xuất công nghiệp, đóng góp quan trọng trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Nguyễn Nhi