Phát huy vai trò của đội ngũ trí thức trong xây dựng và phát triển Bình Dương (22/10/2016)
Nhận thức rõ vấn đề này và nhằm tập hợp, phát huy tốt hơn vai trò của đội ngũ trí thức, Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X đã ra Nghị quyết số 27 - NQ/TW (ngày 06/8/2008) về “Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”(gọi tắt kà Nghị quyết). Theo đó, Nghị quyết là sự thể hiện sâu sắc và cụ thể hơn chủ trương nhất quán của Đảng về phát triển đội ngũ trí thức.
Trong thực tế, để xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức, Nhà nước đã liên tục thực hiện việc đầu tư xây dựng và từng bước hoàn thiện hệ thống các trường đào tạo, các trung tâm nghiên cứu; đổi mới cơ chế, tăng cường đầu tư cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo, cho KH&CN, văn hóa, văn nghệ. Mặc dù nền kinh tế đất nước còn nhiều khó khăn, nhưng Nhà nước đã cố gắng ban hành và thực hiện chính sách đãi ngộ, tôn vinh trí thức, lập các giải thưởng quốc gia, phong tặng các chức danh khoa học và các danh hiệu cao quý đối với đội ngũ trí thức, bước đầu đã tạo điều kiện thuận lợi để đội ngũ trí thức và các tổ chức của trí thức hoạt động, phát triển.
Bình Dương trong những năm qua, mặc dù còn không ít những khó khăn, thách thức, nhưng được sự quan tâm của lãnh đạo Tỉnh, hoạt động của đội ngũ trí thức Bình Dương tiếp tục đạt được những tiến bộ, có những đóng góp quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển của Bình Dương. Từ góc độ chỉ đạo, quản lý, nhằm triển khai thực hiện có kết quả Nghị quyết 27 của Trung ương, … Để tạo cơ sở pháp lý cho việc triển khai công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực nói chung và xây dựng đội ngũ trí thức nói riêng, trên cơ sở vận dụng các chủ trương chính sách của Trung ương, Tỉnh ủy đã xây dựng Chương trình hành động số 38-CTHĐ/TU, ngày 12/6/2007 “Về đào tạo, thu hút và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tỉnh Bình Dương giai đoạn 2006 - 2010”; ban hành Quyết định số 622-QĐ/TU, ngày 21/02/2008 “Về việc phê duyệt kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ giai đoạn 2008 - 2010” nhằm chuẩn hóa đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý từ tỉnh đến cơ sở và xây dựng nguồn cán bộ cho cả hệ thống chính trị.
Thực hiện Chương trình hành động của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân (UBND) Tỉnh đã ban hành Quyết định số 730/2008/QĐ-UBND phê duyệt Dự án đảm bảo nguồn nhân lực cho đội ngũ cán bộ công chức Nhà nước tỉnh Bình Dương đến năm 2010 và ban hành Quyết định số 926/QĐ-UBND, ngày 09/4/2012 “Về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực tỉnh Bình Dương thời kỳ 2011 - 2020” nhằm tạo cơ sở pháp lý cho công tác phát triển nguồn nhân lực nói chung và công tác xây dựng đội ngũ trí thức nói riêng.
Song song đó, Tỉnh ủy đã ban hành Quy định về tiêu chuẩn chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, UBND Tỉnh ban hành quy định về tiêu chuẩn, điều kiện để làm cơ sở cử cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) đi đào tạo trong và ngoài nước.
Căn cứ vào tình hình thức tế, Tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo cho các ngành, các cấp tham mưu cho Tỉnh ban hành các chế độ chính sách có liên quan đến đội ngũ trí thức nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách tạo điều kiện để trí thức khẳng định, phát triển, cống hiến và được tôn vinh như: Sửa đổi bổ sung các chế độ chính sách về đào tạo, thu hút và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng chính sách ưu đãi, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư đào tạo nguồn nhân lực; chính sách hỗ trợ giải quyết vấn đề nhà ở cho gia đình CBCCVC trẻ gắn với chính sách sử dụng trí thức trẻ, chính sách thu hút nguồn nhân lực có trình độ cao là người ngoài tỉnh về Bình Dương công tác; các chính sách ưu đãi cho ngành Giáo dục và Đào tạo; Y tế; chính sách thu hút người có học hàm học vị về công tác tại trường Đại học Thủ Dầu Một; chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2012 - 2015, chế độ ưu đãi CBCCVC làm công nghệ thông tin, viễn thông của tỉnh … Điều này thể hiện sự quan tâm lớn của Tỉnh đối với nhiệm vụ phát triển đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Đến nay, công tác đào tạo và thu hút nguồn nhân lực của Tỉnh đã có sự chuyển biến tích cực, góp phần giải quyết được nhiều vấn đề như: Chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, công chức của Tỉnh; đáp ứng được yêu cầu tiêu chuẩn về chuyên môn theo ngạch được sắp xếp; thu hút sinh viên học các ngành theo yêu cầu của Tỉnh. UBND Tỉnh đã sớm ban hành chính sách, chế độ hỗ trợ đào tạo, tu nghiệp và thường xuyên sửa đổi bổ sung cho phù hợp tình hình thực tế với nhiều chế độ ưu đãi về kinh phí đào tạo, trợ cấp đi học, làm luận văn, đề tài tốt nghiệp, hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng trong nước; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài… để động viên, khích lệ cán bộ, công chức học tập nâng cao trình độ và thu hút sinh viên sau khi tốt nghiệp về Tỉnh công tác; thực hiện một số chính sách nhằm nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn cho thanh niên, đặc biệt là xây dựng đội ngũ cán bộ công chức trẻ như: Bổ sung chính sách đào tạo, thu hút nguồn nhân lực tỉnh Bình Dương, chính sách đào tạo sau đại học và xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý trẻ, đội ngũ cán bộ KH&CN trẻ, trong đó, có chính sách ưu tiên phù hợp với thanh niên thuộc các gia đình chính sách; chính sách hỗ trợ, bồi dưỡng, đào tạo để động viên y, bác sĩ trẻ về công tác tại các trạm y tế xã… đã triển khai thực hiện mang lại hiệu quả thiết thực.
