Bệnh cúm - Nguyên nhân và cách phòng bệnh (22/04/2019)
Bệnh cúm hay còn gọi là cảm cúm. Đây là bệnh nhiễm virus cấp tính đường hô hấp và thường bắt đầu với những triệu chứng nhẹ và nặng dần như: Sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng, ho,… và có thể kèm theo các triệu chứng đường tiêu hóa (buồn nôn, nôn, tiêu chảy), đặc biệt ở trẻ em. Thông thường bệnh diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2 - 7 ngày. Ở trẻ em và người lớn tuổi, người mắc bệnh mạn tính về tim phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc người có suy giảm miễn dịch, bệnh có thể diễn biến nặng hơn như viêm tai, viêm phế quản, viêm phổi, viêm não có thể dẫn đến tử vong.
Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới, hàng năm có khoảng 5 - 10% người lớn trưởng thành và khoảng 20 - 30% trẻ em bị nhiễm bệnh, trong đó có 3 triệu đến 5 triệu trường hợp có diễn biến nặng và khoảng 250 đến 500 nghìn người tử vong. Theo ghi nhận tại Việt Nam trong 10 năm gần đây có khoảng từ 1 triệu đến 1,8 triệu trường hợp mắc hội chứng cúm, nguyên nhân chủ yếu do các chủng vi rút cúm A(H3N2), cúm A(H1N1) và cúm B gây nên. Các trường hợp mắc bệnh có xu hướng gia tăng vào mùa đông và mùa xuân.
Nguyên nhân gây bệnh
- Theo khảo sát từ các chuyên gia tại Mỹ, những người không thường xuyên rửa tay hoặc rửa tay không đúng quy cách sau khi hắt hơi sẽ có nguy cơ nhiễm bệnh cao.
- Sử dụng khẩu trang sai cách vì khẩu trang là một trong những vật dụng chứa nhiều vi khuẩn, bụi bẩn độc hại khác ngoài môi trường.
- Hút thuốc, uống rượu: Đối với những người thường xuyên sử dụng rượu bia, thuốc lá cực kì có hại cho sức khỏe gây mất sức đề kháng, giảm hệ miễn dịch.
- Do tiếp xúc với người bị nhiễm cúm qua giao tiếp, khi đó người bình thường bị những tiết dịch trong cơ thể của người bệnh xâm nhập qua đường hô hấp như hít, nuốt phải.
- Sử dụng chung đồ dùng sinh hoạt với người bị nhiễm bệnh hoặc vô tình chạm vào đồ gia dụng trong gia đình và sau đó đưa tay lên mũi, miệng cũng có khả năng lây nhiễm bệnh cúm.
- Đặc biệt ở những nơi đông người như trường học, nhà trẻ, công viên, bể bơi, phòng tập,… là môi trường thuận lợi cho virus cúm lây lan
- Những người thường xuyên lo âu, căng thẳng quá mức tạo nên chứng mất ngủ, trầm cảm, làm giảm hệ miễn dịch… tạo điều kiện cho virus dễ dàng tấn công người bệnh.
Cách phòng tránh
Để bảo vệ bản thân, người thân trong gia đình và cộng đồng không bị mắc bệnh cúm, chúng ta cần thực hiện một số biện pháp sau:
- Vệ sinh cá nhân, hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết
- Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử lý kịp thời
- Giữ ấm cơ thể, ăn uống đầy đủ chất để nâng cao thể trạng
Và một số bài thuốc chữa bệnh dân gian như:
- Hành lá + Cháo trắng: Trong hàng lá có chứa chất sát khuẩn mạnh chữa cảm cúm rất hiệu quả
- Sử dụng lá tía tô nấu cháo: Tía tô có tác dụng chữa ho, giảm đau và giải độc tố rất tốt. Sử dụng tỏi tía: tỏi tía là bài thuốc cổ truyền trong dân gian được sử dụng để chữa ho, giảm sốt hiệu quả.
- Uống nước gừng nóng: Sử dụng 3 lần/ngày để chữa cảm cúm
- Sử dụng chanh và mật ong: Giúp giảm cảm, tăng khả năng miễn dịch cho người bệnh. Đặc biệt với những ca có biểu hiện bất thường, biến chứng nên trực tiếp đến ngay bệnh viện để được xét nghiệm cấp cứu kịp thời.
Đồng thời, biện pháp phòng chống bệnh cúm dễ dàng và mang lại hiệu quả cao đó là ăn nhiều rau xanh và hoa quả giúp tăng sức đề kháng; thêm nhiều hành, tỏi vào các món ăn vào mùa đông; nên ăn cá 03 lần/tuần; sử dụng dầu thực vật (dầu ôliu, dầu hạt cải,…) với liều lượng hợp lý trong các bữa cơm gia đình.
Ngọc Loan