Tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh soi sáng quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào (25/12/2018)
TS Nguyễn Hoàng Huế
Giảng viên Khoa Sử Đại học Thủ Dầu Một
Tóm tắt:
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Trên phương diện quan hệ quốc tế, Hồ Chí Minh đã nêu một mẫu mực điển hình phấn đấu cho sự phát triển tình đoàn kết, hữu nghị giữa các dân tộc, kết hợp một cách nhuần nhuyễn, tài tình chủ nghĩa yêu nước chân chính với chủ nghĩa quốc tế trong sáng của giai cấp công nhân, trong đó sự đóng góp to lớn của Người đối với sự phát triển quan hệ giữa Việt Nam và Lào là một biểu hiện sinh động nhất.
Kế thừa di sản quý báu của Chủ tịch Hồ chí Minh, phát huy tinh thần truyền thống quý báu được xây dựng từ nhiều thế hệ, hai Đảng và nhân dân hai nước không ngừng phấn đấu đưa quan hệ đặc biệt Việt – Lào phát triển lên tầm cao mới, vì sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước thân yêu của mình, vì hòa bình, ổn định, hữu nghị và hợp tác trong khu vực và trên thế giới.
Nội dung:
1. Cơ sở của mối quan hệ Việt Nam – Lào
Quan hệ Việt - Lào, mối quan hệ được xây đắp từ bao đời nay giữa hai dân tộc trên cùng dải đất Đông Dương được gắn kết bởi điều kiện địa lý tự nhiên và phát triển trong quá trình lịch sử hai dân tộc, đặc biệt trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược cũng như trong công cuộc xây dựng đất nước ngày nay. Mối quan hệ ấy đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Cay Xỏn Phôm Vi Hản, Chủ tịch Xu Pha Nu Vông và các thế hệ cách mạng của hai dân tộc dày công vun đắp.
Việt Nam và Lào là hai nước láng giềng có mối quan hệ gắn bó với nhau từ lâu đời. Trong lịch sử phát triển của mình, cả hai dân tộc đều có những nét tương đồng về điều kiện tự nhiên, về lịch sử tộc người cũng như về vận mệnh lịch sử. Cả hai nước Việt Nam và Lào đều nằm trên bán đảo Đông Dương, vị trí trung tâm của khu vực Đông Nam Á, nơi có vị trí địa lý thuận lợi, là cửa ngõ trên tuyến đường từ Đông sang Tây. Mặt khác, bán đảo Đông Dương còn là nơi tiếp giáp với các trung tâm văn minh của nhân loại (Ấn Độ ở phía Tây Bắc và Trung Hoa ở phía Đông Bắc). Ngày nay bán đảo Đông Dương còn là nơi tiếp giáp với các nền kinh tế phát triển và năng động của thế giới: Trung Quốc, Nhật Bản, NICs Đông Á…Việt Nam và Lào là hai quốc gia có chung đường biên giới kéo dài 2069km. Theo địa giới hành chính Việt Nam có 10 tỉnh tiếp giáp với các tỉnh của Lào. Chỉ hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh của Việt Nam đã có 564km đường biên giới quốc gia tiếp giáp với 4 tỉnh của Lào là Hủa Phăn (128km), Xiêng Khoảng (134km), Bôlykhămxay (227km) và Khăm Muộn (75km). Nhân dân hai nước vùng biên giới có nhiều quan hệ thân tộc, tiếp xúc giao lưu văn hóa, thương mại và đấu tranh chống kẻ thù chung [4:95 - 196].
Việt Nam và Lào cũng như nhiều quốc gia Đông Nam Á khác, đều chịu ảnh hưởng của nền văn hóa từ Trung Quốc và Ấn Độ du nhập vào, cho nên nền văn hóa của hai nước đều mang đậm bản sắc văn hóa phương Đông với những đặc trưng riêng. Văn hóa Việt Nam và văn hóa Lào có những nét tương đồng nhất định. Trước hết, nền văn hóa của Việt Nam và Lào đều được xây dựng trên nền tảng dân chủ phụ quyền và đều coi trọng những mối quan hệ gia đình, cộng đồng, xã hội… Về mặt tôn giáo, Phật giáo có ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân Việt Nam và Lào. Có thể thấy được điều này qua hệ thống chùa chiền được xây dựng rất nhiều ở mỗi nước. Cho đến ngày nay, Phật giáo vẫn luôn là một tôn giáo có nhiều tín đồ nhất ở hai quốc gia này và nó giữ một vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh của người dân.