Hoạt động của đội ngũ trí thức Bình Dương còn được tạo điều kiện thông qua Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Bình Dương (gọi tắt là Liên hiệp Hội). Trong những năm qua, Liên hiệp Hội đã thực hiện ngày càng tốt hơn vai trò, chức năng, nhiệm vụ quy tụ các nhà khoa học, đội ngũ trí thức thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau trong hoạt động tư vấn, phản biện, xây dựng định hướng kế hoạch, xây dựng Đề án phát triển KH&CN; nghiên cứu. Hiện Liên hiệp Hội có 17 hội thành viên hoạt động trên các lĩnh vực khoa học - kỹ thuật và khoa học - xã hội, đang có nhiều đóng góp cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh thông qua việc chủ động thực hiện hoặc phối hợp tổ chức nhiều Hội thi sáng tạo kỹ thuật; Cuộc thi sáng tạo dành cho thanh thiếu niên nhi đồng…Tuy vậy, yêu cầu ngày càng cao của thực tiễn phát triển đòi hỏi phải tiếp tục có những đổi mới trong hoạt động của tổ chức Liên hiệp Hội. Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 16/4/2010 của Bộ Chính trị “Về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, ra đời nhằm đáp ứng yêu cầu cấp thiết đó. Sau đó không lâu, Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 01-CT/TU, ngày 12/10/2010 “Về việc thực hiện Chỉ thị 42-CT/TW của Bộ Chính trị”. nhằm đẩy mạnh hoạt động của Liên hiệp Hội.
Để tạo điều kiện cho Liên hiệp Hội tham gia thực hiện tư vấn, phản biện và giám định xã hội, ngày 13/01/2016 Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 01/2016/QĐ-UBND để Liên hiệp Hội thực hiện chức năng tư vấn, giám định, phản biện các đề án, chương trình, kế hoạch trước khi đề nghị UBND tỉnh phê duyệt, giao cho Sở Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm lựa chọn các đề án có tính chất phức tạp, ưu tiên, trọng điểm, đa ngành, đặt yêu cầu Liên hiệp Hội thực hiện tư vấn, phản biện và giám định xã hội; giao Liên hiệp Hội chủ động đề xuất UBND Tỉnh trong việc tư vấn, phản biện và giám định xã hội đối với các đề án mà Liên hiệp Hội hoặc các hội thành viên tham gia.
Trong thời gian qua, Liên hiệp Hội và các hội thành viên đã tích cực tham gia phản biện các đề tài, dự án KH&CN, các chương trình, dự án phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh do UBND Tỉnh và các cơ quan, ban, ngành đề nghị.
Theo tinh thần đó và để đổi mới công tác xây dựng đội ngũ trí thức, trước hết cần đổi mới tư duy về chính sách phát triển dựa trên tri thức và đánh giá đúng vị trí, vai trò của đội ngũ trí thức trong sự ngiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển nền kinh tế tri thức. Mặt khác, cần thể hiện sự tin dùng, dân chủ, tôn trọng ý kiến của trí thức, tạo điều kiện thuận lợi cho họ phát huy hết tài năng sáng tạo; tạo điều kiện làm việc và có chế độ đãi ngộ hợp lý để trí thức có thể tập trung hết tâm sức cho nghiên cứu tìm tòi sáng tạo và cống hiến. Cùng với đó là sự đổi mới mạnh mẽ hơn nữa chính sách phát triển kinh tế dựa vào tri thức, vào KH&CN. Và một vấn đề rất quan trọng nữa là phải chăm lo sự nghiệp giáo dục trên tinh thần đổi mới mạnh mẽ, tiến hành cải cách triệt để, sâu sắc cả về mục tiêu, nội dung, phương pháp dạy học, hệ thống giáo dục, đến phương thức tổ chức quản lý giáo dục - đào tạo...
Với quyết tâm đổi mới như vậy, đội ngũ trí thức sẽ không những được phát triển về số lượng, mà quan trọng hơn còn được nâng cao về chất lượng và hiệu quả hoạt động, phát huy được khả năng sáng tạo, tư duy khoa học phục vụ sự nghiệp xây dựng Bình Dương và đất nước.
Đoàn Công Trang,
Chánh Văn phòng Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật