Dịch tả lợn Châu Phi - Biện pháp phòng tránh (22/04/2019)
Dịch tả lợn (heo) Châu Phi (ASF) là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus gây ra. ASF là loại virus lớn có sợi kép DNA và chứa ít nhất 150 gen. Virus tấn công bạch cầu đơn nhân, đại thực bào và sinh sản trong tế bào chất.
Bệnh lây lan nhanh trên mọi loại heo và mọi lứa tuổi với tỷ lệ chết cao lên đến 100%. Heo khỏi bệnh lâm sàng có khả năng mang virus trong thời gian dài ngoài môi trường và trong các sản phẩm từ heo. Đồng thời, virus dịch tả lợn Châu Phi còn lây nhiễm qua đường hô hấp và tiêu hóa, thông qua sự tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với các vật thể nhiễm virus như: Chuồng trại, phương tiện vận chuyển, dụng cụ, đồ dùng, quần áo nhiễm virus và ăn thức ăn thừa chứa thịt lợn nhiễm bệnh hoặc bị ve mềm cắn.
Biểu hiện của bệnh Dịch tả lợn Châu Phi
Theo đó, biểu hiện rõ nhất của dịch tả lợn châu Phi là lợn sốt cao, trên 40 - 420C; chết ở nhiều loại lợn và không chết ồ ạt. Cụ thể:
- Khi ở thể quá cấp tính là do virus có độc lực cao, lợn sẽ chết nhanh, không biểu hiện triệu chứng hoặc lợn sẽ nằm và sốt cao trước khi chết.
Thể cấp tính là do virus có độc lực cao gây ra, lợn sốt cao (40,5 - 42ºC). Trong 2 - 3 ngày đầu tiên, giảm bạch cầu và tiểu cầu. Lợn có biểu hiện không ăn, lười vận động, ủ rũ, nằm chồng đống, lợn thích nằm ở chỗ có bóng râm hoặc gần nước. Đồng thời, đau vùng bụng, lưng cong, di chuyển bất thường, một số vùng da trắng chuyển sang màu đỏ, đặc biệt là vành tai, đuôi, cẳng chân, da phần dưới vùng ngực và bụng có thể xuất hiện màu sẫm xanh tím.
Thể mãn tính gây ra bởi virus có độc tính trung bình hoặc thấp. Lợn có triệu chứng khác nhau, chẳng hạn như giảm cân, sốt không ổn định, có triệu chứng hô hấp, hoại tử da, hoặc viêm loét da mãn tính, viêm khớp, viêm cơ tim, viêm phổi dính sườn, viêm các khớp khác nhau trong giai đoạn phát triển. Và kéo dài từ 2 - 15 tháng, có tỷ lệ tử vong thấp, lợn khỏi bệnh sau khi nhiễm virus gây nên bệnh sẽ trở thành mãn tính…
Biện pháp phòng tránh
Hiện nay vẫn chưa có vaccine phòng bệnh, do đó việc duy trì nghiêm ngặc an toàn sinh học là biện pháp cực kỳ quan trọng để ngăn chặn bệnh lây lan. Và một số biện pháp khác như:
- Thành lập các tổ kiểm dịch lưu động; tổ ứng phó nhanh nhằm đôn đốc, giám sát, chỉ đạo, hỗ trợ công tác phòng chống dịch bệnh. Đồng thời, bố trí lực lượng trực xuyên suốt tại các trạm kiểm dịch, cửa khẩu.
- Thường xuyên dọn, rửa sạch và sát trùng phương tiện vận chuyển, khu vực chuồng nuôi, xung quanh trại, sát trùng bề mặt và dụng cụ chăn nuôi;…
- Không vận chuyển lợn và các sản phẩm lợn ra vào vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp
Đặc biệt, khi phát hiện dịch bệnh lợn Châu Phi cần lấy mẫu xét nghiệm xác định nguyên nhân bệnh. Nếu xác định dương tính, không thực hiện điều trị lợn bệnh, lợn nghi mắc bệnh. Cần báo cáo ngay chính quyền địa phương và thú y cơ sở để tiêu hủy sớm toàn bộ đàn lợn. Đồng thời, thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc, áp dụng các biện pháp an toàn sinh học.
Thanh Bình