Sự tương đồng trong tôn giáo, tín ngưỡng hay trang phục của người Lào và người Thái ở Việt Nam tạo nên sự đan xen, hòa quyện giữa văn hóa của hai nước trên cái nền chung của văn hóa khu vực. Chính sự tương đồng đó đã không ngừng tác động qua lại đến cuộc sống của cư dân Việt Nam và cư dân Lào, tạo nên một tiềm năng to lớn, một bản lĩnh cần có cho cư dân hai nước khi tiếp biến hai nền văn minh cổ của thế giới là Trung Quốc và Ấn Độ, để từ đó hình thành nên một cách tự nhiên, những mối liên hệ đa dạng và đa chiều trong lịch sử quan hệ giữa hai nước, tạo thêm cơ sở vững chắc và lâu bền trong quan hệ hợp tác giữa hai quốc gia dân tộc.
Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Việt Nam và Lào đều có kẻ thù chung và sự nghiệp giải phóng dân tộc trong điều kiện lịch sử gần như tương đồng. Đảng cộng sản Đông Dương ra đời năm 1930 đánh dấu một bước ngoặt trong lịch sử, đưa liên minh chiến đấu Việt Nam - Lào lên một tầm cao mới. Từ đây, liên minh đoàn kết giữa hai nước được lãnh đạo bởi hệ thống lý luận tiên tiến, với sự lãnh đạo của một Đảng Mác xít chân chính và những người cộng sản kiên trung, đặc biệt là Chủ tịch Hồ Chí Minh - người chiến sĩ cách mạng quốc tế đầu tiên gắn bó sâu sắc với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân các nước Đông Dương.
Quan hệ Việt Nam - Lào từ khi Đảng cộng sản Đông Dương ra đời đến năm 1975 chủ yếu là liên minh đoàn kết chiến đấu để giành độc lập tự do cho mỗi nước. Mối quan hệ đó đã được thử thách qua 45 năm đấu tranh, được bảo vệ xây đắp bằng xương máu và công sức của biết bao anh hùng liệt sỹ và quân dân hai nước qua hai cuộc kháng chiến chống xâm lược anh dũng lâu dài gian khổ nhưng cuối cùng đi đến thắng lợi vẻ vang, mở ra một thời kỳ hòa bình và kiến thiết đất nước cho cả hai dân tộc.
Sau hai cuộc kháng chiến trường kỳ thắng lợi, Việt Nam và Lào bước ra khỏi cuộc chiến tranh với tư cách là người chiến thắng. Quan hệ Việt Nam - Lào lúc này càng được thắt chặt hơn: đó là quan hệ giữa hai Đảng, hai Nhà nước xã hội chủ nghĩa có chủ quyền cùng lý tưởng Mác - Lênin. Mối quan hệ Việt Nam - Lào lúc này phong phú hơn, đẩy lên tầm cao mới hợp tác về mọi mặt: chính trị, quốc phòng, an ninh, kinh tế, văn hóa, giáo dục…
Việt Nam và Lào đều là thành viên của tổ chức ASEAN, cùng với xu thế toàn cầu hóa, khu vực hóa, hai nước đều bắt tay vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Do đó, mối quan hệ bang giao truyền thống giữa hai nước càng được chú trọng và đẩy mạnh hơn bao giờ hết. Mặt khác, muốn xây dựng một nền kinh tế phát triển thì cả hai nước đều phải tiến hành mở cửa, giao lưu và tiếp thu có chọn lọc các tinh hoa của nhân loại về vốn, kỹ thuật, công nghệ… của các nước phát triển. Trong quá trình mở cửa đó, quan hệ giữa hai nước láng giềng luôn được Đảng và Nhà nước Việt Nam, Lào đặc biệt quan tâm, chỉ đạo và tạo mọi điều kiện thuận lợi. Trên cơ sở đó, quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai dân tộc không ngừng được đẩy mạnh, đặc biệt là quan hệ kinh tế ngày càng chiếm vai trò chủ đạo.
Quan hệ hợp tác giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam - Lào, từ trong lịch sử đến nay đạt được nhiều thành tựu to lớn, phục vụ đắc lực cho mục tiêu cao cả là hòa bình, độc lập dân chủ, thống nhất, phồn vinh và định hướng Xã hội chủ nghĩa của hai nước. Trong đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây, quan hệ giữa hai Đảng, hai Nhà nước là một mặt trận quan trọng, vừa góp phần nâng cao nội lực của cách mạng mỗi nước và cả hai nước, vừa tranh thủ được tối đa sự ủng hộ của quốc tế, vừa cô lập được kẻ thù để giành thắng lợi từng bước, tiến tới thắng lợi hoàn toàn của cách mạng mỗi nước. Trong thời bình, đặc biệt là thời đại hội nhập khu vực và quốc tế ngày nay, hợp tác về ngoại giao giúp cả hai nước từng bước hội nhập thành công. Hiện nay và trong tương lai lâu dài, trên cơ sở mối quan hệ hữu nghị, tình đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước; Việt Nam với Lào cần phối hợp và tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác toàn diện vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của mỗi nước và toàn khu vực.
2. Tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh soi sáng quan hệ Việt Nam - Lào
Tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh (một bộ phận quan trọng trong toàn bộ tư tưởng của Người) là hệ thống các quan điểm về đường lối chiến lược, sách lược đối với các vấn đề quốc tế và quan hệ quốc tế; là sự kết hợp truyền thống ngoại giao Việt Nam với kinh nghiệm thời đại, tri thức uyên bác, bản lĩnh và phong cách ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trở thành nền tảng và sợi chỉ đỏ xuyên suốt đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta. Trong thời đại Hồ Chí Minh, ngoại giao Việt Nam mang một vóc dáng mới, một vị thế mới. Cách mạng Tháng Tám thành công mở ra kỷ nguyên mới cho ngoại giao Việt Nam đi tiên phong, tiêu biểu cho bản sắc ngoại giao của các dân tộc bị áp bức đứng lên đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân cũ và mới, giành độc lập, tự do cho dân tộc. Từ khi nước nhà hoàn toàn thống nhất, nhất là sau hơn hai mươi năm tiến hành công cuộc đổi mới, ngoại giao chúng ta đã sáng tạo và tích lũy được nhiều kinh nghiệm, góp phần quan trọng nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế [8].
Ngay từ rất sớm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định rõ tình đoàn kết và liên minh chiến đấu Việt - Lào có vai trò đặc biệt quan trọng trong tiến trình cách mạng mỗi nước. Hồ Chí Minh trở thành người đặt nền móng, đồng thời đã cống hiến không mệt mỏi xây dựng, vun đắp mối quan hệ hữu nghị, tình đoàn kết đặc biệt giữa hai dân tộc Việt Nam và Lào.
Từ thực tế tình hình trong nước và các nước Đông Dương những năm đầu thế kỷ XX, Hồ Chí Minh đã xác định: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản” [3:314].
Người luôn đặt cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc Việt Nam gắn bó mật thiết với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân các nước trong đó có dân tộc Lào. Người cũng luôn quan tâm sâu sắc và coi việc giúp đỡ Lào vừa là trách nhiệm vừa là nghĩa vụ, là một nội dung quan trọng nhất của tình đoàn kết và liên minh chiến đấu Việt - Lào. Người không chỉ đóng góp về lý luận, đường lối, phương hướng cách mạng mà Người còn quan tâm đến cả việc tổ chức, chỉ đạo thực tiễn cách mạng Lào.
Mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước Việt – Lào được khẳng định từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Tháng 10/1930, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam quyết định đổi tên thành Đảng Cộng sản Đông Dương, đặt phong trào cách mạng hai nước Việt Nam và Lào dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu. Sự kiện này đánh dấu mốc quan trọngtrong mối quan hệ hữu nghị đặc biệt giữa hai quốc gia Việt Nam - Lào.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, các phong trào đấu tranh ở Việt Nam diễn ra mạnh mẽ và lan rộng trong cả nước và có ảnh hưởng lớn đến Lào. Các phong trào đấu tranh của nhân dân Việt Nam cũng đã nhận được sự ủng hộ của nhân dân Lào. Trước vận mệnh của các dân tộc Đông Dương, Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương đã liên tiếp tổ chức các cuộc hội nghị quan trọng để bàn chủ trương và biện pháp lãnh đạo phong trào đấu tranh của nhân dân đi đến thắng lợi. Đặc biệt, tháng 5/1941 lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã chủ trì Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ VIII quyết định đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu của cách mạng Đông Dương, giải quyết vấn đề dân tộc trong khuôn khổ từng nước và thành lập ở mỗi nước một Mặt trận Dân tộc Thống nhất rộng rãi.
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn gắn chủ nghĩa yêu nước với chủ nghĩa quốc tế vô sản; luôn nhận thức sâu sắc mối quan hệ mật thiết cách mạng hai nước Lào-Việt Nam, nuôi dưỡng và phát huy sáng tạo sức mạnh chung của nhân dân hai nước để cùng tiến hành thắng lợi Cách mạng Tháng Tám ở Lào cũng như thắng lợi Cách mạng Tháng Tám ở Việt Nam, giành độc lập cho nhân dân mỗi nước năm 1945.
Ngày 2-9-1945, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời. Ngày 12/10/1945 tại Thủ đô Vientiane, Chính phủ lâm thời Lào Itsala được thành lập, thông qua Hiến pháp và tuyên bố nền độc lập trước thế giới. Ngày 14/10/1945, Việt Nam là nước đầu tiên gửi điện chúc mừng và tuyên bố thừa nhận Chính phủ Lào độc lập và ngày 30/10/1945, hai nước đã ký Hiệp ước Hợp tác tương trợ Việt-Lào. Với Hiệp ước này, quan hệ Việt-Lào đã chuyển sang một giai đoạn mới - giai đoạn phát triển quan hệ đoàn kết giữa hai dân tộc anh em không chỉ trong quan hệ giữa nhân dân hai nước, mà còn trên tầm quan hệ gắn bó giữa hai nhà nước. Chủ tịch Xuphanuvông đã khái quát ý nghĩa trọng đại của sự kiện này: “Quan hệ Lào -Việt từ nay sẽ mở ra một kỷ nguyên mới” - kỷ nguyên của mối quan hệ đoàn kết đặc biệt Lào-Việt Nam giúp đỡ nhau vì mục tiêu chung của hai dân tộc. Cũng ngày 30/10/1945, Chính phủ hai nước quyết định thành lập Liên quân Việt Nam - Lào.
Thắng lợi đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, là thắng lợi của nhân dân hai nước cùng chung lý tưởng, cùng chung mục tiêu, đoàn kết gắn bó với nhau, cùng đấu tranh giành thắng lợi. Đó là bài học lịch sử đầu tiên vô cùng quý giá trong lịch sử cách mạng giải phóng của hai dân tộc anh em.
Năm 1946, ngay trong lần gặp làm việc đầu tiên với đồng chí Cayxỏn Phômvihản, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định vấn đề xây dựng cơ sở chính trị và các căn cứ cách mạng trên đất Lào là một trong những vấn đề quan trọng nhất. Ngày 27-2-1948, Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương quyết định thành lập Ban xung phong Lào Bắc đặt dưới sự lãnh đạo của đồng chí Cayxỏn Phômvihản. Trong thiếp gửi Ban xung phong Lào Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: "Kiến lập căn cứ địa Lào độc lập là nhiệm vụ cần kíp. Ban xung phong Lào Bắc phải ra sức gây cơ sở quần chúng trong vùng địch kiểm soát" [4:24]. Từ những năm đầu của cuộc kháng chiến, với sự giúp đỡ của các chiến sĩ tình nguyện Việt Nam, các cán bộ và chiến sĩ cách mạng Lào đã kiên trì vận dụng phương thức vừa đánh địch, vừa vận động tổ chức quần chúng, gây dựng cơ sở cách mạng, phát triển chiến tranh du kích.
Cùng với mối quan tâm xây dựng mặt trận dân tộc thống nhất, các căn cứ địa cách mạng và lực lượng vũ trang nhân dân, Hồ Chí Minh đặc biệt trăn trở về việc thành lập một chính đảng mácxit-lêninit riêng ở Lào. Sau hơn 20 năm dưới sự lãnh đạo thống nhất của Đảng Cộng sản Đông Dương, tình hình cách mạng Lào đã có những bước phát triển về chất, chín muồi những điều kiện chủ quan và khách quan cho sự ra đời chính đảng mácxit-lêninit. Bốn năm sau Đại hội II, từ 22-3 đến 6-4-1955, 19 đại biểu ưu tú, thay mặt cho hơn 200 chiến sĩ cộng sản Lào, đã họp Đại hội thành lập Đảng Nhân dân Lào (từ năm 1972 đổi tên là Đảng Nhân dân cách mạng Lào). Đảng Nhân dân Lào được xây dựng theo những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là sự kế tục truyền thống và sự nghiệp vẻ vang của Đảng Cộng sản Đông Dương do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, rèn luyện và lãnh đạo, trở thành nhân tố quyết định hàng đầu bảo đảm thắng lợi cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân các bộ tộc Lào.
Trên cương vị là người sáng lập, rèn luyện, lãnh đạo Đảng Cộng sản Đông Dương thời kỳ trước đây và người đứng đầu Đảng và Nhà nước Việt Nam sau này, Chủ tịch Hồ Chí Minh được sự tín nhiệm của những người cách mạng và nhân dân các bộ tộc Lào, đã tham gia chỉ đạo quá trình cách mạng giải phóng dân tộc ở Lào. Liên tục trong nhiều thập niên, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng đã ra nhiều chỉ thị, nghị quyết về cách mạng Lào. Đây cũng là một trong những trường hợp hiếm có trong lịch sử Phong trào cộng sản quốc tế, thể hiện tầm vóc lãnh tụ Hồ Chí Minh đối với cách mạng Đông Dương nói riêng, cách mạng thế giới nói chung; đồng thời là một biểu hiện sống động về mối quan hệ hữu nghị, tình đoàn kết đặc biệt giữa nhân dân hai nước Việt - Lào.
Trong suốt cuộc kháng chiến, dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng Cộng sản Đông Dương đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân dân hai nước Việt - Lào luôn kề vai sát cánh, phối hợp, hỗ trợ giúp đỡ lẫn nhau thực hiện toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến, từng bước chuyển từ thế phòng ngự sang phản công và tổng phản công để giành thắng lợi. Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7-1954) ở Việt Nam và Hội nghị Giơnevơ về lập lại hoà bình ở Đông Dương được triệu tập là thành quả chung của cách mạng Đông Dương, trong đó tình đoàn kết chiến đấu giữa nhân dân hai nước Việt - Lào được thể hiện nổi bật nhất.
Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc, nhân dân hai nước phải tiếp tục đối mặt với quân xâm lược đế quốc Mỹ. Sự nghiệp cách mạng của hai nước Lào-Việt Nam có mối quan hệ và ảnh hưởng lẫn nhau một cách đặc biệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhìn nhận thấy từ lâu, Người thường căn dặn: Cách mạng Lào không thể thiếu sự giúp đỡ của cách mạng Việt Nam và cách mạng Việt Nam cũng không thể thiếu sự giúp đỡ của cách mạng Lào. Chính vì vậy, trong cuộc đấu tranh giành độc lập, Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã cử hàng chục vạn người con yêu quý của mình sang công tác và phối hợp với quân và dân Lào chiến đấu tại các chiến trường của Lào, máu của biết bao anh hùng, liệt sĩ Việt Nam hòa quyện với máu của quân và dân Lào để đem lại thắng lợi vẻ vang cho hai dân tộc. Quan tâm, chia sẻ cùng đồng cam cộng khổ trong hai cuộc kháng chiến, Đảng, Chính phủ và nhân dân Lào đã dành phần đất của mình để giúp Việt Nam xây dựng “Đường Hồ Chí Minh”, “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”…
Đầu năm 1964, hai đồng chí Xuphanuvông và Kayxỏn Phomvihẳn đến Hà Nội, vào Khu Phủ Chủ tịch thăm Bác. Trong lúc nói chuyện, gió mùa đông bắc lùa hơi lạnh vào phòng khách, Bác chợt hỏi: "Ở Lào không rét như ở Việt Nam. Các đồng chí có lạnh lắm không? Sao hai đồng chí không quàng khăn cổ?", nói rồi Bác đứng dậy mở tủ lấy ra hai chiếc khăn quàng mới rồi nói: "Đồng chí Xuphanuvông và tôi là người già, nhiều tuổi, mỗi người một khăn quàng mới" và Bác tháo chiếc khăn đang quàng đưa cho đồng chí Kayxỏn: "Bác trao khăn này để đồng chí Kayxỏn quàng". Khi ra về, đồng chí Xuphanuvông hớn hở: "Tôi với Bác mỗi người một khăn mới", còn đồng chí Kayxỏn thì gật gù: "Còn tôi được kế thừa chiếc khăn của Bác Hồ". Kể từ đó, theo sáng kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh hàng năm đều có những cuộc gặp gỡ cấp cao giữa hai Đảng tại Hà Nội, nề nếp đó đã góp phần rất quan trọng bồi đắp tình hữu nghị đặc biệt Việt-Lào trở thành mẫu mực hiếm có trong thời đại ngày nay. Ngày 15/12/1968, tại Khu Phủ Chủ tịch, đã có buổi gặp gỡ ấm áp tình hữu nghị cuối cùng giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Đảng Nhân dân cách mạng Lào: Kayxỏn Phomvihẳn, Xuphanuvông, Nuhắc Phumxavẳn, Khămtày Xiphănđon, Phuni Vôngvichít. Ngày 10/4/1969, Người gửi bức điện cuối cùng đến chúc Vua Lào Xri xavang Vatthana nhân dịp Tết năm mới của dân tộc Lào.
Ngày 30/4/1975, miền Nam Việt Nam hoàn toàn giải phóng là điều kiện thuận lợi cho cách mạng Lào giành thắng lợi hoàn toàn, thiết lập nên nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào ngày 2/12/1975. Thắng lợi to lớn và có ý nghĩa lịch sử trọng đại đó, là minh chứng hùng hồn cho tình hữu nghị đoàn kết đặc biệt, thủy chung, trong sáng và khẳng định lời Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Việt Nam kháng chiến có thành công, thì kháng chiến Miên, Lào mới thắng lợi; và kháng chiến Miên, Lào có thắng lợi, thì kháng chiến Việt Nam mới hoàn toàn thắng lợi”.
Kế thừa di sản quý báu của Chủ tịch Hồ chí Minh, phát huy tinh thần truyền thống quý báu được xây dựng từ nhiều thế hệ, từ sau ngày hai nước được hoàn toàn giải phóng, quan hệ hai nước bước vào giai đoạn mới chặt chẽ hơn, toàn diện hơn, giúp nhau khắc phục những hậu quả nặng nề của chiến tranh; xây dựng đất nước hòa bình, độc lập, dân chủ với nền kinh tế, văn hóa, khoa học phát triển; giữ vững quốc phòng-an ninh; làm thất bại âm mưu bao vây cấm vận, phá hoại của các thế lực thù địch. Ngày 18/7/1977, Hiệp ước hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Lào được ký kết, là cơ sở pháp lý quan trọng, đánh dấu mốc phát triển mới của mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước, nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh bảo đảm cho sự nghiệp xây dựng phát triển và bảo vệ đất nước của mỗi nước. Ngày nay, hai Đảng và nhân dân hai nước không ngừng phấn đấu đưa quan hệ đặc biệt Việt – Lào phát triển lên tầm cao mới, vì sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước thân yêu của mình, vì hòa bình, ổn định, hữu nghị và hợp tác trong khu vực và trên thế giới.
