Đảm bảo an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp (22/04/2019)
Hiện nay, công tác vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) trong lĩnh vực nông nghiệp đã và đang là vấn đề được nhiều người quan tâm. Do thực phẩm nông sản có ảnh hưởng trực tiếp và lâu dài đến sức khỏe con người. Từ thực tế đó, năm 2019, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương xây dựng và triển khai kế hoạch hành động tích cực triển khai các giải pháp tăng cường quản lý ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp nhằm tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác ATTP; phát hiện và ngăn chặn kịp thời việc sử dụng chất cấm trong trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản; giảm thiểu ô nhiễm sinh học và tồn dư hóa chất, kháng sinh trong sản xuất kinh doanh nông sản thực phẩm, đáp ứng yêu cầu về ATTP cho người tiêu dùng.
Cụ thể, triển khai thực hiện tuyên truyền, phổ biến kịp thời, đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật về ATTP, quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng vật tư nông nghiệp; ATTP cho các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm; thông tin về vệ sinh ATTP; tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ của Ủy ban nhân dân tỉnh, đặc biệt là chính sách hỗ trợ áp dụng theo tiêu chuẩn thực hành sản xuất nông nghiệp tốt;…
Theo đó, triển khai thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như sau:
- Gắn kết chặt chẽ việc chỉ đạo điều hành công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, ATTP nông lâm thủy sản với các nhiệm vụ của tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới
- Tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, bảo đảm ATTP nông lâm, thủy sản phù hợp với quy định của Trung ương và thực tế sản xuất tại địa phương như: Thông tư hướng dẫn thi hành Luật Chăn nuôi, Luật Trồng trọt, sửa đổi Nghị định xử phạt vi phạm hành chính về chăn nuôi; xây dựng, ban hành, sửa đổi bổ sung các chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh dựa trên khung chính sách chung về khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn;…
- Chỉ đạo tổ chức sản xuất, tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn; kiểm soát chặt chẽ an toàn thực phẩm: Tiếp tục xây dựng và tổ chức triển khai các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, áp dụng quy trình, thực hành nông nghiệp tốt (VietGap, GlobalGAP); nhân rộng mô hình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); phổ biến vận động, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp quy mô nhỏ áp dụng thực hành nông nghiệp tốt, thực hành sản xuất tốt; kiểm soát chặt chẽ chất lượng vật tư nông nghiệp và ATTP nông lâm thủy sản nhập khẩu, lưu kho, bảo quản và tiêu thụ trên địa bàn tỉnh theo quy định; tiếp tục triển khai các Đề án “Phát triển nông nghiệp đô thị vùng phía Nam tỉnh Bình Dương giai đoạn 2016 - 2020”;…
- Tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, tạo đầu mối sản xuất - tiêu thụ các sản phẩm được chứng nhận an toàn theo VietGap; chứng nhận thực phẩm đảm bảo an toàn hay sản phẩm của mô hình chuỗi được kiểm soát để giới thiệu tham gia hội chợ triển lãm xúc tiến thương mại
Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về ATTP; thực hiện chương trình truyền hình với chuyên đề về “Nông sản xanh” và Chương trình “Nông nghiệp sạch cho người Việt Nam và cho thế giới”; hướng dẫn áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong chăn nuôi (VietGAHP), TCVN 11892-1:2017 trong trồng trọt (VietGap);…
Công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp có ý nghĩa thực tế rất quan trọng trong sự phát triển kinh tế, môi trường sống của con người. Thực hiện tốt những nội dung trên góp phần to lớn trong việc bảo vệ sức khỏe con người, nâng cao chất lượng cuộc sống và hiệu quả phát triển kinh tế xã hội.
Thanh Bình