3. Kế thừa và phát huy di sản quý báu của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong xây dựng và phát triển mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào trong thế kỷ XXI
Việc duy trì, củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị Việt - Lào là lợi ích, là đòi hỏi có ý nghĩa sống còn đối với sự nghiệp cách mạng hai nước. Sự phát triển của quan hệ Việt - Lào trong những năm gần đây càng chứng tỏ trên thực tế tính đúng đắn của nhãn quan chiến lược đối ngoại của Đảng cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa quan hệ hai nước lên tầm cao toàn diện và hữu nghị đặc biệt.
Thế kỷ XXI toàn cầu hoá tiếp tục phát triển sâu rộng và tác động tới tất cả các nước. Các quốc gia lớn, nhỏ đang tham gia ngày càng tích cực vào quá trình hội nhập quốc tế. Hoà bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, phản ánh đòi hỏi bức xúc của các quốc gia, dân tộc trong quá trình hội nhập và phát triển.
Thế kỷ XXI đang mở ra những cơ hội to lớn nhưng cũng chứa đựng rất nhiều thách thức đối với sự phát triển của tất cả các nước, đặc biệt là các nước đang phát triển. Các nước này mong muốn có một môi trường hoà bình, sự hợp tác, liên kết quốc tế và những xu thế tích cực trên thế giới tạo điều kiện để phát huy nội lực và lợi thế so sánh, tranh thủ ngoại lực phát triển nền kinh tế của mình tiến kịp với sự phát triển chung của nhân loại.
Ngày 31/12/2015, Cộng đồng ASEAN chính thức ra đời. ASEAN đã trở thành một tổ chức khu vực rất thành công, phát triển năng động, hợp tác chặt chẽ, có quan hệ đối tác mật thiết với nhiều quốc gia, và tổ chức quan trọng hàng đầu thế giới. Sức mạnh và uy tín của ASEAN ngày càng gia tăng khi Hiệp hội bao gồm 10 quốc gia Đông Nam Á. Điều đó góp phần củng cố hòa bình, ổn định và sự phồn vinh ở khu vực, tăng cường hợp tác và liên kết giữa các nước thành viên, nâng cao vị thế của Hiệp hội trên trường quốc tế, tạo tiền đề cho những bước phát triển mạnh mẽ tiếp theo. ASEAN đóng vai trò nòng cốt trong đẩy mạnh sự hợp tác ở Đông Á và châu Á - Thái Bình Dương vì hòa bình và phát triển thông qua các hoạt động của APEC, Diễn đàn Đông Á, Diễn đàn khu vực ASEAN.
Bối cảnh mới của tình hình quốc tế và khu vực vừa là cơ hội vừa là thách thức rất lớn với sự phát triển kinh tế trong vùng Đông Nam Á nói chung và ba nước Đông Dương nói riêng. Các nước ASEAN đã và đang quan tâm nhiều đến sự phát triển của Việt Nam và Lào.
Quan hệ hữu nghị Việt - Lào đã vận động qua những chặng đường lịch sử khác nhau và trải qua không ít gian nan thử thách. Song, ở bất kỳ thời điểm nào, quan hệ đó vẫn ngời sáng tình nghĩa thuỷ chung, trong sáng và tràn đầy tình hữu nghị nồng thắm. Sự phát triển của mối quan hệ hữu nghị và tình đoàn kết đặc biệt giữa hai dân tộc Việt Nam và Lào có sự cống hiến to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, người đặt nền móng và suốt cuộc đời hoạt động cách mạng đã dày công chăm chút vun đắp. Thực tiễn cách mạng hai nước cũng luôn chứng tỏ: Tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt và sự hợp tác chặt chẽ toàn diện Việt - Lào có ý nghĩa chiến lược sống còn đối với mỗi nước. Bởi vậy, biên niên sử quan hệ Việt - Lào vốn đã đầy ắp các sự kiện trọng đại, vẫn đang chờ đợi những bước bứt phá mới trong thế kỷ XXI. Quan hệ hữu nghị Việt - Lào mãi là tài sản vô giá, là hành trang không thể thiếu của hai dân tộc trên con đường xây dựng và phát triển đất nước theo định hướng Xã hội chủ nghĩa.
Trước những biến đổi mới của tình hình quốc tế và khu vực đòi hỏi Việt Nam và Lào phải tăng cường hợp tác để hội nhập và phát triển. Trong bối cảnh mới, Đảng và nhân dân Việt Nam luôn tâm niệm sâu sắc rằng, vun đắp quan hệ hữu nghị đặc biệt giữa hai Đảng, hai Nhà nước, hai dân tộc không chỉ là trách nhiệm và nghĩa vụ thiêng liêng, mà còn là tình cảm său nặng của mỗi người dân Việt Nam yêu nước chân chính. Xuất phát từ thực tiễn đó, để tăng cường quan hệ Việt - Lào lên tầm cao mới, cần tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức, phương thức và cơ chế hợp tác theo hướng hiệu quả, khắc phục những khó khăn, hạn chế còn tồn tại.
Là nước láng giềng anh em gần gũi, nhân dân Việt Nam luôn tự hào có nhân dân Lào là người bạn thủy chung trong sáng trong suốt thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây cũng như trong công cuộc đổi mới xây dựng và phát triển đất nước ngày nay. Với những kết quả đạt được của mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào trong thập niên đầu thế kỷ XXI, chúng ta càng khẳng định quyết tâm phấn đấu kế thừa và vun đắp tình đoàn kết đặc biệt, quan hệ hữu nghị thủy chung gắn bó và sự hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói:
''Thương nhau mấy núi cũng trèo,
Mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua.
Việt Lào, hai nước chúng ta,
Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long”.
Tài liệu tham khảo
1. Hoàng Thị Minh Hoa - Nguyễn Văn Cường (2009), “Khái quát về quan hệ kinh tế, thương mại Việt Nam với Lào và Campuchia giai đoạn 1991 - 2005”, Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, số 2 (107), trang 21 - 29.
2. Học viện quan hệ quốc tế (2006), Kỷ yếu hội thảo: Kỷ niệm 25 năm nhân ngày ký Hiệp ước hữu nghị, hợp tác Việt Nam – Lào”, Hà Nội.
3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, H.2002, t.9, tr.314.
4. Nhà xuất bản chính trị Quốc gia, (1993), Quan hệ Việt - Lào, Lào - Việt, Hà Nội.
5. Nguyễn Trần Quế (2003), “Mấy ý kiến về quan hệ Việt – Lào trong lĩnh vực hợp tác kinh tế”, Kỷ yếu hội thảo khoa học “Quan hệ Việt Nam – Lào: Hiện trạng và triển vọng”, Viện KHXHVN - Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Viêng Chăn.
6. Nguyễn Trần Quế (chủ biên) (2007), Hợp tác phát triển tiểu vùng Mê Công mở rộng hiện tại và tương lai, Viện KHXHVN - Viện kinh tế và chính trị thế giới, NXB KHXH, Hà Nội.
7. Vũ Công Quý (2004), “Quan hệ hợp tác Việt Nam - Lào (1977 - 2003)”, Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, số 3 (66), trang 19 - 25.
8. Phạm Xuân Thâu, Tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh soi sang đường lối đối ngoại Việt Nam hiện nay, Tạp chí Quốc phòng toàn dân, ngày 02/09/2011.
9. Thông tấn xã Việt Nam, 29/08/2009.